Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Xây dựng Dung Quất trở thành Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia
Tin hoạt động 08/08/2024 19:01
Công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi bị thiếu cân đối
Chiều 8/8, phát biểu kết luận tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá tỉnh Quảng Ngãi có nhiều lợi thế riêng có tiềm năng to lớn phát triển kinh tế biển. Nhất là ngành công nghiệp trọng điểm như phát triển công nghiệp nặng với hai ngành chủ lực là lọc hóa dầu và luyện cán thép, tương lai là đóng tàu... “Tôi nhấn mạnh, là triển vọng, tiềm năng phát triển logistics của Quảng Ngãi là rất lớn, vì tỉnh có đủ các loại hình giao thông. Đây là cơ sở rất quan trọng để Quảng Ngãi có thể phát triển loại hình này”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu kết luận buổi làm việc với tỉnh Quảng Ngãi |
Theo Bộ trưởng, Nhà máy lọc dầu Dung Quất tại Quảng Ngãi đã và đang trở thành một trong những trung tâm năng lượng chiến lược của đất nước. Hiện cung ứng hơn 1/3 sản lượng sản phẩm xăng dầu cả nước, nhưng trong tương lai đã mở rộng công suất lên 1,5 triệu tấn, chiếm khoảng 50% nhu cầu cả nước. Đặc biệt, Việt Nam đang chú trọng phát triển những sản phẩm hóa dầu, thì đây là hướng đi rất chiến lược.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng ghi nhận những kết quả phát triển công nghiệp – thương mại, xuất nhập khẩu của tỉnh Quảng Ngãi. Nhưng đồng thời, Bộ trưởng chỉ ra vẫn còn nhiều khó khăn hạn chế. Nổi bật nhất là sự thiếu cân đối của các lĩnh vực công nghiệp. “Tỷ trọng ngành công nghiệp tại Quảng Ngãi chiếm tỷ trọng rất cao (trên 80% trong GRDP ) của tỉnh nhưng cơ cấu các lĩnh vực trong ngành công nghiệp còn thiếu cân đối. Nhưng nếu chúng ta chỉ chú trọng vào một vài ngành, như “trứng chỉ bỏ vào một vài giỏ” thì khi có sự cố chúng ta bị đứng hình. Vừa qua khi nhà máy lọc dầu Dung Quất chỉ tạm dừng hoạt động 50 ngày để bảo dưỡng tổng thể đã làm giảm giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ ra.
Một khó khăn lớn nữa đó là một số dự án lớn trên địa bàn vẫn còn vướng mắc. Ví dụ như 3 dự án sử dụng nhiệt điện khí sử dụng khí của mỏ Cá Voi Xanh. “Từ Quy hoạch điện VII đến giờ là quy hoạch điện VIII nhưng giờ xem ra còn rất mờ mịt. Chỉ bởi một lý do là Chủ đầu tư Exxon Mobil tái cơ cấu hoạt động của tập đoàn, không chú trọng vào khai thác mà lại chú trọng vào ngành năng lượng mới. Nhưng quy định của chúng ta trước đó rất khó giải quyết. Gạt ra không được, để lại thì không làm được. Đây là vấn đề rất nặng”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói và đề nghị tỉnh Quảng Ngãi cùng Bộ kiến nghị với Chính phủ cho phép triển khai dự án nhà máy nhiệt điện khí. Nhưng thay vì sử dụng khí hóa lỏng từ mỏ Cá Voi Xanh chuyển sang sử dụng khí hóa lỏng nhập khẩu. Vì phải phát triển điện khí để đảm bảo năng lượng cho quốc gia. Còn khi nào khai thác được mỏ Cá Voi Xanh thì sẽ chuyển sang sử dụng lại. “Cần thiết chúng ta sẽ kí hợp đồng cung ứng nguồn nhiên liệu có thời hạn với một số đối tác thì không vấn đề gì. Có như vậy, mới có thể thực hiện được mục tiêu của địa phương và cả nước”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói và nhấn mạnh “Chúng ta phải đồng lòng thúc đẩy để các dự án lớn chuyển động thì kinh tế tỉnh Quảng Ngãi mới phát triển tốt được”.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, chuỗi liên kết giữa ngành lọc, hoá dầu với các ngành hạ nguồn, nguyên vật liệu còn hạn chế, công nghiệp phụ trợ trên địa bàn Quảng Ngãi còn chậm phát triển; Lao động công nghiệp chất lượng cao tại chỗ còn hạn chế, đa số vẫn là lao động phổ thông, trình độ và tay nghề thấp; Phát triển kinh tế biển xứng tiềm năng, chưa tạo động lực chính cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Thời gian qua, tỉnh phải tập trung khắc phục những hạn chế, sai phạm tích tụ từ những năm trước ít nhiều cũng ảnh hưởng đến những hoạt động chỉ đạo, lãnh đạo của tỉnh.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc |
Bộ Công Thương sẽ phối hợp tỉnh Quảng Ngãi xây dựng Dung Quất trở thành Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia
Để ngành Công Thương tỉnh Quảng Ngãi phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị tỉnh quan tâm thực hiện 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Trước hết, triển khai làm tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế. Đặc biệt là các chính sách đột phá mới được ban hành trong lĩnh vực năng lượng như cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu,... “Đây là những cơ chế cho phép chúng ta khai thác tốt những tiềm năng của địa phương, biến "cái nắng cái gió" sẵn có thành đầu vào cho các ngành công nghiệp. Đặc biệt là tập trung rà soát tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của những dự án trọng điểm đang triển khai trên địa bàn gồm 3 dự án về năng lượng, 1 dự án về đóng tàu”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên.
Thứ hai, rà soát kỹ đối chiếu Quy hoạch tỉnh với Quy hoạch vùng, Quy hoạch quốc gia. Theo quy định quy hoạch tỉnh phải phù hợp với các quy hoạch cấp cao hơn. “Nếu không phù hợp thì làm gì cũng sẽ tắc lại. Đây là vấn đề tỉnh Quảng Ngãi phải quan tâm. Ngay lập tức sau buổi làm việc hôm nay, tỉnh Quảng Ngãi cần phải rà soát, trước hết là 4 quy hoạch thuộc lĩnh vực Công Thương gồm Quy hoạch điện, Quy hoạch năng lượng, Quy hoạch thăm dò khai thác chế biến khoáng sản, Quy hoạch hạ tầng xăng dầu khí đốt quốc gia”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng diên nói và đề nghị Quảng Ngãi xem lại trong 4 quy hoạch này còn thiếu gì. Ví dụ như phát triển nguồn điện, lưới điện; phát triển hạ tầng xăng dầu khí đốt phục vụ công nghiệp trên địa bàn. Từ đó tích hợp làm cơ sở triển khai dự án trong thời gian tới.
Thứ ba, khẩn trương triển khai thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia. Ví dụ trong lĩnh vực Công Thương có 4 quy hoạch thì Quảng Ngãi đều có đủ. Theo đó, đến năm 2030, trên địa bàn Tỉnh được quy hoạch 20 dự án nguồn điện (04 DA điện khí; 14 DA thủy điện nhỏ; 02 dự án điện mặt trời tự án tự tiêu); 15MW điện rác; 39 MW điện mặt trời mái nhà; 20 dự án lưới điện và 35 điểm mỏ khoáng sản. “Đến nay Tỉnh đã có đầy đủ cơ sở để triển khai, không còn vướng gì cả. Quy hoạch có rồi, kế hoạch có rồi, cơ chế có rồi”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay.
Đoàn công tác Bộ Công Thương làm việc với tỉnh Quảng Ngãi |
Thứ tư, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao đóng góp của sản xuất công nghiệp trong GRDP địa phương.
Theo Bộ trưởng, trong cơ cấu kinh tế, Quảng Ngãi cần chú trọng phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như lọc hóa dầu, luyện thép chất lượng cao. Hiện Việt Nam mới chủ yếu là thép xây dựng, chứ chưa có thép chất lượng cao (phục vụ công nghiệp cơ khí chế tạo). Quảng Ngãi hội đủ những điều kiện này: Có mỏ, quặng, có sẵn nhà máy chỉ cần nâng cấp mở rộng. Phải có cơ chế thúc đẩy và ràng buộc để nhà đầu tư triển khai. Bên cạnh đó là công nghiệp đóng tàu.
Song song, quan tâm thúc đẩy công nghiệp địa phương để vừa giải quyết việc làm cho người lao động, vừa khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của địa phương. Ví dụ như Quảng Ngãi là thủ phủ của rất nhiều khoáng sản quý, trong khi những khoáng sản này Việt Nam đều đã và đang phải nhập. Nếu khai thác được, chúng ta sẽ tự chủ được nguồn cung và sẽ phát triển thêm được các ngành công nghiệp khác như công nghiệp khai thác, công nghiệp vật liệu, công nghiệp phụ trợ, và tỉnh có thêm nguồn thu. “Trứng giờ chúng ta phải chia ra nhiều giỏ, lỡ như quả này ung thì còn có quả khác. Nếu để cả một giỏ cũng mỏng manh. Nhất là trong thế giới nhiều biến động, trứng chia ra nhiều giỏ vẫn tốt hơn”, Bộ trưởng khuyến nghị.
Tập trung rà soát sửa đổi các cơ chế chính sách của địa phương, đảm bảo tính khả thi. Đồng thời áp dụng linh hoạt các mô hình đầu tư như đầu tư công quản trị tư, đầu tư tư quản trị công.
Chủ động thúc đẩy mối liên kết giữa Khu kinh tế Dung Quất với Khu kinh tế mở Chu Lai để hình thành Trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực duyên hải Trung Bộ và cả nước; đồng thời, xây dựng Dung Quất trở thành Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia với 4 nhà máy nhiệt điện và rất nhiều tổ hợp điện nhỏ khác. “Quảng Ngãi cũng có tiềm năng năng lượng tái tạo; cùng nguồn điện nền sẵn có và hệ thống lưới điện tốt là cơ sở để Quảng Ngãi “bung lụa”. Đủ điều kiện phối hợp rồi mà Quảng Ngãi không làm thì phí”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gợi mở và khẳng định, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Quảng Ngãi xây dựng và triển khai Đề án Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất. “Tôi đề nghị Vụ Dầu Khí Than và Cục An toàn kỹ thuật và môi trường công nghiệp phải ủng hộ theo hướng cùng làm, làm đồng thời, trong một số trường hợp phải linh hoạt”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo.
Tiếp tục khai thác hiệu quả những thế mạnh, tiềm năng sẵn có về các lĩnh vực công nghiệp nền tảng để đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực này theo chiều sâu và mở rộng theo chuỗi giá trị. Đồng thời, chú trọng khai thác tiềm năng địa phương để phát triển công nghiệp địa phương để không thể lệch như hiện nay. “Các đồng chí phải thay đổi. Cái chính là thu nhập của người dân, đời sống của người dân. Nếu nói bình quân GRDP/người cao, nhưng thực chất đời sống của người dân không phải thế. Thu nhập có thể cao trong một số năm, một số thời điểm, nhưng có thể không cao như thế nữa nếu có yếu tố mới xuất hiện. Nếu phát triển được công nghiệp địa phương, khai thác được lợi thế của địa phương thì chắc chắn chúng ta sẽ đảm bảo được đời sống cho người dân”.
Thứ năm, đẩy mạnh phát triển thương mại theo hướng đổi mới, sáng tạo và số hoá, công nghệ hoá phương thức kinh doanh.
Chú trọng đầu tư phát triển hệ thống logistics theo hướng đồng bộ, hiện đại, thuận tiện nhằm phát triển Quảng Ngãi thành trung tâm logistics trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối khu vực miền Trung, khu vực Tây Nguyên, các nước Đông Nam Á, cũng như là một cửa ngõ vận tải hàng hóa qua biển Đông. Đây là tiềm năng rất ít có địa phương có được. “Tôi đề nghị Cục Xuất nhập khẩu nên thống nhất với địa phương tổ chức các Hội nghị logistics ở đây để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đến Quảng Ngãi”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo.
Quan tâm phát triển hạ tầng thương mại (gồm cả thương mại truyền thống và thương mại điện tử); chú trọng đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới để thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá. Tận dung các FTA và tranh thủ sự hỗ trợ của các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.