Trưa ngày 24/3, nghi thức “nghinh ông” trong Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc đã diễn ra sôi động tại thị trấn ven biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau).
Đây là lễ hội hàng năm được tổ chức tại Lăng Ông Nam Hải (thị trấn Sông Đốc) từ ngày 14 đến ngày 16/2 Âm lịch. Trong đó, nghi thức ra biển “Nghinh Ông” và “Thỉnh Ông” về chánh điện là phần lễ quan trọng nhất của lễ hội.
Ông Trần Minh Đặng, Trưởng ban trị sự Lăng Ông Nam Hải cho biết: Lễ hội Nghinh Ông còn gọi là lễ cầu ngư với linh vật chính là cá ông (cá voi), được ngư dân suy tôn là Nam Hải Đại tướng quân.
Đối với bà con vùng biển Cà Mau, Lễ hội Nghinh Ông hàng năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là biểu tượng của sự chung sức, chung lòng cầu cho quốc thái, dân an, nhà nhà hạnh phúc, mưa thuận, gió hòa, tàu thuyền ra biển đánh cá gặp nhiều thuận lợi.
Không chỉ vậy, lễ hội còn thể hiện rõ nét tinh thần gắn kết cộng đồng, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, sống hài hòa với thiên nhiên.
Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (tháng 2/2021).
Dưới đây là một số hình ảnh về nghi thức “Nghinh Ông” trong Lễ hội Nghinh Ông của ngư dân vùng biển Cà Mau.
|
Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc hàng năm đều thu hút hàng trăm phương tiện đánh cá của ngư dân vùng biển Cà Mau tham gia. |
|
Kiệu, bàn hương án của Nam Hải đại tướng quân được đưa từ Lăng Ông Nam Hải lên đội thuyền thủy lục (thuyền chính) ra biển. |
|
Nhiều phương tiện đánh cá tháp tùng thuyền thủy lục để cùng “Nghinh Ông” và “Thỉnh Ông”. |
|
Ngư dân và khách du lịch đều hào hứng tham gia lễ hội. |
|
Các lực lượng Biên phòng, Cảnh sát giao thông đường thủy được huy động để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho lễ hội. |
|
Không gian của lễ Nghinh Ông trải dài hơn 4km, từ của sông Ông Đốc hướng ra biển. |
|
Nghi thức “Nghinh Ông” và “Thỉnh Ông” hoàn thành sau khi đội thuyền thủy lục ra đến khu vực nước biển trong và ban chủ lễ “xin keo” được chấp thuận. |
|
Lăng Ông Nam Hải ở thị trấn Sông Đốc là nơi lưu giữ, thờ cúng nhiều bộ xương cốt các cá voi trôi dạt vào bờ vào các năm 1925, 1951, 1953 và 1963. |
|
Lăng Ông Nam Hải cũng là điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng lâu đời của người dân vùng biển Cà Mau. |