Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Hệ thống thương vụ cần chủ động đi đầu trong xúc tiến thương mại
Trang thông tin Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Công Thương 29/07/2022 21:14
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Thương vụ cần làm tốt đề xuất chính sách để tận dụng cơ hội trong hội nhập kinh tế quốc tế |
Đây là sự kiện thuộc chuỗi chương trình “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước” được thực hiện định kỳ hàng tháng từ tháng 7/2022 đến tháng 12/2023.
Mục tiêu của chuỗi Hội nghị nhằm chủ động cập nhật kịp thời các yêu cầu xúc tiến xuất khẩu, nhập khẩu của các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp; đồng thời tạo diễn đàn phổ biến thông tin, chính sách, cơ hội thị trường nước ngoài từ hệ thống các cơ quan Thương vụ Việt Nam trên toàn cầu, phục vụ tham mưu, tư vấn chính sách và công tác điều hành hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp giải quyết những bất cập, khó khăn về thị trường, tận dụng hiệu quả các cơ hội thị trường xuất nhập khẩu.
Hệ thống Thương vụ đã có những đóng góp tích cực
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, các thương vụ đã chủ động nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp tình hình thị trường và các cơ chế chính sách mới về kinh tế, thương mại, đầu tư của nước sở tại để kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tận dụng tốt các thời cơ, thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để mở rộng, phát triển, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng, đẩy mạnh xuất khẩu.
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại các thị trường ngoài nước do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì |
Cũng theo Bộ trưởng, bối cảnh mới của kinh tế thế giới đòi hòi sự kết nối, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp và người sản xuất để các bên có thể cập nhật, chia sẻ nhanh nhất, chính xác nhất về thông tin thị trường, các quy định, chính sách mới của các nước, giúp các ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng tốt nhất các cơ hội để phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
Báo cáo tại Hội nghị của ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, trong 7 tháng đầu năm các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng trong Bộ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp trong nước và tại địa bàn phụ trách.
Ông Vũ Bá Phú báo cáo tại Hội nghị |
Đặc biệt, hệ thống Thương vụ đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Cục Phòng vệ Thương mại và các đơn vị liên quan chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp) mà nước sở tại áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam; tổ chức tốt công tác nắm bắt tình hình, cập nhật kịp thời cho lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Chính phủ diễn biến tình hình và đánh giá tác động đối với Việt Nam, từ đó đề xuất các biện pháp, chính sách phản ứng phù hợp, đồng thời thông tin lên các phương tiện truyền thông để khuyến cáo, định hướng, hướng dẫn cho doanh nghiệp.
Cùng đó phổ biến thông tin và hướng dẫn tiếp cận thị trường, chuỗi 30 phiên tư vấn thị trường xuất khẩu cung cấp thông tin cho địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam về các cam kết quốc tế về các sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu, quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu với các sản phẩm (lúa gạo, chè, thanh long, hạt điều, thủy sản,…) của các nước, thị trường trên thế giới (Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Thụy Sĩ, châu Phi, châu Âu,…); trên 20 hội nghị giao thương trực tuyến và 3 Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu của 63 tỉnh thành phố trên cả nước 3 miền Bắc – Trung Nam thời gian qua.
Ông Phú cũng đề xuất, để sự phối hợp giữa Thương vụ và các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các địa phương được hiệu quả, cần tiến hành giao ban xúc tiến thương mại hàng tháng với Hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài và sẽ được tổ chức vào ngày làm việc cuối cùng hàng tháng.
“Các địa phương thống nhất cử đầu mối là lãnh đạo Sở Công Thương tham dự giao ban với hệ thống thương vụ Việt Nam để nêu yêu cầu, trao đổi định hướng hỗ trợ xúc tiến thương mại đối với các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài”- ông Vũ Bá Phú nói.
Nhiều tin vui cho sản phẩm sản phẩm hàng hoá Việt Nam
Một nội dung quan trọng tại hội nghị là các tham tán thương mại đã cập nhật tình hình thị trường sở tại, chính sách mới, và dự báo tình hình, kiến nghị nhằm đưa sản phẩm hàng hoá Việt Nam đi xa và hiện diện vững chắc tại các thị trường, tổ chức các sự kiện, gian hàng Việt Nam ngay tại các địa phương của các nước.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự có mặt của 500 đại biểu trong nước và tại các nước |
Theo đại diện thương vụ tại Trung Quốc, thị trường này đang có dấu hiệu phục hồi. Xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam như cá, động vật giáp xác, trái cây tăng. Phía Trung Quốc đã không kiểm tra với doanh nghiệp khi có hàng bị dính Covid-19 mà chỉ tập trung kiểm tra đầu nguồn. Quy định này có thể tạo đà cho thuỷ sản và trái cây Việt Nam sang Trung Quốc. Tuy nhiên phía bạn vẫn xiết nhập khẩu thực phẩm.
Khuyến cáo của thương vụ với hàng thực phẩm đông lạnh tươi sống là cần thực hiện theo quy định, trường hợp có Covid-19 cần phối hợp với các cơ quan phía bạn trong điều tra. Các loại trái cây mới được cấp phép cần tiếp tục tìm hiểu quy định về đóng gói, kiểm định.
Thương vụ tại San Francisco (Hoa Kỳ) cho biết, năm 2022 và 2023 sẽ tổ chức một loạt các sự kết nối, diễn đàn giữa bang Oregon, bang Colorado, khu vực bờ Tây của Hoa Kỳ với các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam.
Thương vụ tại Đan Mạch cho biết hiện có sự chuyển dịch đầu tư của Đan Mạch vào Việt Nam nhất là năng lượng. Tuy nhiên thông tin từ thị trường Thuỵ Điển cho thấy bạn đang tăng cường kiểm tra hàng hoá ngay từ cửa khẩu.
Thương vụ tại Úc báo tin vui là các mặt hàng của Việt Nam như sắt thép, dệt may, cà phê, gạo, rau quả hiện đang có mức tăng trưởng rất tốt tại thị trường này.
Đáng chú ý nhiều mặt hàng Việt Nam vốn chưa từng biết đến ở Úc thì nay bỗng trở nên “hot” như sầu riêng và đặc biệt là mít đông lạnh đã xuất hiện tại nhiều siêu thị lớn của Úc.
“Nông sản Việt Nam sẽ đi xa nếu các cơ quan, địa phương và doanh nghiệp kiên trì có sự đồng hành”- đại diện thương vụ tại Úc nhìn nhận.
Trong khi đó Thương vụ tại Ai Cập cho biết, mặc dù phía bạn hiện vẫn duy trì chính sách tăng xuất khẩu giảm nhập khẩu song cũng đã dần có các chính sách đơn giản hoá, minh bạch hoá các quy định xuất khẩu sang đây.
Ai Cập đã áp dụng thông quan điện tử từ 10/2021, theo đó hàng hoá phải được đăng ký trước 48 giờ trước khi xuất khẩu và hiện đã mở rộng áp dụng qua cả đường hàng không.
Để khai thác thị trường này, theo đề xuất của Thương vụ, cần xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp xuất khẩu uy tín để khi cần là có ngay, liên kết được ngay. Địa phương cần chủ động thông tin, cơ chế phối hợp để cập nhật thông tin cũng như phối hợp quảng bá với phía bạn. Việt Nam cũng cần cải tiến nhanh cấp visa cho doanh nghiệp bạn.
Tại hội nghị, ý kiến lãnh đạo nhiều địa phương, hiệp hội ngành hàng đã hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công Thương và các Thương vụ trong tổ chức các hội nghị kết nối, cung cấp thông tin và để xuất các giải pháp nhằm đưa công tác xuất nhập khẩu của Việt Nam hiệu quả hơn, đồng thời khẳng định, nhu cầu kết nối, cập nhật thông tin của doanh nghiệp và các địa phương là rất lớn. Do vậy đẩy mạnh công tác cập nhật thông tin, kết nối chính quyền, địa phương và các doanh nghiệp trong nước với các đối tác là rất cần thiết. Các địa phương, doanh nghiệp bày tỏ tin tưởng Bộ Công Thương và hệ thống Thương vụ hoàn toàn có thể làm tốt công tác này.
Bộ trưởng “đặt hàng” hệ thống Thương vụ Việt Nam
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo các Thương vụ cần nhanh chóng có các phản hồi bằng văn bản với các đề xuất tại Hội nghị. Bộ trưởng cũng hoan nghênh các đề xuất của các Thương vụ tại Hội nghị và hy vọng sẽ giúp ích cho các địa phương.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thị trường nước ngoài và xúc tiến xuất khẩu, đồng hành, hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, Bộ trưởng đề nghị các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài chủ động nắm bắt, phân tích, đánh giá chính sách nước sở tại, kịp thời tham mưu cho Bộ về các vấn đề mang tính chất chiến lược và đề xuất những phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời để bảo đảm quyền lợi của đất nước, của doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kết luận hội nghị |
Cùng đó, tiếp tục đi sâu, nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường, từ đó tham mưu cho Bộ về chiến lược phát triển thị trường, kết nối giao thương cố, phát triển sản xuất và đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu.
Đặc biệt, tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp trong nước, đặc biệt là những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng.
“Chú trọng tìm kiếm, phát hiện, kết nối để đa dạng nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ các ngành sản xuất trong nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể tự chủ trong sản xuất và xuất khẩu, chủ động tham gia và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Với các đơn vị thuộc Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên và các Vụ Thị trường ngoài nước tiếp tục tăng cường công tác nghiên cứu chính sách, kịp thời đề xuất, khuyến nghị các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về rào cản kỹ thuật, phi thuế quan cho hàng khóa xuất khẩu.
Làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị có liên quan kịp thời hướng dẫn, định hướng thị trường, mặt hàng xuất, nhập khẩu, nhất là ở các thị trường trọng điểm, tạo điều kiện cho địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại để khai thác triệt để cơ hội thị trường, đặc biệt thị trường đã có FTA.
Cục Xúc tiến thương mại thực hiện chức năng làm đầu mối, phối hợp với các vụ thị trường ngoài nước, các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên cập nhật, kịp thời cung cấp thông tin và dự báo xu hướng thị trường; đồng thời, tổ chức có hiệu quả công tác tư vấn cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp. Tăng cường kết nối, xúc tiến thương mại phù hợp với từng đối tượng, từng thị trường và từng sản phẩm để khai thác có hiệu quả các cơ hội thị trường trong từng thời điểm, từng giai đoạn.
Chủ trì tổ chức tốt các Hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa các cơ quan chức năng của Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan.
Với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị chủ động hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh xúc tiến thương mại phù hợp với nhu cầu và năng lực tham gia của doanh nghiệp nhằm khai thác, tận dụng hiệu quả các cơ hội thị trường để củng cố, phát triển sản xuất và đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu. Thường xuyên cập nhật tình hình của doanh nghiệp để chủ động cung cấp thông tin, trao đổi kịp thời với các đơn vị thuộc Bộ và các Bộ ngành liên quan, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để cùng phối hợp thực hiện có hiệu quả.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ các quy định, chính sách của Nhà nước, hướng dẫn của các Bộ, ngành trong tổ chức sản xuất kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu, bảo đảm truy xuất nguồn gốc và các quy trình, quy định, yêu cầu, điều kiện của các thị trường ngoài nước và cam kết của các FTA mà nước ta đã ký kết nhằm giữ vững chữ tín với bạn hàng ở cả thị trường truyền thống và thị trường mới.
Bộ trưởng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Công Thương và các cơ quan xúc tiến thương mại địa phương nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó đề xuất giải pháp phù hợp, khả thi; đồng thời làm đầu mối phối hợp với các cơ quan của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thông qua giải pháp xúc tiến thương mại.
Các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với hệ thống Thương vụ và các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương trong việc chỉ đạo, định hướng phát triển sản xuất theo tín hiệu của thị trường; ưu tiên nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, góp phần thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đẩy mạnh đàm phán, gỡ bỏ rào cản, nút thắt thương mại, thúc đẩy mở cửa thị trường và xử lý kịp thời các biện pháp phòng vệ thương mại.
“Sau Hội nghị này, với trách nhiệm là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổng hợp đầy đủ nhu cầu hỗ trợ và các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp để tập trung giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.