Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu giải quyết nhanh các kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức
Tin hoạt động 29/12/2022 17:33
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm về dầu khí Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ Công Thương năm 2022 |
Các đơn vị đã nỗ lực triển khai các hoạt động chuyên môn
Phát biểu tại Hội nghị, bà Bùi Thị Bích Hiền – Phó Chủ tịch Công đoàn Vụ Pháp chế cho biết, năm 2022, Bộ Công Thương được giao chủ trì nghiên cứu xây dựng 05 văn bản gồm: 02 Luật; 01 đề nghị xây dựng Luật và 02 Nghị định. Đến nay, 01 Luật đã được Quốc hội ban hành (Luật Dầu khí); 01 Luật đã được Quốc hội cho ý kiến (Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); 01 đề nghị xây dựng Luật đã trình Chính phủ; 01 Nghị định đã được Chính phủ ban hành, 01 dự thảo Nghị định đang hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lắng nghe và giải đáp các kiến nghị |
Theo Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2022, Bộ Công Thương phải trình và ban hành 42 văn bản gồm: 02 Nghị định; 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 38 Thông tư. Đến nay, Bộ Công Thương đã trình 01 Nghị định, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và ban hành 36 Thông tư.
“Các văn bản được xây dựng cơ bản đảm bảo các yêu cầu, tiến độ đề ra. Đối với một số văn bản phải rút ra khỏi Chương trình vì lý do khách quan đã được Vụ Pháp chế rà soát, trình Bộ trưởng điều chỉnh theo quy định” – bà Hiền nhấn mạnh.
Phó Tổng Biên tập Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh tham luận tại hội nghị |
Đại diện cho khối cơ quan truyền thông, Phó Tổng Biên tập Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh chia sẻ, thời gian qua, để đảm bảo đổi mới toàn diện, Báo Công Thương đã xây dựng Đề án đổi mới toàn diện Báo Điện tử đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Từ đó xác định Bộ Công Thương là bộ quản lý đa ngành, quan trọng của nền kinh tế đất nước nên Báo Công Thương phải vươn lên vị trí top đầu, xứng đáng với vị trí của ngành.
Do đó, Báo Công Thương đã đổi mới toàn diện về nội dung tuyên truyền, trong đó đẩy mạnh nội dung tuyên truyền về kinh tế ngành. Đồng thời, đổi mới cách làm, với cái gốc là đổi mới con người, truyền thông đi trước nhưng phải chính xác.
Báo Công Thương cũng tăng cường đổi mới cách đưa tin, đáp ứng tính thời sự, đảm bảo tính chính xác, nâng cao vị thế lãnh đạo ngành Công Thương. Đặc biệt, phối hợp với các cơ quan truyền thông, chuyên gia kinh tế để có tiếng nói đa chiều, khách quan với những vấn đề được dư luận quan tâm.
Trong năm 2022, Báo Công Thương đã bám sát những vấn đề được quan tâm như quy hoạch điện 8, nguồn cung xăng dầu, quản lý thị trường. Báo cũng tổ chức được 32 talkshow, trong đó có một số chương trình đã góp phần giải quyết những vấn đề nóng của ngành như xăng dầu, quản lý thị trường, hệ thống phân phối… Đồng thời, thành lập các nhóm báo chí để nắm bắt tình hình dư luận, chủ động từ sớm, từ xa vấn đề thông tin tuyên truyền. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về ngành trên các nền tảng mạng xã hội.
Ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường chia sẻ, năm 2022 là năm vất vả nhưng Tổng cục Quản lý thị trường đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Lực lượng quản lý thị trường đã trở thành lực lượng chính xử phạt hành chính, tiếp xúc với mặt trái thị trường hàng ngày. Cùng việc bình ổn xăng dầu, Tổng cục đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra. Đồng thời, quan tâm đời sống cán bộ công nhân viên; tổ chức nhiều phong trào thi đua như hiến máu, trồng cây xanh, văn nghệ, bóng đá toàn lực lượng…
“Sự hỗ trợ các đơn vị trong bộ càng ngày càng tốt hơn. Lực lượng quản lý thị trường đã nhận được sự phối hợp tốt của các đơn vị thuộc Bộ” – ông Trần Hữu Linh nói.
Đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, bà Lê Huyền Nga – Trưởng Phòng Công nghiệp hỗ trợ – Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương nhấn mạnh, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau hơn 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm vừa qua (2011-2020), quá trình công nghiệp hóa đất nước đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mức tăng trưởng đạt bình quân 6,17%/năm, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực với tỷ trọng đóng góp vào GDP của công nghiệp tăng nhanh, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Công nghiệp hỗ trợ có nhiều bước phát triển khởi sắc, góp phần cải thiện năng lực tự chủ của nền sản xuất nội địa.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đầy biến động cùng với xung đột, bất ổn về chính trị, kinh tế -xã hội diễn ra trên thế giới trong thời gian qua, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực trong đó có ngành công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Đảng và Chính phủ, các Bộ ban ngành, địa phương cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, trong năm 2022, ngành công nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Theo đó, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 8,6%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 8,9% so với năm 2021. Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp trong GDP đạt 25,6% năm 2022.
Kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày duy trì sự tăng trưởng tích cực. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ngành dệt may Việt Nam có thể đạt 71 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu điện tử có thể đạt khoảng hơn 108 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2021.
Kiến nghị và giải đáp nhiều vấn đề
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các đơn vị chuyên môn còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, đại diện các đơn vị đã có một số kiến nghị.
Cụ thể, để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, đại diện Công đoàn Vụ Pháp chế đã có những kiến nghị.
Thứ nhất, kiến nghị Bộ trưởng và các Lãnh đạo Bộ trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng các dự án, dự thảo VBQPPL thuộc lĩnh vực phụ trách, đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng. Lãnh đạo Bộ quan tâm, ưu tiên tăng cường nguồn nhân lực, kinh phí cho công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động tham mưu xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công Thương.
Thứ hai, các đơn vị thuộc Bộ và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ cần bám sát chỉ đạo của Bộ trưởng tại Chỉ thị số 03 và Chỉ thị số 08 nêu trên, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, chương trình đề ra, trường hợp có khó khăn, vướng mắc phải báo cáo kịp thời với Lãnh đạo Bộ.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cần quan tâm, chủ động xây dựng và bố trí nhân lực có chất lượng; xây dựng dự toán nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo quy định hiện hành để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Kiến nghị Văn phòng Bộ tiếp tục chỉ đạo việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý các công việc của Bộ bao gồm tiếp nhận, thêm chế xử lý công văn, họp hành, hội nghị. Hệ thống IMOIT cần bổ độ “Xem luồng” đối với các công văn trao đổi nội bộ giữa các đơn vị trong Bộ để tiện cho việc liên hệ, trao đổi giữa các chuyên viên được giao xử lý.
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, Phó Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh đề nghị lãnh đạo Bộ và các cơ quan chức năng cần quan tâm mọi mặt báo chí về cung cấp và xử lý thông tin kịp thời, nhất là thông tin nóng, được dư luận quan tâm. Bên cạnh đó, lãnh đạo các cục vụ cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí. Hỗ trợ xây dựng các cơ quan báo chí của bộ trở thành công cụ truyền thông của ngành bằng cách cung cấp thông tin để các đơn vị của bộ truyền thông trước.
Đối với lực lượng quản lý thị trường, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh đã đề xuất Bộ Công Thương quan tâm đến vấn đề giữ ổn định biên chế cho lực lượng để đảm bảo hiệu quả công tác.
Riêng với lĩnh vực công nghiệp, quá trình công nghiệp hóa trong giai đoạn vừa qua vẫn còn nhiều hạn chế. Đơn cử, nội lực của nền công nghiệp trong nước vẫn còn yếu. Thứ hai, công nghiệp Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài, thể hiện ở các khía cạnh như công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng sản xuất trong nước phụ thuộc phần lớn vào linh phá kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu. Tác nhân chính để tạo ra chuyển dịch cơ cấu và giá trị trong công nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp FDI chứ không phải là các doanh nghiệp trong nước.
“Nguyên nhân của những hạn chế tồn tại chủ yếu là do: Thể chế, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, chưa thống nhất, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp. Việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực cho phát triển công nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa hiệu quả; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp” – bà Nga cho biết.
Trong bối cảnh đó, toàn thể đội ngũ Lãnh đạo, công chức, viên chức của Cục Công nghiệp sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ chính để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ nhằm góp phần thực hiện thắng lợi quá trình công nghiệp hóa đất nước như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, chính sách, với trọng tâm là nghiên cứu, xây dựng một đạo luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp theo định hướng tại Nghị quyết số 29-NQ/TW, làm cơ sở pháp lý để tổ chức triển khai các chính sách đủ mạnh và các hoạt động hỗ trợ nhằm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng – đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam.
Thứ hai, phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương tổ chức phân bổ hợp lý các nguồn lực quốc gia để tập trung phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên như vật liệu, cơ khí, chế tạo, chế biến, công nghiệp hỗ trợ cũng như các ngành Việt Nam có lợi thế sử dụng lao động và xuất khẩu như dệt may, da – giày, điện tử...
Thứ ba, triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016 – 2025.
Thứ tư, phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước trong việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đặc biệt là yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; thúc đẩy khoa học và công nghệ, các hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển cho các ngành công nghiệp.
Thứ năm, tham mưu để các cấp có thẩm quyền triển khai chính sách khai thác hợp lý nguồn tài nguyên, khoáng sản để huy động nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo; bảo đảm việc bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển công nghiệp.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng có những kiến nghị về vấn đề tuyển dụng, lắng nghe giải đáp các kiến nghị của lực lượng tham tán thương mại ở nước ngoài…
Giải đáp các kiến nghị tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ, có 9 vấn đề cần làm ngay và hoàn thành trước Tết Nguyên đán liên quan đến việc sửa chữa một số hạng mục tại các trụ sở làm việc. Các kiến nghị còn lại cần có câu trả lời trước ngày 31/3.
Bầu ban thanh tra nhân dân |
Hội nghị đã tiến hành bầu Ban Thanh tra nhân dân Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2023-2025.
Ra mắt Ban Thanh tra nhân dân Bộ Công Thương |
Đồng chí Vương Xuân Hoan – Phó Chánh văn phòng Báo Công Thương đã vinh dự được bầu vào Ban Thanh tra nhân dân.