Năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Kazakhstan, đặt dấu mốc tốt đẹp để khởi đầu cho quan hệ hai nước. Đến tháng 6/1992, hai nước Việt Nam - Kazakhstan thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong hơn 30 năm qua, mối quan hệ hai nước đã đạt được những kết quả tích cực.
Về công tác ngoại giao, thời gian qua, hai bên đã thường xuyên có sự trao đổi đoàn, trong đó có nhiều đoàn cấp cao trên các kênh Đảng, Nhà nước và Quốc hội, qua đó tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Hai nước phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Hội nghị cấp cao về Phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA), Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA)…
Kazakhstan đã ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) và Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026. Việt Nam đã ủng hộ Kazakhstan vào Nhóm Viễn Đông thuộc IAEA.
Kể từ tháng 10/2016 đến nay khi FTA giữa EAEU và Việt Nam có hiệu lực, kim ngạch hợp tác thương mại giữa hai nước đã có sự tăng trưởng tích cực, trung bình khoảng 28%/năm trong giai đoạn 2017 - 2021 |
Về hợp tác kinh tế những năm qua, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Kazakhstan trên đà phát triển tốt đẹp. Đáng chú ý, kể từ tháng 10/2016 đến nay khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) và Việt Nam có hiệu lực, kim ngạch hợp tác thương mại giữa hai nước đã có sự tăng trưởng tích cực, trung bình khoảng 28%/năm trong giai đoạn 2017 - 2021.
Thông tin số liệu từ Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2021 kim ngạch song phương giữa hai nước đạt 615,5 triệu USD (cao nhất từ trước tới nay), tăng 72,4% so với năm 2020, trong đó Việt Nam xuất khẩu 549,7 triệu USD, tăng 72,8%. Việt Nam nhập khẩu 65,8 triệu USD, tăng 69,5%).
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua giao thương giữa hai Bên bị sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và biến động địa chính trị trong khu vực nhưng Kazakhstan vẫn duy trì là nước có kim ngạch xuất nhập khẩu với Việt Nam lớn thứ hai trong các nước thành viên của EAEU. Cụ thể, theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2023 kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và Kazakhstan đạt 399,6 triệu USD, giảm 31,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Kazakhstan đạt 388,8 triệu USD, giảm 25,8%. Nhập khẩu của Việt Nam từ Kazakhstan đạt 10,8 triệu USD, giảm 82,0%.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Kazakhstan bao gồm điện thoại các loại và linh kiện (thị phần khoảng 65% trong năm 2023); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đi kèm (12%), máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (7%); hàng rau quả (2%), hạt điều, giày dép, sản phẩm dệt may (mỗi mặt hàng chiếm 1%).
Việt Nam nhập khẩu từ Kazakhstan các sản phẩm: Sắt thép các loại; kim loại thường khác; lúa mì; bông các loại… Trong năm 2023, Việt Nam không có nhu cầu nhập khẩu mặt hàng sắt thép các loại từ Kazakhstan, mặc dù đó là mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất từ Kazakhstan trong các năm trước.
Về đầu tư, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 4 năm 2024, Kazkhstan có 6 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 0,56 triệu USD. Kazakhstan xếp thứ 108/145 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Hiện Việt Nam chưa có dự án đầu tư nào tại thị trường Kazakhstan.
Trước đó, từng chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Kazakhstan tại Việt Nam Kanat Tumysh cho biết, Hiệp định EAEU - Việt Nam là một động lực bổ trợ cho sự phát triển quan hệ thương mại song phương hai nước. Hiện, Kazakhstan đứng thứ hai về kim ngạch thương mại với Việt Nam trong số các nước thành viên EAEU.
Theo Đại sứ, tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu của Kazakhstan sang Việt Nam là 500 triệu USD trong các lĩnh vực như: Thực phẩm, xây dựng, hóa chất, luyện kim và hóa dầu. Năm 2024, hai nước có thể nâng kim ngạch thương mại từ 1,5 lên 2 tỷ USD.
Quan hệ song phương giữa hai nước Việt Nam - Kazakhstan đã có được những động lực đáng kể, được đánh dấu bằng các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước. Ngày 27/2/2024, bên lề Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 13 tại UAE, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tiếp và làm việc song phương với Bộ trưởng Thương mại và Hội nhập Kazakhstan |
Trong khi đó, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho rằng, quan hệ song phương giữa hai nước Việt Nam - Kazakhstan đã có được những động lực đáng kể, được đánh dấu bằng các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước. Điển hình như chuyến thăm chính thức đến Việt Nam của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Kazakhstan vào tháng 8/2022; chuyến thăm chính thức của Tổng thống Kazakhstan K.K.Tokayev vào tháng 8/2023 đã tạo thêm động lực để củng cố hợp tác song phương.
Về phía Bộ Công Thương Việt Nam, để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học - kỹ thuật, những năm trở lại các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương đã đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, khuyến khích các doanh nghiệp hai nước tăng cường trao đổi, giao lưu; xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể để hàng hóa hai nước có thể thâm nhập sâu vào thị trường của nhau... Cùng đó, kết nối tổ chức các cuộc gặp gỡ song phương cấp cao, tạo nhiều điều kiện thuận lợi và mở ra không gian hợp tác mới cho hai nước.
Điển hình, cuối tháng 2/2024, bên lề Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 13 tại UAE, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc song phương với Bộ trưởng Thương mại và Hội nhập Kazakhstan Arman Shakkaliyev. Trong buổi gặp gỡ, hai Bộ trưởng đã trao đổi về việc triển khai Kế hoạch hành động chung về thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Kazakhstan giai đoạn 2023-2025. Kế hoạch đã được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Thương mại và Hội nhập Cộng hòa Kazakhstan ký kết hồi tháng 8/2023. Cùng đó, hai Bộ trưởng thống nhất tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng các Bộ, ngành, tổ chức có liên quan của hai Bên để triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động và nhất trí sớm tổ chức Khóa họp lần thứ 11 Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam - Kazakhstan về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật tại Kazakhstan trong năm 2024.
Để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước cũng như triển khai Kế hoạch hành động chung và tổ chức Khóa họp lần thứ 11 Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam - Kazakhstan, từ ngày 12-17/5/2024, Đoàn công tác của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn có chuyến công tác tại Kazakhstan và Bulgaria.
Tham gia Đoàn công tác có lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương: Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Phòng vệ thương mại, Cục Hóa chất, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Công Thương, Báo Công Thương, Văn phòng Bộ Công Thương;... cùng đại diện một số Bộ, ban, ngành và đơn vị liên quan.
Được biết, trong chuyến công tác tại Kazakhstan, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác của Bộ Công Thương sẽ có các buổi làm việc, gặp gỡ song phương với các đối tác. Trong đó, Tọa đàm Hợp tác kinh tế Việt Nam - Kazakhstan và Phiên toàn thể Khóa họp 11 Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Kazakhstan... sẽ là một trong những hoạt động nổi bật trong suốt chuyến thăm và làm việc của Đoàn công tác.
Kỳ vọng, thông qua chuyến thăm và làm việc của Đoàn, mối quan hệ của hai nước Việt Nam - Kazakhstan sẽ được tăng cường, mở ra những triển vọng mới trong quan hệ song phương cũng như hợp tác trên các diễn đàn khu vực và quốc tế trong bối cảnh thế giới nhiều diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay.