Nhà máy Đạm Cà Mau cán mốc 11 triệu tấn UREA Cà Mau: Xuất khẩu tôm tăng vượt chỉ tiêu nhờ các FTA Ông Nguyễn Hồ Hải làm Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau |
Tham luận tại Diễn đàn "Phát triển năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" tổ chức ở Hà Nội mới đây, UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tiềm năng lớn của địa phương trong phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ven biển. Với địa hình bằng phẳng, ba mặt giáp biển và đường bờ biển dài trên 254 km, tốc độ gió trung bình từ 6,3 - 7 m/s, Cà Mau có lợi thế vượt trội để khai thác điện gió ven bờ, ước tính tiềm năng đạt trên 12.000 MW.
Cà Mau định hình trung tâm năng lượng tái tạo phía Nam
Theo UBND tỉnh Cà Mau, ngoài điều kiện tự nhiên thuận lợi, khu vực ven biển Cà Mau chủ yếu là bãi bồi không có dân cư sinh sống, giúp việc vận chuyển thiết bị và xây dựng nhà máy điện gió trở nên dễ dàng hơn. Đặc biệt, hệ thống lưới điện đồng bộ đã hình thành với các công trình như đường dây và trạm biến áp 110kV Sông Đốc, Phú Tân, Năm Căn - Rạch Gốc, trạm biến áp 220kV Cà Mau 2 - Năm Căn. Đây là nền tảng quan trọng để các dự án điện gió đấu nối và giải phóng công suất vào lưới điện quốc gia.
![]() |
Cà Mau là tỉnh đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng đề án xuất khẩu điện từ các dự án điện gió ngoài khơi. - Ảnh minh hoạ |
Theo Quy hoạch điện VIII, tỉnh Cà Mau được phê duyệt công suất khoảng 1.200 MW, trong đó gần 1.000 MW là các dự án chuyển tiếp đang triển khai, chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có. Định hướng phát triển của tỉnh là tiếp tục đẩy mạnh các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và năng lượng mới (hydro xanh, amoniac xanh), đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững. Hiện tại, một số nhà đầu tư đã đến khảo sát và đề xuất xây dựng nhà máy sản xuất hydro xanh tại xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời.
Đặc biệt, Cà Mau là tỉnh đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng đề án xuất khẩu điện từ các dự án điện gió ngoài khơi. Theo kế hoạch, tỉnh đề xuất bổ sung 41 dự án mới vào Quy hoạch điện VIII, bao gồm 29 dự án điện gió (tổng công suất 7.712 MW) và 10 dự án điện khí (tổng công suất 11.934 MW), cùng với các dự án sản xuất điện không nối lưới để phục vụ sản xuất hydro xanh và xuất khẩu điện, với công suất ước đạt 4.950 - 11.450 MW.
Với những bước đi chủ động và tầm nhìn dài hạn, Cà Mau đang dần khẳng định vai trò trung tâm năng lượng tái tạo tại khu vực Tây Nam Bộ. Những chiến lược táo bạo trong phát triển năng lượng sạch không chỉ giúp địa phương tận dụng tối đa lợi thế tự nhiên mà còn mở ra hướng đi bền vững, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy xuất khẩu năng lượng trong tương lai.
Đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo
Trong những năm qua, tỉnh Cà Mau đã đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch bằng hàng loạt chương trình hành động và quyết định quan trọng. Nổi bật là Chương trình hành động số 42-CTr/TU do Tỉnh ủy Cà Mau ban hành ngày 30/6/2020, với mục tiêu khai thác hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, phù hợp với quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2030 tăng thêm 4.000 MW, trong đó năng lượng tái tạo chiếm khoảng 1.000 MW, và đến năm 2045 sẽ tăng thêm 5.000 MW.
![]() |
Trong những năm qua, tỉnh Cà Mau đã đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch bằng hàng loạt chương trình hành động và quyết định quan trọng. - Ảnh minh hoạ |
Tính đến nay, UBND tỉnh đã trình Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch 36 dự án năng lượng, với tổng công suất lên đến 24.564 MW. Trong đó, có 23 dự án điện gió với tổng công suất 11.018 MW, 4 dự án điện khí với 10.700 MW, và 9 dự án điện mặt trời với 2.846 MW. Đặc biệt, lĩnh vực điện gió được ưu tiên phát triển mạnh. Đến tháng 7/2024, Cà Mau có 16 dự án trong quy hoạch được phê duyệt với tổng công suất 1.000 MW, trong đó 14 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng công suất 800 MW.
Hiện tại, 4 dự án điện gió với tổng công suất 145 MW đã vận hành thương mại, cùng với một phần dự án điện gió Viên An công suất 25 MW, nâng tổng công suất vận hành thương mại lên 170 MW. Ba dự án khác với tổng công suất 276 MW và phần còn lại của dự án Viên An đang được thi công. Ngoài ra, một dự án công suất 30 MW đã hoàn tất hồ sơ nghiệm thu, trong khi 5 dự án khác với tổng công suất 299 MW đang thực hiện các thủ tục đầu tư.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, trong thời gian tới, UBND tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án năng lượng trọng điểm. Tỉnh đặt mục tiêu đưa vào vận hành thương mại thêm 30 MW điện gió trước cuối năm 2024, đồng thời hoàn thiện Đề án xuất khẩu điện khi được phê duyệt. Song song đó, tỉnh cũng chú trọng hỗ trợ các dự án sản xuất Hydro và Amoniac xanh, sẵn sàng triển khai khi có chính sách phù hợp.
Theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong cuộc làm việc giữa tháng 11/2024, Cà Mau cần nỗ lực trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm năng lượng tái tạo và xuất khẩu điện quốc gia.
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành sớm tháo gỡ các vướng mắc pháp lý để phê duyệt Đề án xuất khẩu điện, tạo cơ sở thu hút các nhà đầu tư lớn. Đồng thời, Cà Mau cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn phương án đấu nối cho các dự án đã được phê duyệt theo Quy hoạch điện VIII, đảm bảo đồng bộ giữa các hạng mục đầu tư.
Sở Công Thương tỉnh Cà Mau đã chủ động trong công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai và vận hành các nhà máy điện gió, điện mặt trời. Tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, góp phần đưa Cà Mau trở thành trung tâm năng lượng sạch, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu trong tương lai.
Theo báo cáo của tỉnh Cà Mau, năm 2024, sản lượng điện sản xuất ước đạt 6.170 triệu kWh, bằng 100% kế hoạch, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Riêng giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh dự kiến khả năng sản lượng điện sản xuất đạt 26.991 triệu kWh, bằng 62,77% kế hoạch đề ra. |