Trong khi đó, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) dự kiến lượng xuất khẩu 10 tháng của niên vụ 2014/2015 chỉ đạt 983.000 tấn với kim ngạch đạt 2,359 tỷ USD, giảm 30,1% về lượng và giảm 17,1% về kim ngạch so với cùng kỳ vụ trước.
Vicofa cho rằng nguyên nhân giảm do thời tiết thay đổi, mưa đến sớm khi thu hoạch và thời kỳ cà phê phát triển gặp hạn hán, nhiều vùng không đủ nước tưới bị mất trắng và những quả còn lại nhân nhỏ ảnh hưởng tới sản lượng.
Thứ hai là ngày công lao động và giá phân bón lên cao, người trồng cà phê giảm lượng phân chăm bón.
Thứ ba là lượng cà phê già ngày một tăng, năng suất thấp. Sản lượng cả niên vụ 2014/2015 đã thu hoạch xong giảm tới 20%.
Vicofa cho biết qua khảo sát lượng tồn kho trong doanh nghiệp và trong dân không còn nhiều như các nguồn thông tin nước ngoài đã đưa, chỉ còn khoảng 300.000 tấn.
Hiện nay, Việt Nam đang có chương trình tái canh cho các vườn cà phê già cỗi trên 20 năm tuổi, tuy nhiên vì nhiều lý do, quá trình tái canh diễn ra khá chậm khiến diện tích cà phê năng suất xuống thấp càng tăng.
Vụ 2015/2016 các tỉnh Tây Nguyên lại phải đối mặt với hạn hán, nguồn nước bị thiếu nghiêm trọng, một vài nơi có mưa nhưng lượng mưa thấp hơn từ 10 – 30% so với các năm trước. Bên cạnh đó, thời tiết rét bất thường, cây cà phê bị nhiễm “cúm” khi ra hoa, cây rụng lá hàng loạt, rồi sau đó lại bị ảnh hưởng của sương muối.
Thời điểm này tại các tỉnh Tây Nguyên thời tiết bất thường, một số nơi mưa to gây rụng quả non, do đó dự kiến sản lượng cà phê niên vụ tới 2015/2016 còn thấp hơn niên vụ này. Như vậy đây sẽ là vụ thứ 2 liên tiếp cà phê bị mất mùa.