Tham dự buổi làm việc, tại điểm cầu Bộ Công Thương có đại diện các đơn vị: Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Văn phòng Bộ, Văn phòng Ban chỉ đạo nhà nước các dự án trọng điểm ngành năng lượng, Cục Điều tiết điện lực, Vụ Dầu khí Than, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Vụ Pháp chế, Cục An toàn Môi trường và kỹ thuật công nghiệp, Cục Công Thương địa phương, Vụ Kế hoạch tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Dầu khí Việt Nam (PVN).
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc trực tuyến với 15 tỉnh, thành phố và 2 tập đoàn về dự án điện khí. Ảnh: Cấn Dũng |
Cùng tham dự cuộc họp trực tuyến sáng nay còn có đại diện các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Ngãi, Long An, Bạc Liêu, Bình Thuận, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Ninh Thuận, Đồng Nai, Cần Thơ.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, theo Quy hoạch điện VIII, tổng quy mô công suất các dự án nhà máy điện khí được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đến năm 2030 là 30.424 MW (23 dự án). Trong đó, tổng công suất nhà máy điện khí sử dụng khí khai thác trong nước là 7.900 MW (10 dự án), tổng công suất nhà máy điện khí sử dụng LNG là 22.524 MW (13 dự án).
Đến thời điểm tháng 4/2023, 1 nhà máy đã đưa vào vận hành: Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Ô Môn I (660 MW) đã đưa vào vận hành năm 2015, hiện tại sử dụng nhiên liệu dầu và dự kiến sẽ chuyển sang sử dụng nhiên liệu khí sau khi có khí từ mỏ khí Lô B.
Một dự án đang xây dựng là dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4, công suất 1.624 MW, tiến độ đạt 85%. Dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 sử dụng LNG từ Kho cảng LNG Thị Vải. Hiện tại, dự án Kho cảng LNG Thị Vải đã hoàn thành thi công và đưa vào sử dụng, sẵn sàng cấp LNG cho Dự án nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4.
18 dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư xây dựng (tổng công suất 23.640 MW), trong đó các nhà máy điện khí thuộc chuỗi dự án khí điện Lô B gồm: Ô Môn 4 đang thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư; Ô Môn 3 đang trình phê duyệt phương án vốn vay ODA của Nhật Bản; Ô Môn 2 đang đàm phán các hợp đồng thương mại PPA, GSA.
Điểm cầu Bộ Công Thương. Ảnh: Cấn Dũng |
Các nhà máy điện khí thuộc chuỗi dự án khí điện Cá Voi Xanh gồm: Miền Trung 1 và 2 và Dung Quất 1,3 chưa phê duyệt FS do phụ thuộc tiến độ dự án mỏ khí Cá Voi Xanh.
Các dự án điện LNG đã lựa chọn nhà đầu tư và đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư, đàm phán hợp đồng, thoả thuận (PPA, GSA..): Hiệp Phước; Bạc Liêu; Long An 1, 2; Hải Lăng-Quảng Trị; Quảng Trạch 2, Quảng Ninh; Thái Bình, BOT Sơn Mỹ 1, BOT Sơn Mỹ 2.
3 dự án đang lựa chọn nhà đầu tư, tổng công suất 4.500 MW: Cà Ná; Nghi Sơn; Quỳnh Lập.
Trên cơ sở các báo cáo của các chủ đầu tư và địa phương có dự án, còn một số khó khăn, vướng mắc của các dự án như, trong việc đàm phán ký kết hợp đồng PPA dự án (liên quan đến cam kết bao tiêu sản lượng điện/khối lượng khí; chuyển ngang giá khí sang giá điện; Luật điều chỉnh và toà án xử lý tranh chấp…).
Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: Cấn Dũng |
Đánh giá về tiến độ triển khai các dự án, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, trên cơ sở thực tiễn chuẩn bị đầu tư các dự án nhiệt điện nói chung và điện khí nói riêng, tiến độ xây dựng của các tổ máy tuabin khí chu trình kết hợp, từ khi được giao chủ đầu tư đến khi đưa vào vận hành thương mại cần ít nhất 7,5 năm.
Các dự án điện khí có thể đưa vào vận hành thương mại trước năm 2030, gồm các dự án điện trong Trung tâm điện lực Ô Môn; Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4; Hiệp Phước. Tổng công suất các dự án đưa vào vận hành trước năm 2030 là 6.634 MW. Các dự án còn lại chỉ có thể đưa vào vận hành đến năm 2030 nếu hoàn thành đàm phán Hợp đồng PPA và thu xếp vốn vay trước năm 2027. Các dự án điện khí thuộc chuỗi khí điện (Lô B, Cá Voi Xanh) còn phụ thuộc vào tiến độ của dự án thượng nguồn để đảm bảo hiệu quả chung của cả chuỗi dự án.