Tại cuộc họp lấy ý kiến của Bộ Công Thương về Dự thảo Chiến lược sản xuất Hydrogen, triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII diễn ra ngày 25/12, nhiều chuyên gia kinh tế - năng lượng hàng đầu đã "hiến kế" để giải quyết những khó khăn vướng mắc cho các loại hình nguồn điện này khi chưa có quy định để triển khai hoặc bị vướng bởi nhiều Luật cần sửa đổi cho đồng bộ. Điều này đã ảnh hưởng đến việc cung cấp điện trong thời gian tới, cũng như mục tiêu chuyển dịch năng lượng của Việt Nam theo Quy hoạch điện VIII và cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26.
Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, thực tế triển khai dự án điện khí (bao gồm: Lựa chọn nhà đầu tư, lập, phê duyệt FS, đàm phán hợp đồng mua bán điện, thu xếp vốn vay và thực hiện hợp đồng EPC) cần khoảng thời gian từ 7-8 năm. Đối với dự án điện gió ngoài khơi, thời gian thực hiện cần khoảng từ 6-8 năm kể từ lúc khảo sát. Do đó, việc triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi để đáp ứng tiến độ đưa vào vận hành trước năm 2030 là thách thức không hề nhỏ và cần sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền cũng như sự phối hợp giữa các đơn vị có liên quan nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như thực hiện mục tiêu trung hoà cacbon vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại COP 26.
Toàn cảnh cuộc họp |
Vấn đề cấp bách cần có cách tiếp cận, tư duy khác
PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam: Liên quan Dự thảo Chiến lược về sản xuất năng lượng hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tôi đồng ý về sự cần thiết của phê duyệt chiến lược cũng như có cơ chế đặc biệt cho thực hiện chiến lược này.
PGS.TS Trần Đình Thiên |
Trước tình thế hiện nay, chúng ta phải bảo đảm trong thời buổi cấp bách này, cách tiếp cận về cơ chế chính sách, thái đội đối với công việc phải dựa trên những nguyên tắc khác; phải có những chiến lược truyền thông để tăng thêm hiểu biết cho xã hội, đặc biệt là lãnh đạo cấp cao có thẩm quyền quyết định.
Chúng ta cần có cách tiếp cận bên ngoài chính sách bảo đảm không rủi ro. Không nên dùng cơ chế đặc thù, đây là cơ chế mới cho giai đoạn phát triển mới, điều kiện phát triển năng lượng bây giờ khác, không chỉ là cung cấp điện mà giải quyết toàn bộ vấn đề phát triển, liên thông cả hệ sinh thái.
Liên quan đến giá năng lượng, kinh nghiệm cho thấy vấn đề chiến lược chúng ta càng om lâu thì rủi ro cho nền kinh tế càng lớn và càng làm cho chúng ta mất hết cơ hội phát triển. Cho nên phải đưa giá điện theo giá thị trường.
Cái khó hiện nay là tư duy, giải pháp chúng ta vẫn kiểu logic không thể giải quyết được. Chúng ta cần làm tốt hơn nữa công tác truyền thông để mọi người hiểu, giảm tải áp lực mà cũng là tăng thời cơ. Bộ đứng ra thanh minh thì khó, không hiệu quả.
Chuyên gia Kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh: Qua các báo cáo, tôi nghĩ tình hình khá khẩn trương, cấp bách và chúng ta cần làm sớm vì theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, việc thiếu điện có thể gây ra thiệt hại khoảng 0,3% GDP.
Bộ Công Thương cần có báo cáo chi tiết, liệt kê các vấn đề đang gặp khó khăn, vướng mắc và phân định rõ từng vấn đề của từng Bộ, ngành, địa phương quản lý, chịu trách nhiệm để báo cáo Chính phủ, từ đó báo cáo lên Quốc hội, Bộ Chính trị để có hướng chỉ đạo giải quyết sớm. Trước hết, đề nghị giải quyết vấn đề giá điện theo cơ chế thị trường mềm dẻo hơn.
TS. Lê Đăng Doanh |
Đồng thời, cần lập nhóm tổng hợp gồm các chuyên gia của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chuyên gia kinh tế - năng lượng… để giải quyết. Mặt khác, cần báo cáo Bộ Chính trị giao cho Chính phủ xây dựng cơ chế khoán, cơ chế giá điện, cơ chế lập các nhóm công tác để tận dụng tiềm năng điện gió và các vấn đề cấp bách khác… Cuối cùng, nên có quy định rõ ràng bởi trong tình hình hiện nay, tôi thấy rất “dè dặt”.
TS. Võ Trí Thành - chuyên gia, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh: Thông điệp đối với ngành năng lượng Việt Nam rất rõ. Tuy nhiên, với cơ chế, chính sách hiện hành để đạt mục tiêu của Quy hoạch điện VIII là bài toán phức tạp, không có lời giải tối ưu.
Tôi ủng hộ theo hướng phải có cơ chế đặc biệt, có những thông điệp mạnh mẽ về sự quan trọng của năng lượng.
TS Võ Trí Thành |
Trong câu chuyện hydrogen, cần đặt mình ở vị trí nào vì đây là trò chơi địa chính trị, trò chơi kinh tế với năng lượng.
Theo tôi cần có Ban chỉ đạo năng lượng để thực thi nhất quán. Cần có một nhóm tư vấn về chiến lược, về cơ chế chính sách.
Đối với câu chuyện điện gió ngoài khơi. Nó là câu chuyện con gà quả trứng. Tiềm năng về gió thì có nhưng quy định của luật chưa phù hợp, có cái thậm chí chưa có. Tôi đề nghị Quốc hội tổng kết các cơ chế vừa rồi mà Quốc hội làm, ví dụ trao quyền, cơ chế đặc thù, cơ chế đặc biệt. Nếu ban hành nghị quyết riêng thì cách làm nên giao cho Thường vụ Quốc hội, hoặc xử lý theo từng trường hợp dự án, hay Ban Chỉ đạo quyết và chuyển cho Quốc hội.
Giá năng lượng cần theo cơ chế thị trường
TS. Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam: Nếu cứ để cơ chế mua điện giá cao, bán giá thấp như hiện nay thì không thể hoàn thành các mục tiêu và kế hoạch mà Quy hoạch điện VIII cũng như của ngành đề ra, nhất là trong mua bán với quốc tế.
TS. Nguyễn Tiến Thỏa |
Xác định nếu mua cao bán thấp chỉ có 2 con đường: EVN thua lỗ hoặc nhà nước phải cấp bù hoặc chính sách giảm thuế, phí làm sao để hạ chi phí. Đầu vào thị trường, đầu ra Nhà nước nói không tăng giá thì muôn đời không làm được. Do vậy, tôi đề nghị sửa Luật Điện lực để đảm bảo giá điện tính đúng tính đủ. Nút thắt tài chính cụ thể về giá phải giải quyết và thể hiện rõ trong giải pháp, kiến nghị kể cả điện khí và điện gió.
Chuyên gia kinh tế - TS. Đinh Trọng Thịnh: Thứ nhất, phát triển các dự án điện khí, điện gió là rất cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng. Năm 2023, chúng ta có gặp khó khăn về điện, những năm tới với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, chắc chắn nếu chúng ta vẫn cứ như thế này sẽ thiếu, cho nên cần phải làm rõ hơn.
Thứ hai, chúng ta thấy rằng, các cơ chế, chính sách cho điện khí, điện gió rất thiếu, thiếu từ cái tiêu chuẩn, định mức. Vậy sẽ lấy tiêu chuẩn nào để phù hợp với chúng ta?
TS. Đinh Trọng Thịnh |
Thứ ba, cơ chế mua bán điện cũng cần phải làm rõ hơn. Cần nhìn lại bài học bảo lãnh từ Lọc Hóa dầu Nghi Sơn. Nhà nước đã can thiệp vào giá, thì phải có cơ chế để đảm bảo việc mua bán nhưng cơ chế đó là cơ chế gì? Nếu cơ chế phải theo thị trường thì phải có cơ chế phù hợp, lúc đó, người ta bỏ ra hàng tỷ USD để xây dựng nhà máy điện khí điện gió, người ta mới yên tâm.
Tiếp theo, cơ chế chính sách về thuế cũng như các chính sách về mảng tài chính, thực tế mà nói, những tập đoàn lớn nhất đầu tư xây dựng các nhà máy điện khí, điện gió, điện ngoài khơi… hàng chục tỷ USD, họ đâu có tiền bỏ ra hết, họ phải đi vay. Vấn đề quan trọng là phải có người bảo lãnh cho họ, đảm bảo có khả năng trả nợ, thì họ mới có cơ hội đi vay để đảm bảo tài chính đầu tư. Nhưng chúng ta chưa có cơ chế, vì vậy cần phải có cơ chế ngay.
Đối với điện gió ngoài khơi, chúng ta cần đưa ra các công việc phải làm ngay, cần đưa ra vị trí dự án cụ thể trong quy hoạch và có cơ chế để cấp quyền thăm dò, khảo sát cũng như thi công… Tất cả những cái đó ai làm, làm thế nào? Những vấn đề đó phải nói rõ ràng chúng ta mới làm được vì từ nay đến 2030, chúng ta còn có 7 năm nữa.
Sớm tháo gỡ về cơ chế
Ông Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam: Trước hết, tôi xin ủng hộ và nhất trí cao những thuận lợi và khó khăn thách thức mà đồng chí Bộ trưởng phát biểu hôm nay.
Ông Nguyễn Quốc Thập |
Theo tôi, cần phải có Nghị quyết của Quốc hội cho phép Chính phủ, các bộ, ngành và các doanh nghiệp được triển khai song song với quá trình hoàn thiện các khung pháp lý. Như trao đổi hôm nay thì phải sửa, bổ sung hầu hết từ Luật đầu tư đến Luật điện lực, Luật giá, đấu thầu... Nếu chờ sửa luật sẽ rất lâu. Bộ Công Thương với tư cách là cơ quan đầu mối tham mưu cho Chính phủ, cần có đề xuất với Quốc hội để có một Nghị quyết triệt để về triển khai quyền bình đẳng trong đó có tất cả các nguồn điện như: Điện gió ngoài khơi, điện khí, điện khí LNG.
TS. Ngô Tuấn Kiệt, Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng: Trước hết, tôi đồng tình với dự thảo nhưng băn khoăn một chút ở tên “Chiến lược sản xuất năng lượng Hydrogen” trong nội hàm chúng ta đưa: Sản xuất, tồn trữ; vận chuyển, sử dụng… nên chăng chúng ta đổi tên “sản xuất” bằng: “Chiến lược phát triển năng lượng Hydrogen” cho phù hợp hơn.
TS. Ngô Tuấn Kiệt |
Thứ hai, liên quan đến phát triển dầu khí và điện gió ngoài khơi triển khai rất khó nếu thực hiện như cơ chế hiện tại, tôi đang băn khoăn đến vấn đề triển khai thực hiện thị trường điện cạnh tranh.
Phải có bài toán cụ thể trong vấn đề giá vì khi bỏ tiền ra đầu tư, doanh nghiệp không biết giá cả như nào, cụ thể ra sao thì rất khó.
Chúng ta cứ nghĩ khi có thị trường điện cạnh tranh nhà đầu tư hy vọng giá điện hạ, tuy nhiên giá điện không bao giờ hạ mà chỉ có lên. Bởi vì các nguồn năng lượng nâng lên thì giá không thể rẻ kiểu như năng lượng thô.
Bộ Công Thương đã đến lúc triển khai dự án Tối ưu hoá vận hành hệ thống điện Việt Nam xác định ưu tiên hệ thống nền và hệ thống đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh: Năm nay, dự kiến EVN lỗ 23 nghìn tỷ, PVN là đầu tư Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 4 mà bây giờ chưa ký được hợp đồng giá điện… dù là vốn của nhà nước nhưng có những cơ chế mà chúng ta bị vướng vào nên Nhơn Trạch gặp khó khăn. Đây là vấn đề cực kỳ lớn trong chuỗi cung ứng điện cho EVN.
Ông Hà Đăng Sơn |
Chúng ta nói phát triển kinh tế số chíp, công nghệ điện tử bán dẫn nếu không có nguồn điện ổn định thì cũng không thể đến đâu. Bản chất của hydrogen phát triển là một phần giải quyết câu chuyện điện thừa của năng lượng tái tạo, sử dụng hydrogen cho lưu trữ, một phần nữa cung ứng cho sản xuất công nghiệp và giao thông vận tải. Đây là 2 nhu cầu mà tỷ trọng sản lượng cao chứ không phải chỉ sử dụng hydrogen để phát điện vì về nguyên tắc về hiệu quả năng lượng nếu sử dụng năng lượng tái tạo sản xuất hydrogen ở khía cạnh sản xuất điện thì rõ ràng hiệu quả về mặt năng lượng là kém.
Như vậy, cần xác định rõ hydrogen trong kịch bản về phát triển năng lượng cho Việt Nam, cụ thể ở đây là trong những ngành nào? Chiến lược phải thể hiện tính cam kết trong dài hạn, còn vấn đề điện trong ngắn hạn cũng cần giải quyết.
Trong chiến lược cũng cần nói rõ hơn vai trò của truyền thông trong câu chuyện chuyển đổi năng lượng, kết nối với cam kết quốc gia. Đồng thời, cần phảm làm rõ rào cản thể chế, chính sách. Cơ chế chính sách cần thể hiện cam kết với nhà đầu tư.
PGS. TS Phạm Hoàng Lương - Đại học Bách khoa Hà Nội: Tôi hoàn toàn nhất trí với các văn bản của Bộ Công Thương. Liên quan đến chiến lược hydrogen, chúng ta cần phải xem chiến lược hydrogen như là một trong những giải pháp thực hiện vấn đề chuyển dịch năng lượng, vấn đề thứ tự ưu tiên là như thế nào thôi.
Chúng ta đã và đang cố gắng sử dụng năng lượng hiệu quả; tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo; tăng khả năng điện khí hóa trong các ngành; đẩy các điện áp thụ động tức là thu hồi khí cac-bon. Trong trường hợp không thể giải quyết tất cả các giải pháp đó, đặc biệt đối với những ngành sử dụng nhiên liệu hóa thạch không thể điện khí hóa được thì sẽ dùng hydro.
PGS. TS Phạm Hoàng Lương |
Trong chiến lược này phải nêu rất rõ vai trò hydrogen không đứng riêng mà nằm trong toàn bộ hệ thống. Tuy nhiên, cần cân nhắc hiện nay thị trường xuất nhập khẩu của hydro xanh ở các khu vực như thế nào? Nếu ở châu Âu hay các nước khác thì xa, nhưng ở Nhật Bản, Hàn Quốc đã có những chiến lược sử dụng hydro và sử dụng hydro trong các vấn đề chuyển đổi năng lượng, nên cân nhắc để chúng ta thành trung tâm. Để đảm bảo tính bền vững cho chiến lược này chắc chắn vấn đề điện tái tạo được đặt lên rất cao, vì chúng ta cũng biết hydro xanh chủ yếu sử dụng điện phân, mà điện phân đó có thể đến với công nghệ khi nó là điện tái tạo. Ngoài ra, vấn đề truyền thông rất quan trọng từ những người lãnh đạo, đến những người triển khai chính sách. Trong quá trình đổi mới công nghệ để tạo đường cho thị trường hydro thì các tiêu chuẩn tiêu chí phải có, cái này Bộ Khoa học Công nghệ phải làm rõ. Có tiêu chí gì để các nhà đầu tư có thể thực hiện. Vấn đề đào tạo phát triển nguồn nhân lực cũng cần tính đến.