Ngày 22/3, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc với Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu |
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Đoàn Giám sát tổ chức làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan về nội dung chuyên đề giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.
Thời gian qua, Đoàn Giám sát đã giám sát trực tiếp tại 10 tỉnh, thành phố thuộc 3 miền Bắc, Trung, Nam, làm việc với 12 bộ, ngành, cơ quan.
Tại phiên họp này, Đoàn giám sát làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan có liên quan để nghe báo cáo tổng hợp của Chính phủ về các nội dung giám sát. Báo cáo của Chính phủ và ý kiến tham gia của các đại biểu tham dự họp có ý nghĩa quan trọng.
Trên cơ sở kết quả làm việc, cùng với kết quả giám sát tại các địa phương, bộ, ngành, tổng hợp báo cáo của các địa phương, cơ quan, đơn vị, đoàn giám sát sẽ xây dựng báo cáo kết quả giám sát, dự thảo nghị quyết giám sát, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội trong Kỳ họp sắp tới.
Cuộc làm việc này sẽ góp phần đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại diện Chính phủ báo cáo rõ những vấn đề cụ thể như: Đánh giá tình hình, tính kịp thời của việc ban hành văn bản hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành, để thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết 43; việc triển khai thực hiện các chính sách cụ thể để thực hiện từng chính sách trong chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ, công tác chuẩn bị đầu tư có đảm bảo tiến độ hay không, việc giải ngân vốn có đảm bảo chất lượng hay không, khả năng thực hiện, hoàn thành dự án so với mục tiêu đề ra, tính thiết thực, hiệu quả, khó khăn vướng mắc khi thực hiện các cơ chế đặc thù trong phân cấp cho địa phương làm cơ quan chủ quản đầu tư dự án đường bộ cao tốc trên địa bàn để chỉ định thầu, khai thác mỏ vật liệu.
Đồng thời, cần đánh giá hiệu quả tác động của việc thực hiện chính sách sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết 43; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện chính sách; đề xuất, kiến nghị của Chính phủ đối với Quốc hội liên quan đến việc ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đặc biệt, đảm bảo tính hiệu quả, phát huy ý nghĩa thiết thực hơn và đưa ra những giải pháp phù hợp với tình hình mới hiện nay.
Với nội dung về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo rõ về tình hình triển khai thực hiện các dự án, các bước của quy trình đầu tư, tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ và chất lượng thi công, tình hình giải ngân các dự án; những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị tháo gỡ.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 là quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội trong bối cảnh tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Việc xây dựng, ban hành và chấp hành chính sách, pháp luật liên quan đến Nghị quyết 43/2022/QH15 đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương chủ động, khẩn trương triển khai nghiêm túc, đúng thẩm quyền, đưa chính sách đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, đúng đối tượng, tránh trục lợi. Qua đó, đã góp phần không nhỏ hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và tạo nền tảng phát triển sau đại dịch Covid-19.
Về thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, việc triển khai các dự án cơ bản đáp ứng tiến độ, tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định. Các cơ chế đặc thù được Quốc hội cho phép áp dụng đã phát huy hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Tại Báo cáo này, Chính phủ cũng nêu rõ một số hạn chế, tồn tại, nguyên nhân; đồng thời, xác định sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nội dung được Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện, cố gắng giải ngân tối đa vốn Chương trình trong năm 2024.
Các Bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, báo cáo cấp có thẩm quyền hoặc xử lý theo thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, định mức dự toán, đơn giá, mỏ vật liệu xây dựng của một số dự án quan trọng quốc gia.