Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị trực tuyến khối Công Thương địa phương quý I/2023
Tin hoạt động 18/04/2023 09:10
Cục Công Thương địa phương phát huy nội lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ mới Sắp diễn ra Hội nghị trực tuyến khối Công Thương địa phương quý I/2023 |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị cùng sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng và đại diện các đơn vị thuộc Bộ và Sở Công Thương các địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin: Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, Quý I/2023 GDP tăng thấp hơn so với kế hoạch và và thấp hơn nhiều cùng kỳ. Nhiều địa phương được xem là đầu tầu kinh tế nhưng tăng trưởng rất thấp, thậm chí có địa phương tăng dưới 1%.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên |
“Ngày 10/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện về thúc đẩy sản xuất, đầu tư và đẩy mạnh xuất nhập khẩu, Hội nghị hôm nay là hoạt động cụ thể của ngành Công Thương nhằm thực hiện tốt công điện này”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo, nhiệm vụ của Hội nghị này là đánh giá thực chất tình hình, chỉ ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan từ đó đưa ra các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ để ra. “Do thời gian không dài, đề nghị các địa phương phát biểu ngắn gọn đi vào đúng trọng tâm, đúng yêu cầu”, Bộ trưởng yêu cầu.
Tại Hội nghị, ông Ngô Quang Trung – Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương đã báo cáo sơ bộ kết quả ngành Công Thương khối địa phương đạt được trong quý I/2023.
Theo đó, tính chung quý I năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,8%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%; ngành khai khoáng giảm 4,5%.
Có 48 địa phương có IIP quý I/2023 tăng và 15 địa phương có IIP giảm so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương tăng cao tiêu biểu là: Tuyên Quang tăng 18,01%; Thái Bình tăng 13,90%; Quảng Trị tăng 13,79%; Hải Phòng tăng 13,12%; Hậu Giang tăng 13,05%; Hà Nam tăng 12,70%; Hải Dương tăng 12,30%; Nam Định tăng 12,17%; Kon Tum tăng 11,52%; Phú Yên tăng 11,30%; Bắc Giang tăng 10,45%; Phú Thọ tăng 10,33%; Cao Bằng tăng 10,31%.
Trong đó, ngành công nghiệp chủ lực của một số địa phương đạt mức tăng khá cao. Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng (Cao Bằng tăng 26,8%; Tuyên Quang tăng 22,6%; Hải Phòng tăng 14,8%; Quảng Ninh tăng 13,6%; Hải Dương tăng 12,5%; Nam Định tăng 12,3%; Đắk Lắk, Bạc Liêu và Phú Yên cùng tăng 11,6%; Bắc Giang và Kiên Giang tăng 10,9%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao (Hậu Giang tăng 286,1%; Thái Bình tăng 55,7%; Quảng Trị tăng 37%; Cà Mau tăng 33,7%).
Ở chiều ngược lại, ngành công nghiệp chủ lực của một số địa phương tăng thấp hoặc giảm. Cụ thể: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm (Quảng Nam giảm 34,3%; Bắc Ninh giảm 18,8%; Vĩnh Long giảm 16,5%; Sóc Trăng giảm 15,6%; Vĩnh Phúc giảm 8,1%.); ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm (Ninh Bình giảm 31,8%; Trà Vinh giảm 29,3%; Hà Giang giảm 24,9%; Cao Bằng giảm 21,9%; Hải Phòng giảm 18,5%...)
Hội nghị trực tuyến khối Công Thương địa phương về các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và xuất, nhập khẩu năm 2023 |
Về xuất nhập khẩu, tính chung quý I năm 2023, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 14,4%); trong đó khu vực doanh nghiệp trong nước giảm mạnh hơn (giảm 17,4%) so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (giảm 10%), điều này cho thấy những khó khăn của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu.
Các địa phương tăng cao tiêu biểu là: Điện Biên tăng 485,58%; Lai Châu tăng 457,50%; Cao Bằng tăng 356,64%; Lạng Sơn tăng 93,80%; Sơn La tăng 50,70%; Hà Tĩnh tăng 44,81%; Đắk Nông tăng 27,80%; Bắc Giang tăng 21,43%; Yên Bái tăng 20,85%...
Trong quý I/2023, có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, giảm 2 mặt hàng so với quý I/2022 (có 16 mặt hàng), chiếm 77,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 04 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,8%).
Ông Ngô Quang Trung cũng thông tin thêm: Một số khu vực kinh tế lớn như Trung Quốc, Mỹ tăng trưởng cao hơn dự báo; một số nền kinh tế đang nổi tại châu Á như Ấn Độ, Asean tăng trưởng khả quan; các chính sách kích cầu đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp của nhà nước phát huy tác dụng trong việc phục hồi các hoạt động sản xuất; số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng lần đầu tiên trong 3 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp dù có giảm nhưng xu hướng tăng dần qua các tháng; nhập khẩu nguyên phụ liệu có dấu hiệu tăng… là những yếu tố dự báo tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu trong thời gian tới sẽ khả quan hơn.
Trước tình hình đó, ngành Công Thương đang nỗ lực triển khai các hoạt động nhằm đạt kế hoạch dự kiến năm 2023: Chỉ số sản xuất công nghiệp của toàn ngành công nghiệp cả năm phấn đấu tăng khoảng 8-9% so với năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước dự kiến tăng khoảng 8-9%; tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước dự kiến tăng 6% so với năm trước.