Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu
Tin hoạt động 28/08/2022 14:59
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc tại Nhà máy điện gió Hòa Bình 1 |
Lĩnh vực Công Thương tăng trưởng cao
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - cho biết: Kinh tế - xã hội của tỉnh 8 tháng đầu năm 2022 tiếp tục ổn định, phát triển. Trong đó lĩnh vực Công Thương tiếp tục duy trì phát triển, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Đoàn công tác làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu |
Cụ thể, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước 8 tháng đầu năm 2022 tăng 17,43% so với cùng kỳ năm trước và hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều có mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Về xuất khẩu, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2022 ước đạt 550,64 triệu USD, tăng 9,78% so với cùng kỳ. Hoạt động thương mại và dịch vụ nội địa trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 8 tháng đầu năm ước đạt 42.152,66 tỷ đồng, tăng 16,76% so với cùng kỳ cùng kỳ năm trước.
Riêng lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo tiếp tục phát triển, từng bước xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của Quốc gia. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 08 Nhà máy điện gió đã hoàn thành đưa vào hoạt động cả trên biển lẫn trong đất liền với tổng công suất là 469,2 MW (đứng thứ 3 trong cả nước) tổng sản lượng điện gió đạt trên 2 tỷ kWh, giúp giảm phát thải khoảng 1.691.600 tấn CO2, mang lại những hiệu quả kinh tế - xã hội - Quốc phòng - An ninh rất rõ ràng; tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh hàng năm khoảng 450 tỷ đồng,...; hiện nay đang triển khai thực hiện các dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu giai đoạn 3 (142 MW), Nhà máy điện gió Nhật Bản Bạc Liêu - giai đoạn 1 (Đông Hải 2), đặc biệt tỉnh đã thu hút Dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu với quy mô công suất 3.200 MW, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD.
Bên cạnh đó, tỉnh đã tổng hợp trình Bộ Công Thương đưa vào Quy hoạch điện VIII các dự án nguồn điện với tổng công suất là 9.340,6MW (bao gồm điện gió: 7.810,6MW, điện mặt trời: 1.500MW, điện sinh khối: 30MW) và lưới điện truyền tải 500kV, 220kV để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện trong giai đoạn tiếp theo khi được phê duyệt. Đây là tiền đề quan trọng để Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia. Đó cũng chính là mục tiêu hướng đến của tỉnh trong thời gian tới như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Nhiều kiến nghị đề xuất để tiếp tục phát triển kinh tế- xã hội
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Phạm Văn Thiều cũng nêu một số khó khăn, hạn chế như: Tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, diễn biến phức tạp, cùng với đó là giá nguyên nhiên, vật liệu tuy có giảm nhưng vẫn còn cao đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của doanh nghiệp và đời sống người dân, cũng như tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm ngành Công Thương.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều báo cáo những kết quả của hoạt động Công Thương tại Bạc Liêu trong 8 tháng đầu năm với Đoàn công tác |
Ngoài ra, việc triển khai thực hiện các định hướng lớn trong phát triển của tỉnh vẫn còn khó khăn, vướng mắc, nhất là việc hiện thực hóa 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn chậm (trong đó có trụ cột về phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng sạch). Bên cạnh đó, lưới truyền tải điện cao thế tỉnh Bạc Liêu còn rất thiếu và yếu toàn tỉnh mới chỉ có 4 tuyến đường dây 220 KV, điện mặt trời mái nhà thời gian qua tuy có bước phát triển mạnh nhưng cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế trong thỏa thuận đấu nối, giải tỏa công suất…
Trước thực trạng trên, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, và từng bước xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của Quốc gia, ngoài sự quyết tâm, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, ông Phạm Văn Thiều kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương: Xem xét, tạo điều kiện cho tỉnh sớm được đưa vào quy hoạch giai đoạn đến 2025 tổng cộng 2.000 MW điện gió (gồm 500 MW điện gió trên bờ và 1.500 MW điện gió ngoài khơi), để phát huy đúng mức tiềm năng gió của tỉnh theo quy hoạch của Bộ Công Thương: Xem xét, hỗ trợ có ý kiến với Tổng Công ty Lương thực Miền Nam và Tập đoàn Lộc Trời tạo điều kiện cho Công ty Lương thực Bạc Liêu và Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Lộc, để doanh nhiệp này trực tiếp xuất khẩu gạo, nhằm đem lại kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh, góp phần thực hiện hoàn thành chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh năm 2022 là 920 triệu USD và cả nhiệm kỳ 2021-2025 là 1.512 triệu USD.
Xem xét, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trước mắt cho đầu tư đường dây và trạm biến áp 500kV của dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Bạc Liêu 3.200 MW; Hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ đàm phán Hợp đồng mua bán điện (PPA) dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Bạc Liêu 3.200 MW; Xem xét tháo gỡ điều kiện giải toả công suất cho các Nhà máy điện gió khu vực Bạc Liêu theo Văn bản 4589/BCT-ĐL ngày 24/6/2020 của Bộ Công Thương nhằm phát huy hiệu quả phát điện từ các nguồn năng lượng tái tạo trong điều kiện lưới điện truyền tải khu vực hiện tại đang đáp ứng.
Các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương trao đổi về những khó khăn và đề xuất giải pháp cho Bạc Liêu phát triển kinh tế-xã hội. Trong ảnh, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phát biểu. |
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực |
Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại phát biểu |
Bà Đỗ Vũ Anh Thư - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch phát biểu |
Bộ Công Thương gỡ khó
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Bạc Liêu trong thời gian qua. Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Bạc Liêu là tỉnh có tiềm năng lợi thế rất lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, có đất đai phù hợp với cây lúa, cây ăn trái, đặc biệt là sản phẩm thủy sản. Bạc Liêu cũng có bờ biển dài hàng trăm ngàn héc ta - đây là điều kiện đánh bắt nuôi trồng thủy hải sản rất tốt và là điều kiện để tỉnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Bộ Công Thương sẽ nỗ lực cùng địa phương để kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền giải quyết. |
Ngoài ra, tỉnh còn có lợi thế khi các tuyến quốc lộ gồm: Quốc lộ 1A; tuyến cao tốc Bạc Liêu - Hà Tiên, nối cửa khẩu Xà Xía (Campuchia) đã được quy hoạch mở rộng thì giao thương trong tương lai với các nước trong khu vực rất tốt. Tỉnh cũng các tuyến kênh liên kết dọc ngang, rất thuận lợi cho vận tải thủy nội địa. Bên cạnh đó, Bạc Liêu có điều kiện phát triển logistics vì kinh tế thị trường càng phát triển thì logistics vô cùng quan trọng.
Về thương mại, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận xét, Bạc Liêu có hệ thống chùa, đền của ba dân tộc Kinh - Hoa - Khmer; có những cảnh quan thiên nhiên độc đáo như: vườn chim, vườn nhãn; những di tích lịch sử - văn hoá như: Đồng Nọc Nạng, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quần thể nhà Công tử Bạc Liêu, Khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và đờn ca tài tử Nam bộ, đồng muối Bạc Liêu. Đây là thế mạnh để phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ mà không phải địa phương nào cũng có. Ngoài ra, Bạc Liêu có thế mạnh về xuất khẩu gạo, thủy sản và hiện tỉnh có hơn 10 mặt hàng chủ lực có khả năng cạnh tranh trên thị trường, gồm: gạo, thủy sản, muối, hàng thủ công mỹ nghệ…
Với tiềm năng này, trong những năm qua chính quyền Bạc Liêu đã chỉ đạo, được sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nổi bật trong năm 2021, mặc dù cả nước khó khăn song trong lĩnh vực công nghiệp tỉnh tăng tới 9,4% (cả nước tăng 4,8%), đứng thứ nhất trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và 8 tháng đầu năm nay tăng 17,43% , tiếp tục là địa phương có tốc độ tăng trưởng cao trong lĩnh vực công nghiệp của cả nước. Trong lĩnh vực Thương mại năm 2021 tỉnh có tốc độ tăng trưởng 8,28% (trong khi cả nước giảm 3,8%) và 8 tháng đầu năm nay tăng 16,76% - tiếp tục là địa phương có tốc độ tăng trưởng cao. Hay với xuất khẩu, từ mức tăng trưởng âm trong năm 2021 thì 8 tháng đầu năm nay tỉnh đã tăng trưởng dương ở mức 9,75%...
Riêng với năng lượng, công suất cực đại tỉnh Bạc Liêu năm 2021 là 183 MW, tuy nhiên công suất các nhà máy đang vận hành trên địa bàn tỉnh chủ yếu là năng lượng tái tạo nên tỉnh vẫn cần nhận điện từ hệ thống qua lưới điện truyền tải (tại những thời điểm điện gió, điện mặt trời không khả phát).
Từ những kết quả trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng tỉnh phải nhìn nhận lại quy mô của nền kinh tế vẫn còn nhỏ, chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế, chưa có động lực để tạo đột phá mạnh cho địa phương…
Để tỉnh Bạc Liêu phát huy thế mạnh, tiềm năng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị: Thứ nhất, tỉnh cần tiếp tục rút bài học của các địa phương, kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 và các loại dịch bệnh khác nhằm tạo điều kiện phục hồi phát triển kinh tế một cách ổn định.
Thứ hai, khẩn trương hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, vừa để đồng bộ với tiến độ lập quy hoạch các ngành các cấp, vừa làm cơ sở để triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, có tính động lực phát triển kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp thương mại của Tỉnh. Chủ động phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Công Thương để thống nhất về quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển công nghiệp, thương mại, hạ tầng năng lượng, hạ tầng điện, hạ tầng xăng dầu, khí đốt với các quy hoạch ngành quốc gia mà Bộ Công Thương tổ chức lập.
Thứ ba, đối với việc chú trọng phát triển 5 trụ cột của tỉnh, Bộ Công Thương rất đồng tình. Tuy vậy tỉnh cần phải tìm ra đột phá của 5 trụ cột, không nên dải đều mà cần phải tập trung thu đầu tư vào một số lĩnh vực chủ yếu. Ví dụ trong lĩnh vực công nghiệp thương mại, phải tập trung thu phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm nông thủy sản, sản phẩm trái cây; phải sản xuất theo xu hướng của thị trường và đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể của từng thị trường…Ngoài ra phải chú trọng các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, ổn định, bền vững, hỗ trợ cho các ngành lĩnh vực khác như ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp hóa chất, hóa chất cơ bản, phân bón và hóa dầu, khí đốt, dược phẩm, hóa mỹ phẩm, công nghiệp hỗ trợ.
Thứ tư, tiếp tục củng cố phát triển thị trường nội địa trên cơ sở khai thác cả hai loại hình thương mại truyền thống (chợ, các siêu thị, cửa hàng) với thương mại điện tử - tức là bán hàng trên nền tảng số vì trong trong tương lai thương mại điện tử có thể sẽ thay thế thương mại truyền thống. Do đó tỉnh phải một mặt củng cố hạ tầng cho thương mại truyền thống lại vừa chuẩn bị hạ tầng cho thương mại điện tử (gồm hệ thống đường truyền các ngành có liên quan như: hải quan, thuế, Công thương, quản lý thị trường… để chúng ta có thể quản trị tốt hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử). Và thông qua thương mại điện tử để quảng bá thương hiệu sản phẩm của địa phương. Bên cạnh đó, chú trọng khai thác du lịch gắn với xuất khẩu tại chỗ các sản phẩm của địa phương.
Cuối cùng, Bộ trưởng đề nghị địa phương phát triển mạnh công nghiệp năng lượng bởi đây là thế mạnh của Bạc Liêu trong hiện tại và tương lai. Để làm được điều này tỉnh phải xây dựng quy hoạch dựa vào Quy hoạch Điện VIII.
Liên quan đến những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Bạc Liêu, Bộ trưởng cho biết, Bộ Công Thương sẽ nỗ lực cùng địa phương để kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền giải quyết.
*Trước đó, cùng ngày Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác và đại diện UBND, các Sở ban ngành tỉnh Bạc Liêu đã đến thăm, làm việc tại Nhà máy điện gió Hòa Bình 1.