Bộ trưởng Tô Lâm: Bổ sung “nơi sinh” vào hộ chiếu cần thực hiện trước 1/1/2023 Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Làm một vụ việc nhưng cảnh tỉnh cả một vùng |
Sáng 20/6, sau khi trình bày tờ trình về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Bộ trưởng Công an Tô Lâm dành toàn bộ thời gian phát biểu tại tổ để nói về sự cần thiết và một số nội dung trong dự án luật này.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, mục tiêu của luật nhằm bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng xã hội trật tự kỷ cương, an toàn bởi phường, xã nào cũng làm tốt thì quận, huyện, tỉnh rồi quốc gia cũng tốt.
Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã chỉ ra điểm mới là an ninh an toàn không chỉ là an ninh quốc gia mà là cá nhân từng con người. Từng cá nhân cũng phải đảm bảo an ninh an toàn. Mục tiêu quan trọng nhất là phải bám cơ sở, quan tâm từng gia đình, từng người dân.
Bộ trưởng nhấn mạnh quan điểm xây dựng phường, xã là pháo đài về an ninh trật tự.
Ngoài ra, còn có mục tiêu sẽ xây dựng những phường, xã không có tội phạm, ma túy. Bộ trưởng cho biết, tất cả những tệ nạn như ma túy dân biết hết, nhà nào có ma túy, ăn trộm ăn cắp, con cái đối tượng… dân cũng biết.
"Cái dở là dân biết nhưng chính quyền, công an không biết. Nếu không biết là kém rồi, biết mà không giải quyết còn kém hơn”, Bộ trưởng Công an nói.
Theo lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng công an cơ sở phải giải quyết “trăm thứ việc”, từ cứu nạn cứu hộ, giải quyết mâu thuẫn, quản lý người phạm tội trở về… Ví dụ mỗi xã phải có một cán bộ chuyên trách giải quyết vấn đề phức tạp , nóng về ma túy phải có một cán bộ chuyên về ma túy, thủ tục hành chính cũng phải có người phụ trách…
Mỗi người phải làm rất nhiều việc, vai trò hỗ trợ của lực lượng cơ sở rất quan trọng.
“Bác Hồ dạy dựa vào dân, dân giúp đỡ thì thắng lợi hoàn toàn. Thực tế pháp lý đã có nhiều quy định nhưng chưa có văn bản luật. Bản chất công an xã là công tác dân vận. Tôi vẫn nói với anh em chính quy phải tập hợp lực lượng, đưa ra phong trào. Lực lượng trị an cơ sở là cánh tay nối dài rất quan trọng”, Đại tướng Tô Lâm nói.
Hiện, vi phạm pháp luật trong lứa tuổi thanh thiếu niên rất đáng lo ngại. Nhiều tội phạm trên mạng, ma túy… đều có xu hướng trẻ hóa. Điều này đòi hỏi phải tập hợp lực lượng, phải nắm tình hình “hàng ngày hàng giờ, không phải khi đến vụ án xảy ra rồi mới đến công an giải quyết thì chậm hết”.
“Như các vụ ăn trộm ăn cắp, đánh nhau, giết người chỉ là giải quyết hậu quả, trong khi công tác này phải đi từ trước, từ sớm, từ xa để xây dựng xã hội lành mạnh, an ninh an toàn. Chúng tôi không phải chỉ thích bắt giữ, xét xử, đưa đi tù - đây chỉ là những giải pháp cuối cùng theo quy định pháp luật”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Vụ việc ở Đắk Lắk không thể coi thường được
Sắp tới, Bộ Công an cùng Trung ương sẽ tổng kết chiến về bảo vệ an ninh tổ quốc trong thời bình. Đây là 1 trong 2 nhiệm vụ chiến lược rất quan trọng, phải ổn định để phát triển.
"Bây giờ xảy ra chuyện gì không ổn định thì không thể nói đến chuyện phát triển kinh tế hay bàn về dự án. Nhiều tỉnh đã nói với tôi về chuyện này, như Nghệ An, Hà Tĩnh khi xảy ra Formosa, cả năm giải quyết khiếu kiện, vướng mắc còn thời gian đâu bàn về phát triển kinh tế - xã hội. Ở Đắk Lắk, Tây Nguyên vừa qua một việc như thế, không thể coi thường được”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Bộ trưởng cho biết, trước đây chế độ của công an xã do ngân sách của tỉnh chi nhưng nay trưởng công an xã đưa khỏi chức danh chính quyền nên Bộ Công an phải lo.
Bộ trưởng Công an nêu, nhiều địa phương khẳng định sẽ đảm bảo được, thậm chí đầu tư cho công an chính quy chứ không chỉ lực lượng trị an cơ sở. Vì thế, kinh phí này không phải gánh nặng cho các địa phương.
Với lực lượng đảm bảo an ninh cơ sở, Bộ trưởng Công an cho biết không có trụ sở riêng và hoạt động chủ yếu ở trụ sở chính quyền, công an xã và nhà sinh hoạt cộng đồng. Bên cạnh đó, lực lượng này chủ yếu chỉ được trang bị công cụ hỗ trợ, Bộ Công an phải chịu trách nhiệm trang bị cho lực lượng hoạt động.