Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao: Kết nối nhà trường và doanh nghiệp |
Kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp
Thời gian qua, trước xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ của nền kinh tế, các cơ sở đào tạo của ngành Công Thương, đặc biệt là những cơ sở giáo dục đại học đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực kỹ thuật-công nghệ, đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công ng (CMCN) 4.0 cũng như hội nhập kinh tế quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thăm phòng thực hành Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội |
Ông Nguyễn Thế Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương) - cho biết: Hiện 100% trường trực thuộc Bộ Công Thương có hoạt động hợp tác với doanh nghiệp, với tổng số doanh nghiệp đã kết nối lên tới hơn 5.000 đơn vị trên cả nước. Nhờ đó, đã góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo và chất lượng đầu ra sinh viên, gắn với thực tế việc làm. Các trường cũng chủ động tiếp cận với công nghệ 4.0 như Big Data, trí tuệ nhân tạo (AI) trong xử lý thông tin và thực hiện hoạt động quản lý, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lao động. Nổi bật là trường đại học: Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Công nghiệp Hà Nội, Công nghiệp Thực phẩm, Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp, Điện lực, Công nghiệp Việt Trì và Sao Đỏ.
Ngoài ra, các cơ sở đào tạo tiếp tục chủ động triển khai và ký kết biên bản hợp tác với những cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp, hiệp hội ngành nghề nước ngoài có uy tín như: Mỹ, Bỉ, Hàn Quốc, Nhật Bản... trên tất cả các mặt hoạt động. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã hợp tác và tài trợ thiết bị thí nghiệm thực hành cho các trường, nhận sinh viên thực tập và làm việc trong, ngoài nước (Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Sao Đỏ, Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp).
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Theo ông Nguyễn Thế Hiếu, các trường đã chú trọng và đầu tư nghiêm túc, bài bản, có lộ trình cho việc kiểm định trường, kiểm định chương trình theo các tiêu chuẩn quốc tế. Điều đó thể hiện bước đi đúng đắn khi tham gia hiệu quả vào thị trường đào tạo nhân lực không biên giới, đa văn hóa trong hội nhập quốc tế.
Điển hình như có 12 chương trình của Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh và 2 chương trình của Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đã được công nhận đạt chuẩn của tổ chức kiểm định các trường đại học khu vực Đông Nam Á (AUN-QA). 6 chương trình Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh đang đánh giá theo tiêu chuẩn của Hiệp hội ngành nghề Mỹ ABET... ngoài ra các trường tự đánh giá 42 chương trình.
Bên cạnh đó, một số trường cũng hợp tác với nhiều tổ chức trong và ngoài nước để đánh giá năng lực ngoại ngữ độc lập như IIG Việt Nam, IDP Việt Nam… để tổ chức thi Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như TOEIC, IELTS, Aptis. Một số trường liên kết hoặc hợp tác với nước ngoài, có chuyên gia tiếng Anh sang giảng dạy tại trường như Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh. Riêng Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh là đủ điều kiện triển khai thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Hoạt động hợp tác quốc tế cũng đã góp phần nâng cao năng lực đào tạo và chất lượng đào tạo tại các trường thông qua các chương trình hợp tác như: KISMEC hỗ trợ đào tạo giảng viên kỹ thuật cho 2 Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục với Hiệp hội KOSEN triển khai thí điểm mô hình đào tạo kỹ sư thực hành tại 3 trường cao đẳng (Kỹ thuật Cao Thắng, Công nghiệp Huế, Công nghiệp và Thương mại).
Đáp ứng yêu cầu đào tạo trong bối cảnh mới
Đối với các trường cao đẳng, đã có 10 trường tiến hành kiểm định trường và được cấp giấy chứng nhận kiểm định do các tổ chức kiểm định trong nước cấp, các trường còn lại đang tự đánh giá nội bộ tiến tới đánh giá ngoài. Các trường đã tự đánh giá 99 chương trình đào tạo.
Thành tích trong nghiên cứu khoa học là điểm sáng với 18.241 công trình do giáo viên và sinh viên các trường thực hiện. Số lượng bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế 1.484 bài đã từng bước nâng cao chất lượng, uy tín và vai trò của các trường trực thuộc Bộ Công Thương trong hệ thống các cơ sở đào tạo.
Nội dung và chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao hơn. 12 sản phẩm được đăng ký sở hữu trí tuệ, được thương mại hóa với giá trị ước đạt khoảng 3,7 tỷ đồng. Đây là kết quả bước đầu đáng khích lệ, thể hiện sự quan tâm của các trường đối với công tác nghiên cứu khoa học, gắn kết học tập với nghiên cứu, triển khai ứng dụng trong thực tế.
“Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác đào tạo, tuyển sinh trong bối cảnh dịch Covid-19; thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học- công nghệ; thúc đẩy hợp tác, gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong nhiều khâu của quá trình đào tạo để các sinh viên đáp ứng yêu cầu của công việc ngay sau khi ra trường… Đó là những điểm sáng trong bức tranh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của ngành Công Thương, là công sức, nỗ lực của các thầy, cô trong một năm dịch bệnh diễn biến bất ngờ vừa qua” - ông Nguyễn Thế Hiếu khẳng định
Năm học 2022-2023, các cơ sở đào tạo ngành Công Thương tiếp tục đẩy mạnh tự chủ và giải trình xã hội, đổi mới nâng cao năng lực quản trị đại học, hướng tới quản trị đại học 4.0; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực kỹ thuật- công nghệ, đảm bảo yêu cầu CMCN trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Tiếp tục kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp để đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực có tay nghề, kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nền tảng, thương mại điện tử và kinh tế số.