Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp kiến, làm việc với Phó Thủ tướng Kazakhstan
Trang thông tin Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Công Thương 16/05/2024 14:04
Ngày 16/5/2024, tại thủ đô Astana, nhân dịp Khoá họp lần thứ 11 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Kazakhstan về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học và kỹ thuật Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã gặp và làm việc với Phó Thủ tướng Cộng hòa Kazakhstan Serik Zhumangarin. Cùng tham gia tại buổi làm việc có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Kazakhstan Phạm Thái Như Mai và đại diện của Văn phòng Chính phủ, cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã thông tin tới Phó Thủ tướng Serik Zhumangarin tình hình chung trong hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và CH Kazakhstan. Về thương mại, kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (VN – EAEU FTA) có hiệu lực từ tháng 10 năm 2016, thương mại song phương đã có bước phát triển tích cực với tăng trưởng kim ngạch thương mại trung bình lên tới 28%/năm trong giai đoạn 2017-2021. Kazakhstan là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam trong Liên minh kinh tế Á - Âu. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Kazakhstan tại ASEAN sau Singapore.
Bên lề Khoá họp lần thứ 11 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Kazakhstan về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học và kỹ thuật, ngày 15/5/2024 (theo giờ địa phương) Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi tiếp kiến Phó Thủ tướng Cộng hòa Kazakhstan Serik Zhumangarin. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Kazakhstan |
Mặc dù vậy, hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Kazakhstan vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Cụ thể, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim xuất nhập khẩu của cả Việt Nam và Kazakhstan. Trong khi đó, Việt Nam và Kazakhstan là hai nền kinh tế có tính bổ trợ cho nhau và dư địa hợp tác còn rất lớn.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diễn đề xuất nhiều giải pháp cụ thể để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước để thực hiện mục tiêu Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đặt ra, nhằm phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước:
Một là, ngay sau Khoá họp UBLCP, hai Bên sẽ đẩy mạnh tăng cường chia sẻ thông tin và tham vấn chính sách ở tất cả các cấp độ, từ cấp kỹ thuật, cấp lãnh đạo Bộ, tới cấp lãnh đạo Chính phủ, nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa hai nước một cách chặt chẽ và hiệu quả.
Hai là, thúc đẩy để các Bộ ngành, địa phương hai nước triển khai thực hiện hiệu quả các thoả thuận cấp cao giữa hai nước trong chuyến thăm của Tổng thống Kazakhstan tới Việt Nam tháng 8/2023 vừa qua, trong đó có Kế hoạch hành động chung nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Kazakhstan giai đoạn 2023 – 2025, đồng thời triển khai hiệu quả Biên bản khoá họp UBLCP lần thứ 11 giữa hai nước.
Ba là, hai Bên hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước tận dụng hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu, hỗ trợ để doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu cơ hội thương mại và đầu tư tận dụng những thuận lợi, ưu đãi mà Hiệp định mang lại.
Bốn là, ngoài các lĩnh vực hợp tác truyền thống, hai Bên cùng nghiên cứu, đề xuất hợp tác trong các lĩnh vực mà một bên có lợi thế và bên kia có nhu cầu, xem xét khả năng hợp tác để cùng phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, nhất là vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, khai thác, chế biến, chế tạo, hóa chất, năng lượng, hoá dầu;... Mở rộng hợp tác trong lĩnh vực logistics, cùng nhau xây dựng các biện pháp để khai thác và đảm bảo các tuyến vận tải đường sắt, đường biển, hàng không giữa Việt Nam và Kazakhstan được thông suốt, cũng như đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế, chăm sóc sức khoẻ, văn hóa, du lịch…
Năm là, hình thành các thiết chế mới như Hội đồng Kinh doanh Kazakhstan tại Việt Nam cũng như Đại diện thương mại Việt Nam tại Kazakhstan để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tối đa các khuôn khổ hợp tác hiện có.
Tại buổi tiếp kiến Phó Thủ tướng Kazakhstan, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã thông tin về tình hình chung trong hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư giữa hai nước. Cùng đó, đề xuất nhiều giải pháp cụ thể để thúc đẩy quan hệ hợp tác. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Kazakhstan |
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, ngay sau Khoá họp lần thứ 11 UBLCP, phía Việt Nam sẽ tổ chức cuộc làm việc với các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp có tiềm năng lợi thế trong các lĩnh vực mà Kazakhstan mong muốn thu hút đầu tư để sớm tổ chức đoàn doanh nghiệp Việt Nam tới khảo sát thực tế tình hình và môi trường đầu tư của Kazakhstan.
Về phần mình, Phó Thủ tướng Chính phủ CH Kazakhstan khẳng định luôn coi Việt Nam là nước bạn bè hữu nghị, là đối tác quan trọng tại khu vực châu Á, mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trên tất cả lĩnh vực. Phó Thủ tướng đánh giá cao việc lần đầu tiên hai Bên tổ chức Khoá họp của Uỷ ban liên chính phủ dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo cấp cao hai nước, để đề ra phương hướng hợp tác cụ thể và thiết thực trong thời gian tới, khai thác hiệu quả tiềm năng của mỗi Bên.
Phó Thủ tướng đánh giá cao việc hai nước đang hợp tác rất tốt trong lĩnh vực hàng không, cũng như các dự án hợp tác đầu tư của Việt Nam tại Kazakhstan và ngược lại. Phó thủ tướng cảm ơn và đề nghị phía Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp Kazakhstan tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng Cộng hòa Kazakhstan Serik Zhumangarin (ở giữa) khẳng định luôn coi Việt Nam là nước bạn bè hữu nghị, là đối tác quan trọng tại khu vực, mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trên tất cả lĩnh vực. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Kazakhstan |
Về phần mình, Phó Thủ tướng Chính phủ CH Kazakhstan khẳng định luôn coi Việt Nam là nước bạn bè hữu nghị, là đối tác quan trọng tại khu vực châu Á, mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trên tất cả lĩnh vực. Phó Thủ tướng đánh giá cao việc lần đầu tiên hai Bên tổ chức Khoá họp của Uỷ ban liên chính phủ dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo cấp cao hai nước, để đề ra phương hướng hợp tác cụ thể và thiết thực trong thời gian tới, khai thác hiệu quả tiềm năng của mỗi Bên.
Phó Thủ tướng đánh giá cao việc hai nước đang hợp tác rất tốt trong lĩnh vực hàng không, cũng như các dự án hợp tác đầu tư của Việt Nam tại Kazakhstan và ngược lại. Phó thủ tướng cảm ơn và đề nghị phía Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp Kazakhstan tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng Serik Zhumangarin khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu cơ hội tham gia vào tuyến vận tải quốc tế xuyên biển Caspi, là con đường vận chuyển hàng hoá đầy triển vọng và hiệu quả giữa châu Á và châu Âu, đồng thời nghiên cứu khả năng hợp tác với Kazakhstan trong việc khai thác các mỏ lithium trữ lượng lớn tại Kazakhstan để sản xuất pin cho ô tô điện. Việc này sẽ góp phần phát triển lĩnh vực công nghệ cao tại Kazakhstan và cho phép các nhà sản xuất ô tô điện Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh.
Ngài Phó Thủ tướng nhất trí cho rằng những vấn đề nêu tại Khóa họp lần thứ 11 UBLCP sẽ là động lực phát triển mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai Bên.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Phó Thủ tướng Chính phủ Kazakhstan Serik Zhumangarin. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Kazakhstan |
Cơ chế Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học – kỹ thuật giữa Việt Nam và Kazakhstan được tổ chức luân phiên tại Việt Nam và Bulgaria. Cho đến nay đã trải qua 10 khóa họp. Đây là cơ chế quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại song phương, là kênh thảo luận thiết thực nhằm nêu ra và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, mục tiêu và lĩnh vực hợp tác mới tại nhiều vấn đề mà hai Bên cùng quan tâm. Khóa họp gần nhất là Khóa họp lần thứ 10 được tổ chức vào tháng 9/2022 tại Việt Nam. Khóa họp ngoài các nội dung thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ Công Thương còn có sự tham gia và đóng góp nội dung của các Bộ: Ngoại giao; Kế hoạch và Đầu tư; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giao thông vận tải; Thông tin Truyền thông, Y tế, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo. Khóa họp lần thứ 11, tổ chức trong bối cảnh hai bên đang triển khai Kế hoạch hành động chung nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Kazakhstan giai đoạn 2023 – 2025, được kỳ vọng sẽ mở ra những không gian hợp tác mới cho hai nước, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại hai bên. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2023, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Kazakhstan trong năm 2023 đạt 401,8 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Kazakhstan đạt 391,0 triệu USD. Nhập khẩu của Việt Nam từ Kazakhstan đạt 10,8 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Kazakhstan bao gồm: Điện thoại các loại và linh kiện (thị phần khoảng 65% trong năm 2023); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đi kèm, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; hàng rau quả, hạt điều, giày dép, sản phẩm dệt may. Việt Nam nhập khẩu từ Kazakhstan các sản phẩm: Sắt thép các loại; kim loại thường khác; lúa mì; bông các loại… |
“Kế hoạch hành động chung nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Kazakhstan giai đoạn 2023 – 2025” bao gồm 16 hoạt động hợp tác do các Bộ ngành, địa phương của hai Bên thống nhất về đầu nhiệm vụ, thời gian thực hiện và cơ quan đầu mối phụ trách. Trong đó, Bộ Công Thương là cơ quan chịu trách nhiệm chính đối với việc rà soát quá trình thực thi Kế hoạch hành động chung, cũng như là cơ quan đầu mối triển các nhiệm vụ cụ thể bao gồm: chủ trì tổ chức Khóa họp 11 UBLCP giữa hai nước; xây dựng cơ chế trao đổi thông tin ngoại thương; hỗ trợ tổ chức các phái đoàn kinh tế - thương mại giữa hai Bên; mở rộng hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến thương mại giữa Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và các đối tác của Kazakhstan; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện dự án mở rộng quy mô sản xuất thực phẩm tại Kazakhstan. Trong bối cảnh quan hệ kinh tế - thương giữa Việt Nam và Kazakhstan còn khiêm tốn so với tiềm năng, thế mạnh của hai nước, việc triển khai Kế hoạch hành động chung sẽ giúp hai Bên cụ thể hóa về lộ trình và các đầu mối chịu trách nhiệm đối với các nội dung ưu tiên hợp tác, đồng thời UBLCP cũng sẽ là cơ chế rà soát, đánh giá việc triển khai các nội dung này. Kế hoạch hành động chung sẽ có vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại song phương, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp hai nước mở rộng các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư vào thị trường của nhau. Ngoài ra, Kế hoạch hành động chung cũng sẽ là tiền đề để hai Bên tiếp tục nghiên cứu, triển khai nhiều hoạt động hợp tác mới, đặc biệt là trong các lĩnh vực tiềm năng như đầu tư, giao thông vận tải, du lịch, hợp tác địa phương... |