Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Quản lý thị trường tiếp tục đổi mới, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2023
Tin hoạt động 05/01/2023 20:38
Điểm mới trong Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 liên quan hoạt động Quản lý thị trường Tổng cục Quản lý thị trường tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 |
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của lực lượng Quản lý thị trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên biểu dương những thành tích mà lực lượng Quản lý thị trường đã đạt được.
Đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số
Khái quát lại tình hoạt động công nghiệp thương mại năm 2022 của ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2022 vừa đi qua với những khó khăn, thách thức chưa từng thấy, song với sự vào cuộc kịp thời, có hiệu quả của cả hệ thống chính trị; sự nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, nền kinh tế nước ta đã phục hồi mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu quan trọng và tích cực.
Trong đó, các chỉ tiêu ngành Công Thương đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nổi bật trong đó là kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục mới (trên 732 tỷ USD), duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với mức thặng dư gần 11,2 tỷ USD, cao gấp hơn 3,3 lần năm trước; thương mại trong nước phục hồi tích cực, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng gần 20%, vượt 2,5 lần mục tiêu kế hoạch đề ra, cơ bản đáp ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng; thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng mạnh, trở thành phương thức phân phối quan trọng, đưa Việt Nam vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới... “Trong thành tích chung của ngành Công Thương, có sự đóng góp quan trọng, tích cực của lực lượng Quản lý thị trường” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận, biểu dương những kết quả mà lực lượng Quản lý thị trường đạt được trong năm 2022 |
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết năm qua, toàn lực lượng đã bám sát và chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 quốc gia và của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ; nỗ lực, sáng tạo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Theo Bộ trưởng, thứ nhất, năm 2022, công tác xây dựng thể chế đã được Tổng cục Quản lý thị trường chú trọng, hoàn thành tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trình Chính phủ ban hành 01 Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường và 03 Đề án trọng điểm về: (1) Chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025; (2) Nâng cao năng lực của cơ quan Quản lý thị trường trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; (3) Ứng dụng công nghệ số và kỹ thuật tiên tiến nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm công nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên phát triển.
Ngoài ra, chủ động tham mưu với Lãnh đạo Bộ ban hành 07 công điện, chỉ thị và nhiều văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển, cảng hàng không quốc tế và địa bàn nội địa, góp phần lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa trong nước.
Thứ hai, năm qua, lực lượng Quản lý thị trường đã tổ chức đấu tranh, triệt phá được nhiều đường dây, ổ nhóm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả lớn, phức tạp. Phối hợp khá tốt với các lực lượng chức năng (Công an, Biên phòng, Hải quan) để xử lý các vụ việc có dấu hiệu phạm tội (xảy ra tại: Bắc Giang, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương…).
Đặc biệt, trong năm 2022, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã có mặt ở mọi lúc, mọi nơi để tổ chức giám sát đối với hơn 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong bối cảnh nguồn cung và giá xăng dầu có nhiều biến động.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Thứ ba, Tổng cục Quản lý thị trường là một trong những đơn vị đi đầu của Bộ Công Thương trong ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác (chính thức đưa vào sử dụng Phần mềm xử phạt vi phạm hành chính; Phần mềm sát hạch nghiệp vụ; Ấn chỉ điện tử; Số hóa danh mục hồ sơ, tài liệu, lưu trữ điện tử cho toàn lực lượng…)
Thứ tư, năm 2022, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo, tổ chức nhiều hoạt động ở các quy mô nhằm chấn chỉnh hoạt động của lực lượng, xốc lại kỷ cương, nề nếp (như tổ chức ký cam kết thực hiện “2 ĐI ĐẦU, 3 CAM KẾT” đối với Thủ trưởng các đơn vị; thi sát hạch đánh giá chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức cấp phòng, đội Quản lý thị trường…); Tập trung giải quyết các tồn tại, bức xúc trong từng đơn vị, bước đầu có kết quả khá tốt (đã xử lý kỷ luật đối với công chức thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc, TP. Hồ Chí Minh, Phú Yên, Tuyên Quang, An Giang có vi phạm trong thi hành công vụ).
Thứ năm, công tác đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm, sửa chữa… được triển khai, thực hiện khá kịp thời, đúng quy định đáp ứng yêu cầu công tác của toàn lực lượng.
Thứ sáu, công tác thông tin truyền thông được chú trọng thực hiện tốt hơn, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân, doanh nghiệp về hoạt động và sứ mệnh của Ngành.
Cùng với những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, năm 2022 lực lượng Quản lý thị trường vẫn còn nhiều hạn chế, cần tập trung khắc phục. Bộ trưởng chỉ rõ, công tác quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức công vụ cho công chức, người lao động chưa đạt yêu cầu đề ra, sức ì còn rất lớn. Tổ chức bộ máy chậm được củng cố, kiện toàn.
Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Tổng cục Quản lý thị trường |
Đồng thời, công tác đấu tranh, phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả chưa cao; chưa phản ánh đúng thực tế tình trạng vi phạm pháp luật diễn ra trên thị trường. Công tác kiểm tra, giám sát, thực thi pháp luật trong hoạt động nghiệp vụ của ngành nhìn chung còn hạn chế.
Bộ trưởng cũng chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế, có cả chủ quan và khách quan. Nguyên nhân chủ quan đến từ việc quán triệt các chủ trương, nguyên tắc, quy định của Nhà nước và của ngành ở một số đơn vị chưa nghiêm túc, sâu sắc. Công tác chỉ đạo, điều hành một số mặt còn lúng túng, chưa quyết liệt; Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ và phối hợp với các ngành, các cấp, các đơn vị còn thiếu đồng bộ, vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trong thực thi công vụ.
Không những vậy, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành của một số đơn vị, bộ phận, cá nhân chưa tốt; Tính nêu gương của tập thể lãnh đạo, người đứng đầu một số nơi chưa rõ. Ngoài ra, năng lực, trình độ và tinh thần trách nhiệm của một bộ phận công chức Quản lý thị trường (kể cả đội ngũ lãnh đạo, quản lý) ở một số đơn vị còn hạn chế, chậm được cải thiện, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm
Năm 2023, tình hình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành Công Thương nói riêng được dự báo tiếp tục có những thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen. Thị trường trong nước (nhất là môi trường mạng) đang phát triển mạnh, việc giao thương sẽ sôi động, phức tạp hơn; tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại cũng gia tăng và ngày càng tinh vi hơn.
Trong bối cảnh này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, thấy vai trò của Tổng cục và các Cục Quản lý thị trường địa phương (nhất là cán bộ phụ trách địa bàn) rất quan trọng, vì vậy phải khẩn trương kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy ở các đơn vị và Cục Quản lý thị trường các địa phương; phân rõ, gắn trách nhiệm cụ thể để triển khai thực thi có hiệu quả hơn các nhiệm vụ và sứ mệnh được giao.
Trong năm 2023, người đứng đầu ngành Công Thương đề nghị, toàn lực lượng Quản lý thị trường phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, góp phần cùng toàn ngành thực hiện thắng lợi và toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023. Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ trưởng giao cho lực lượng Quản lý thị trường 7 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, cấp ủy, chính quyền địa phương và của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ có liên quan đến hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường, nhất là các quy định, chỉ thị về tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực trong cơ quan hành chính nhà nước; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống…
Từ việc quán triệt các văn bản chỉ đạo của cấp trên, Tổng cục Quản lý thị trường cần phải chủ động đề xuất các giải pháp và tập trung xây dựng, ban hành, phân công cụ thể trách nhiệm, tổ chức thực thi nghiêm túc, hiệu quả các quy chế, quy định ở các đơn vị trực thuộc.
Thứ hai, tập trung nắm bắt thực tiễn tình hình, rà soát các quy định hiện hành để tiếp tục tham mưu cho cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, bảo đảm cho công tác Quản lý thị trường được thực thi có hiệu lực, hiệu quả. Trước mắt, tập trung tổng kết đánh giá kết quả hoạt động sau 5 năm thực hiện mô hình Quản lý thị trường theo ngành dọc… để tham mưu cho Bộ và Chính phủ có những chủ trương, chính sách phù hợp.
Thứ ba, tiếp tục chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy; sớm tham mưu với Lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường theo quy định của Nghị định 96 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương.
Thứ tư, chủ động làm việc với Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án thành lập 19 Cục Quản lý thị trường liên tỉnh trực thuộc Tổng cục (theo Tờ trình số 9924 ngày 24/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương) để tổ chức thực hiện; Tích cực triển khai Đề án luân chuyển cán bộ; giới thiệu, trình Bộ bổ nhiệm người đứng đầu Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh không phải là người ở địa phương.
Thứ năm, xốc lại kỷ luật, kỷ cương chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành trong toàn lực lượng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra (thường xuyên, đột xuất) hoạt động của đội ngũ công chức, nhất là đội ngũ trực tiếp xử lý nghiệp vụ và tiếp xúc thường xuyên với người dân, doanh nghiệp; xử lý nghiêm các sai phạm để răn đe, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong mỗi đơn vị. Tiến tới xây dựng văn hóa người Quản lý thị trường kỷ cương liêm chính, chí công vô tư.
Song song với đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm và đạo đức công vụ để xây dựng đội ngũ công chức Quản lý thị trường thật sự có bản lĩnh, năng lực chuyên môn, liêm chính, trong sạch; Tăng cường trao đổi nghiệp vụ và phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong, ngoài Tổng cục trong triển khai thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong hoạt động của toàn lực lượng; tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Thứ sáu, tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền địa phương và chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các lực lượng trên địa bàn (Công an, Hải quan, Biên phòng) để nâng cao hiệu quả trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ... Tăng cường kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là trong thời gian lễ, tết… nhất là đối với mặt hàng xăng dầu trong thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, lực lượng Quản lý thị trường cả nước làm mạnh hơn, trách nhiệm hơn so với thời điểm tháng 10,11/2022. Nếu để xảy ra đứt gãy nguồn cung, khan hàng, Quản lý thị trường là một trong những lực lượng chịu trách nhiệm đầu tiên.
Thứ bảy, tăng cường công tác thông tin, truyền thông về hoạt động của Ngành (nhất là việc cung cấp thông tin cho báo chí), qua đó tăng cường cơ chế giám sát, tiếp nhận phản biện xã hội đối với hoạt động của ngành… để tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình. Củng cố và phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, thanh tra nhân dân tại các đơn vị, nếu chúng ta làm được những điều này, toàn lực lượng, toàn ngành sẽ đạt được những thành công hơn năm cũ.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh tiếp thu những ý kiến chỉ đạo từ lãnh đạo Bộ |
Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo từ lãnh đạo Bộ Công Thương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cam kết, sẽ nghiêm túc triển khai những nhiệm vụ mà lãnh đạo Bộ Công Thương giao; toàn lực lượng sẽ cụ thể hóa bằng những kế hoạch hành động cụ thể. Năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường sẽ cố gắng xóa dần những khiếm khuyết, tiếp tục là lực lượng chủ công trong công tác phòng chống hàng giả, buôn lậu và gian lận thương mại.
Nhân dịp này, lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Công an, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác.
Lãnh đạo Bộ Công an trao Bằng khen cho Tổng cục Quản lý thị trường đã có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2022 |
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho các tập thể, cá nhân của Tổng cục Quản lý thị trường đã có thành tích xuất sắc nhiệm vụ công tác năm 2020-2021 và Cờ thi đua cho các đơn vị thuộc Tổng cục vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác, dẫn đầu trong phong trào thi đua của Bộ Công Thương năm 2021 |
Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh trao Bằng khen cho 2 tập thể, 3 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc bắt giữ, xử lý vụ việc có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ và giả mạo nhãn hiệu tại tỉnh Thanh Hóa |