Buôn Đôn là huyện biên giới, thuộc diện khó khăn của tỉnh Đắk Lắk, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, thường xuyên xảy ra mưa lũ và hạn hán. Do đó, nền nông nghiệp kém phát triển, nông dân chủ yếu làm lúa một vụ và trồng điều, thu nhập bấp bênh.
Trồng bưởi da xanh đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk |
Vài năm trở lại đây, UBND huyện Buôn Đôn đã triển khai đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển kinh tế trang trại, thực hiện thí điểm các mô hình cây trồng phù hợp với chất đất của từng vùng trong huyện và hỗ trợ, tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt đối với vùng biên giới có điều kiện kinh tế khó khăn và đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó hướng đến phát triển cây nông nghiệp có múi. Bước đầu đã có nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Anh Y Ken Lưk - buôn Trí B, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn cho biết: “Trước đây những diện tích đất trống trên địa bàn xã chủ yếu người dân chăn thả trâu bò, một số ít diện tích đất thì trồng lúa nước một vụ. Tận dụng những bãi đất trống tôi đã đầu tư trồng bưởi da xanh và đã đem lại kinh tế cao hơn các loại cây khác”.
Chị Thái Thị Hương – trú tại buôn Ea Mar, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn chia sẻ: Trước đây ở vùng đất này thì nhà chị cũng thử nhiều loại cây rồi, lần đầu tiên thì trồng cà phê nhưng do lũ lụt, tới mùa ra trái non rụng hết, làm nhiều năm không có thu nhập nên gia đình chuyển sang trồng bưởi da xanh thấy cũng phù hợp với đất này. Bưởi mới trồng được 4 năm nhưng phát triển rất đẹp, đều, không bị chênh lệch tốt xấu, giờ ra trái cũng đều…
Qua hơn 4 năm thực hiện dự án, huyện Buôn Đôn đã có hơn 600 héc-ta chuyển đổi sang trồng các cây có múi, bước đầu cho thấy cây trồng sinh trưởng tốt, chất lượng trái đạt, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập ổn định. Đặc biệt, đại đa số các hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã thay đổi “cách nghĩ, cách làm”, tuân thủ quy trình canh tác đối với từng loại cây, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hiện sản phẩm của nhiều mô hình đã đạt tiêu chuẩn VietGAP và dần xây dựng được thương hiệu đối với thị trường trong và ngoài tỉnh.
Bà Trần Thị Thủy - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Buôn Đôn cho biết: Đối với chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong năm 2021 thì hiện nay chúng tôi không mở rộng diện tích nữa, mục đích là đánh giá lại chương trình đó và làm chương trình VietGAP, làm thương hiệu và liên kết với các doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm ổn định đối với người dân.
Trong thời gian tới, huyện Buôn Đôn tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ người dân nâng cao chất lượng, sản lượng của các loại cây trồng đã chuyển đổi. Ðồng thời, đẩy mạnh khâu quảng bá thương hiệu, tìm kiếm các doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản và mở rộng thị trường nhằm giải quyết đầu ra cho sản phẩm, góp phần cải thiện đời sống kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân huyện Buôn Đôn.