Ngày 7/11, chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an, đại biểu Quốc hội Đỗ Huy Khánh - đoàn Đồng Nai nhấn mạnh, trong thời gian qua, cử tri và nhân dân cả nước đánh giá rất cao vai trò của ngành công an trong việc điều tra phòng, chống tội phạm tham nhũng.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn |
“Vậy giải pháp của Bộ trưởng trong việc tiếp tục điều tra các vụ án tham nhũng thời gian tới là như thế nào để đảm bảo các cái tiêu chí: Không bỏ lọt tội phạm, đồng thời là không làm oan người vô tội và khẳng định quan điểm chỉ đạo nhất quán của Trung ương cũng như của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đó là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, một lĩnh vực?” - đại biểu chất vấn.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một công tác rất trọng tâm, được lực lượng công an triển khai trong thời gian vừa qua. Chúng tôi triển khai gương mẫu, đi đầu trong khâu tổ chức thực hiện trên cả 3 phương diện.
Phương diện thứ nhất là công tác phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực được ngành công an đẩy mạnh tích cực. Vấn đề Ban Chỉ đạo Trung ương và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá, coi đây là một điểm sáng trong hoạt động này.
Phương diện thứ hai, chúng tôi cũng tập trung là chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch ngay trong nội bộ của lực lượng công an. Muốn chống tham nhũng, tiêu cực được thì phải sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao ý thức và làm trong sạch nội bộ.
Phương diện thứ ba, chúng tôi tập trung làm cải cách thủ tục hành chính, quản lý, quản trị xã hội bằng pháp luật, nhưng đồng thời phải tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, cho doanh nghiệp, chứ không vì quản lý mà gây khó khăn, nhũng nhiễu, khó dễ cho xã hội, cho nhân dân, cho doanh nghiệp.
3 phương diện đó cùng với cải cách thủ tục hành chính của Đề án 06 đang được Chính phủ tập trung, không những chỉ ngành công an mà các ngành. Nếu làm được cải cách thủ tục hành chính phục vụ nhân dân sẽ giúp giảm hẳn tham nhũng vặt.
Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, từ việc điều tra đến quyết định truy tố, xét xử nghiêm các đối tượng tham nhũng với phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai, vừa qua đã thực hiện được tốt.
Qua đó, góp phần cảnh tỉnh, răn đe phòng ngừa vi phạm, thu hồi được nhiều tài sản cho Nhà nước trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, không để cho đối tượng trốn ra nước ngoài và cũng không dám trốn ra nước ngoài.
"Vừa qua đã xử lý được rất nhiều đối tượng này. Từ những việc đó đã tiếp tục đẩy mạnh phong trào phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trở thành một xu thế không thể đảo ngược được" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị 4 giải pháp.
Thứ nhất, phải tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, không để sơ hở, thiếu sót để các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội. Những vấn đề thấy rõ có sơ hở, thiếu sót chỉ ra trong công tác quản lý phải khẩn trương khắc phục ngay.
Ví dụ, vừa qua, kiến nghị rất nhiều việc từ những lĩnh vực quản lý tài chính, tín dụng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đăng kiểm phương tiện, phòng chống buôn lậu. Qua những vụ án thực tế thì vừa qua sửa đổi, chỉnh lý rất nhiều quy định này.
Thứ hai, chỉ đạo rà soát, bổ sung các quy định để kiểm soát quyền lực, nhất là những người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương. Quy định cụ thể và có chế tài mạnh mẽ để cắt đứt các quan hệ doanh nghiệp sân sau, không để hình thành các đối tượng có thể thao túng được nhiều cơ quan như một số vụ án vừa qua xảy ra, vụ Việt Á, vụ giải cứu... và đặc biệt là khâu xử lý đối tượng.
Bộ trưởng Tô Lâm chia sẻ, hiện nay, chúng tôi xử lý với 2 tội danh chính trong những nhóm tham ô, tham nhũng. Một là, tội tham ô tài sản, tức là ăn cắp tài sản của Nhà nước, của nhân dân về làm tài sản riêng của mình, đấy là bản chất của tội tham ô tài sản.
Hai là, đưa hối lộ và nhận hối lộ. Chúng tôi chưa bắt những đối tượng nào vừa qua liên quan đến việc đó mà không nhận tiền cả. Thành ra ở đâu đó có chuyện bây giờ xử lý quá, cán bộ sợ, không dám làm là không phải. Không phải làm trái, không phải lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà là nhận hối lộ, ăn hối lộ. Việc đó xử lý thì nhân dân rất đồng tình.
Thứ ba, trong một số vụ án vừa qua, số người bị hại rất đông, thành ra việc thu hồi tài sản có ý nghĩa vô cùng quan trọng. "Đấu tranh phòng, chống tham nhũng làm sao phải thu hồi được tài sản của Nhà nước, của nhân dân" - Bộ trưởng nói, đồng thời cho hay, việc này vẫn tiếp tục sẽ phải làm, từ khâu phát hiện đã kê biên, kê khai tài sản, không để đối tượng tẩu tán tài sản.
Thứ tư, chúng tôi đề nghị tiếp tục chuyển đổi mạnh chuyển đổi số, đảm bảo công khai, minh bạch trên các lĩnh vực góp phần hạn chế tham nhũng, đặc biệt là giải pháp về tham nhũng vặt.
"Chính phủ hiện nay đang chỉ đạo khẩn trương đẩy mạnh Đề án 06 là một trong những nhiệm vụ phục vụ nhân dân nhưng cũng là phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là tham nhũng vặt, tham nhũng hàng ngày" - Bộ trưởng nêu.