Theo Tổng cục Hải quan, số lượng các địa phương xuất khẩu trên 10 tỷ USD không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên kim ngạch của hầu hết các địa phương đều giảm so với 1 năm trước. Đơn cử như TP. Hồ Chí Minh giảm hơn 5 tỷ USD, Bắc Ninh giảm gần 5 tỷ USD, Bình Dương giảm gần 4 tỷ USD… Trong các tỉnh có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chỉ Bắc Giang đạt tăng trưởng dương (tăng 6%) so với cùng kỳ năm ngoái, với kim ngạch đạt 12,55 tỷ USD.
Sản xuất sản phẩm công nghiệp tại Bắc Giang |
Là địa phương có thế mạnh cả ở xuất khẩu công nghiệp và nông nghiệp, mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Bắc Giang đến năm 2030.
Mục tiêu chung của kế hoạch nhằm triển xuất khẩu bền vững, phát huy lợi thế so sánh và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hợp lý theo chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường sinh thái và giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến và sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có hàm lượng khoa học - công nghệ, hàm lượng đổi mới sáng tạo cao, các sản phẩm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tập trung phát triển một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh; hạn chế sản xuất và xuất khẩu những sản phẩm tiêu hao nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường. Kế hoạch phấn đấu xuất khẩu, nhập khẩu tăng trưởng ổn định, cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 13-15%/năm trong thời kỳ 2021 - 2030; Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân 12-14%/năm trong thời kỳ 2021 – 2030.
Đáng chú ý, tính đến hết tháng 7, nhiều địa phương đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, nhưng cũng có một số địa phương kết quả khá khiêm tốn chỉ dừng ở mức hơn 10 triệu USD.
Trong đó, 3 cái tên có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất là Lai Châu, Bắc Kạn và Điện Biên với kết quả lần lượt là: 7,7 triệu USD; 16,6 triệu USD; 17,35 triệu USD.
Về xuất khẩu cả nước nói chung, 7 tháng đầu năm tổng kim ngạch đạt 195,42 tỷ USD, giảm 10,3% (tương ứng giảm 22,5 tỷ USD).
Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân của sự suy giảm xuất nhập khẩu trong 7 tháng qua là do các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết: Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% năm 2023 là vô cùng thách thức, trong thời gian tới Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh triển khai bao gồm tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA); đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia mạng lưới phân phối của các chuỗi bán lẻ nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu thông qua nền tảng thương mại điện tử…
Bên cạnh đó, tích cực đưa FTA Việt Nam - Israel mới đàm phán vào thực thi. Đồng thời, đẩy nhanh tốc độ các FTA đang trong giai đoạn đàm phán.