Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gợi ý con đường để Phú Thọ “đón lõng” những dự án lớn
Tin hoạt động 03/09/2022 18:23
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Sẽ tước giấy phép vĩnh viễn cơ sở kinh doanh xăng dầu “găm hàng” |
Ngày 3/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã có buổi làm việc tại tỉnh Phú Thọ. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng tham dự buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong 14 địa phương trong vùng thì Phú Thọ là tỉnh hội tụ nhiều điều kiện để phát triển kinh tế nói chung, đặc biệt là công nghiệp và thương mại. Nắm bắt được lợi thế này nên trong một số nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt là một trong hai nhiệm kỳ gần đây, Phú Thọ đã chú trọng đầu tư phát triển nhiều mặt. Qua theo dõi có thể thấy, giai đoạn 2011 – 2015, Phú Thọ có tốc độ tăng trưởng bình quân công nghiệp 5,9%/năm, xếp thứ 52 cả nước và xếp thứ 10 trong vùng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi làm việc |
Đến giai đoạn 2016-2020, đã có tốc độ tăng là 8,4%/năm, xếp thứ 34 trong cả nước và thứ 6 trong vùng. Đặc biệt là năm 2021, tốc độ tăng trưởng công nghiệp của Phú Thọ đã tăng lên 9,3%, đứng thứ 20 của cả nước và thứ 4 trong vùng. Như vậy, qua hai nhiệm kỳ gần đây, tốc độ tăng lên về công nghiệp đứng thứ hạng của Phú Thọ thể hiện rất rõ.
Về mặt thương mại, dịch vụ, tỉnh cũng có bước tăng trưởng khá. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 8,3 tỷ USD, nâng lên gấp 2 lần so với giá trị bình quân của các năm trước đây, đứng thứ 10 cả nước và đứng thứ 3 trong vùng. Đặc biệt, 8 tháng đầu năm có tốc độ tăng trưởng về xuất nhập khẩu rất mạnh, tăng 75% so với cùng kỳ. Như vậy, Phú Thọ đã đứng thứ 9 cả nước và thứ 3 trong vùng về kim ngạch xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, dù đạt được nhiều kết quả tích cực, với tốc độ tăng trưởng khá trong hai nhiệm kỳ qua, song thực tế, công nghiệp, thương mại của Phú Thọ quy mô vẫn còn nhỏ, tính phụ thuộc vào FTA còn cao, liên kết giữa khu vực FDI với doanh nghiệp trong nước chưa mạnh, phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu.
Bên cạnh đó, thương mại, dịch vụ phát triển nhưng chưa tiệm cận được với thị trường. Thị trường hàng hoá thì quy mô kinh doanh còn nhỏ để phát triển. Kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng phân phối hiện đại còn hạn chế.
Tất cả những khó khăn trên nguyên nhân chính là từ quy hoạch chưa đồng bộ. Bởi thế, Phú Thọ đã và đang đẩy nhanh tốc độ quy hoạch theo hướng đổi mới. Ngoài ra, một trong những khó khăn nữa của Phú Thọ là thiếu nguồn lực để đầu tư. Chất lượng hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông còn hạn chế trong việc kết nối vùng cũng như nội tỉnh.
Theo đó, để khai thác tiềm năng và lợi thế của địa phương, Bộ Công Thương đã có một số kiến nghị. Thứ nhất, cần đẩy nhanh tiến độ quy hoạch tỉnh. Trong quy hoạch tỉnh, chú ý quán triệt tinh thần Nghị quyết 11 của Bộ Chính Trị và Quyết định 768 của Thủ tướng Chính phủ về rộng mở không gian vùng Thủ đô.
Đặc biệt, chú ý đến quán triệt quy hoạch ngành của quốc gia để có thể "đón lõng" những dự án trọng điểm, dự án lớn. Ví dụ như trong công nghiệp thì có quy hoạch về khoáng sản, quy hoạch năng lượng, quy hoạch điện… Tất cả quy hoạch ngành cần được quán triệt trong quy hoạch của tỉnh là cơ sở để triển khai các dự án tiếp theo.
Thứ hai, Phú Thọ là địa phương có tiềm năng để phát triển công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp như là công nghiệp dược liệu, công nghiệp hỗ trợ, luyện kim, cơ khí, chế biến chế tạo, hoá chất, dược phẩm. Vì vậy, đề nghị tỉnh cần có quy hoạch và có cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển các ngành này. Đặc biệt là công nghiệp dược liệu, vì đây là địa phương có rất nhiều thuận lợi, có thể sẽ trở thành trung tâm sản xuất dược liệu cho cả nước.
Thứ ba, đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, nhất là hạ tầng công nghiệp, thương mại, dịch vụ và tạo mặt bằng "sạch" để sẵn sàng thu hút đầu tư trong làn sóng chuyển dịch tới đây.
Bộ cũng đề nghị các đơn vị của tỉnh quan tâm, hỗ trợ đến các doanh nghiệp chuyển đổi số, tiếp cận để khai thác các thị trường từ các hiệp định thương mại tự do một cách khả thi. Đồng thời, quan tâm phát triển hạ tầng thương mại; Phát triển nguồn nhân lực sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các chủ đầu tư trên địa bàn.
Đặc biệt, chú trọng quy hoạch và đầu tư xây dựng trung tâm logistics tại đây để phát huy lợi thế là tỉnh cửa ngõ để khai thác cả đường bộ, đường sắt, đường thuỷ trong khu vực nhằm kết nối vận chuyển hàng hoá của vùng Tây Bắc và các cửa khẩu, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế của tỉnh.