Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị, ông Sokhonn cho biết, các Bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN và thương mại, đầu tư và kết nối chuỗi cung ứng nội khối ASEAN nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, kết nối và khả năng phục hồi của khu vực như được nêu trong kế hoạch tổng thể cộng đồng kinh tế ASEAN 2025.
Các Bộ trưởng nhắc lại cam kết đảm bảo thực hiện đầy đủ và hiệu quả Hiệp định RCEP nhằm nâng cao sức hấp dẫn của ASEAN đối với thương mại, đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu. RCEP là một hiệp định thương mại lớn giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN (Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) và 5 đối tác thương mại lớn là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
RCEP bao gồm khoảng 30% dân số thế giới, chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu. Ngoài RCEP, các ngoại trưởng ASEAN cũng thảo luận về các cách thức thúc đẩy kinh tế khu vực trong thời kỳ hậu đại dịch. Để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phục hồi của khu vực sau đại dịch Covid-19, các Bộ trưởng ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN.
Hội nghị đánh giá cao việc vận hành Quỹ ứng phó ASEAN Covid-19 và nhấn mạnh rằng việc triển khai kịp thời khuôn khổ hành lang du lịch ASEAN sẽ tạo thuận lợi cho việc di chuyển xuyên biên giới và nâng cao hoạt động kinh tế giữa các quốc gia thành viên.
Các Bộ trưởng ASEAN đã trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế, đồng thời tái khẳng định cam kết chung đối với chủ nghĩa đa phương rộng mở, dựa trên luật lệ và bao trùm nhằm thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng bền vững trong và ngoài khu vực.
Về mục tiêu này, ASEAN đồng quan điểm về tầm quan trọng của việc củng cố vai trò trung tâm và thống nhất của ASEAN trong việc tham gia với các đối tác bên ngoài của ASEAN thông qua cơ chế do ASEAN dẫn dắt nhằm xây dựng lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau cũng như củng cố cấu trúc khu vực với ASEAN ở vị trí trung tâm.