Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì đoàn công tác của Chính phủ làm việc với tỉnh Bắc Giang
Tin hoạt động 11/05/2023 09:16
Sáng 11/5, Đoàn công tác của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm trưởng đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang để nghe phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu, tháo gỡ khó khăn về nhà ở xã hội, thị trường bất động sản, kỷ luật kỷ cương hành chính... và các vấn đề khác nổi lên trên địa bàn. Từ đó kiến nghị, đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi, hiệu quả nhằm tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2023 và các năm tiếp theo.
Tham dự buổi làm việc có ông Dương Văn Thái, Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Bắc Giang, ông Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; cùng đại diện các sở ngành của tỉnh Bắc Giang.
Tăng trưởng công nghiệp, thương mại cao
Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết, năm 2022 và 4 tháng đầu 2023, dù còn nhiều khó khăn song kinh tế xã hội Bắc Giang vẫn đạt được những kết quả khởi sắc. Cụ thể, đến hết quý I/2023, tổng thu ngân sách đạt 4.467 tỷ đồng, bằng 90,6% cùng kỳ năm 2022, đạt 29,7% dự toán; trong đó thu nội địa đạt 4.091 tỷ đồng, bằng 93% cùng kỳ, đạt 31,3% so với dự toán; thu thuế xuất nhập khẩu 376 tỷ đồng, bằng 71,1% cùng kỳ, đạt 19,8% dự toán.
Nhiều khoản thu tăng so với cùng kỳ, nổi bật như: Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 1.746,8 tỷ đồng, gấp 4,3 lần; doanh nghiệp ngoài quốc doanh 517,3 tỷ đồng, tăng 5,8%; doanh nghiệp nhà nước trung ương 129,5 tỷ đồng, tăng 10,8%; doanh nghiệp nhà nước địa phương 26,6 tỷ đồng, tăng 19%; thu từ quỹ công ích 5,1 tỷ đồng, tăng 77,5%...
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng các đại biểu tham dự buổi làm việc tại Bắc Giang sáng 11/5. |
Giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt 115.465 tỷ đồng, tăng 11,1%, đạt 22,7% kế hoạch. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ngày càng đóng vai trò dẫn dắt các khu vực sản xuất công nghiệp của tỉnh khi chiếm tỷ trọng 87,9% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước chiếm 9,9% và khu vực doanh nghiệp Nhà nước chiếm 2,2%.
Theo lĩnh vực sản xuất, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục chiếm tỷ trọng chi phối, là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh nói chung và ngành công nghiệp nói riêng (chiếm 98,5% giá trị sản xuất toàn ngành, tăng 0,5%).
Trong quý I/2023, có thêm 9 doanh nghiệp đi vào hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp (KCN) lên con số 409 (tăng 06 doanh nghiệp hoạt động so với năm 2022). Tính chung, toàn tỉnh hiện có 14.159 doanh nghiệp được thành lập; trong đó có 473 doanh nghiệp tư nhân; 3.034 công ty TNHH; 8.166 công ty TNHH MTV; 2.486 công ty cổ phần và 1.525 chi nhánh, văn phòng đại diện. Tổng vốn đăng ký là 154.822 tỷ đồng. Doanh nghiệp FDI là 521, số vốn đăng ký là 4,265 tỷ USD.
Nhìn chung đội ngũ doanh nghiệp của tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ đã có những đóng góp vô cùng quan trọng vào quá trình phát triển của địa phương. Tuy vậy, từ cuối năm 2022 đến đầu quý I/2023, tình hình sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do cắt, giảm, giãn đơn hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất gia công linh kiện điện tử, may mặc và các doanh nghiệp vendor cấp 2, cấp 3 của Samsung. Trong đó, có khoảng 45 doanh nghiệp cắt giảm lao động hoặc cắt giảm thời gian làm việc, tổ chức làm việc luân phiên, không tăng ca; một số doanh nghiệp giảm thời gian tăng ca từ 2h đến 3h/ngày xuống còn 1,5h đến 2h/ngày.
Có 2 doanh nghiệp (Công ty TNHH KCD Việt Nam và Công ty TNHH Fine Land Apparel Việt Nam) đang tạm dừng hoạt động do không có đơn hàng, cho người lao động tạm nghỉ việc, chủ doanh nghiệp xuất cảnh về nước, không có mặt ở Việt Nam. Còn lại đa số các doanh nghiệp trong KCN vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, đảm bảo tốt các chế độ, quyền lợi cho người lao động; trong đó có một số doanh nghiệp FDI tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá.
Một số khó khăn, điểm nghẽn
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết, từ quý IV/2022 đến nay, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó khăn; nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, chỉ bảo đảm 35-50% năng lực sản xuất, khó khăn có thể còn kéo dài hết quý II...Để tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn, tỉnh Bắc Giang kiến nghị một số nội dung về trình tự, thủ tục thành lập cụm công nghiệp và quản lý kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp; về đầu tư hạ tầng, năng lượng; về thị trường, xuất nhập khẩu; giải quyết kiến nghị của Công ty TNHH Luxshare ICT...
Cho rằng thủ tục liên quan đến đất đai hiện còn phức tạp, nhiều thủ tục, qua nhiều bộ, ngành, mất nhiều thời gian làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện, giải ngân nguồn vốn đầu tư công bố trí cho các dự án, ông Lê Ánh Dương kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương để chủ động trong triển khai thực hiện các dự án của tỉnh để đảm bảo tiến độ, sớm hoàn thành dự án đáp ứng mục tiêu và hiệu quả đầu tư đối với các dự án có diện tích thu hồi đất trồng lúa từ 10 ha trở lên; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng từ 20ha đã có quy hoạch sử dụng đất, phù hợp với Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu bổ sung đối với trường hợp thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để tạo quỹ đất sạch, thu hút đầu tư kinh doanh đồng thời bổ sung điều kiện để đấu giá quyền sử dụng đất đó là đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm được công bố và đã có chủ trương đầu tư dự án được phê duyệt vì kế hoạch sử dụng đất và dự án mới là căn cứ xác định tính khả thi của dự án trong ngắn hạn, việc thu hồi đất theo quy hoạch là mang tính dài hạn và có thể gây ra tình trạng quy hoạch treo. Bổ sung thêm các dự án quy mô lớn được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận đầu tư mà phải thu hồi đất như khu du lịch, thể thao, sân golf nhằm đảm bảo việc triển khai các dự án này đúng tiến độ, tránh gây lãng phí nguồn vốn và tài nguyên đất đai.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng kiến nghị Bộ Công an xem xét, chỉ đạo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ ủy quyền cho Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cấp tỉnh thẩm duyệt thiết kế về PCCC các công trình thuộc dự án nhóm A do doanh nghiệp sử dụng vốn ngoài ngân sách đầu tư trong khu KCN.
Trước tình trạng, chi phí đầu vào, nguyên vật liệu, nhiên liệu vẫn ở mức cao, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục có các giải pháp nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp như: Giảm thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu; nghiên cứu xây dựng phương án giảm tiền điện - một trong những chi phí đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, hiện sắp bước vào thời điểm thu hoạch và tiêu thụ vải thiều (sản lượng dự kiến năm 2023 khoảng 180 nghìn tấn), tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Công Thương trao đổi, đàm phán với cơ quan chức năng của Trung Quốc và hỗ trợ tỉnh Bắc Giang tuyên truyền, quảng bá, kết nối tiêu thụ vải thiều tại các kênh phân phối, hệ thống siêu thị, chợ đầu mối tại các tỉnh, thành phố; đưa sản phẩm vải thiều tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.
6 nhóm giải pháp trọng tâm để tháo gỡ thực chất, hiệu quả
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao tinh thần nghiêm túc của UBND tỉnh Bắc Giang trong việc chuẩn bị nội dung làm việc với đoàn công tác. Theo Bộ trưởng, báo cáo của tỉnh đã nêu khá đầy đủ, toàn diện tình hình thực tế của tỉnh thời gian qua; nhận diện được những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân và đề xuất, kiến nghị tương đối cụ thể, toàn diện trên các lĩnh vực.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi làm việc tại Bắc Giang sáng 11/5. |
Bộ trưởng đánh giá, dù trong bối cảnh khó khăn, thách thức chung do chịu tác động kép cả từ các yếu tố bên ngoài và những bất cập nội tại của nền kinh tế, song GRDP của tỉnh quý I/2023 vẫn duy trì mức tăng trưởng khá cao (tăng 8,4% so với cùng kỳ, xếp thứ 8 cả nước và thứ 2 trong vùng Trung du miền núi phía Bắc, chỉ sau tỉnh Tuyên Quang).
Hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành chủ lực của tỉnh Bắc Giang vẫn khởi sắc và tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước (sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm tăng gần 15%, đứng thứ 10 cả nước và thứ 2 trong vùng); sức mua thị trường nội địa tăng 20,7%; kim ngạch xuất khẩu tăng 12,6% (xếp thứ 6 cả nước và thứ 2 trong vùng); số doanh nghiệp thành lập mới tăng 18,3% và cao hơn số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động; các dự án đầu tư xây dựng trọng điểm được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ trực tiếp chỉ đạo triển khai nên nhìn chung bảo đảm tiến độ đề ra; khối lượng giải ngân vốn đầu tư công đạt 13,3% kế hoạch vốn được giao (cao hơn bình quân chung cả nước là 10,35%)...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức đang đặt ra, như: Tổng thu ngân sách nội địa 4 tháng giảm 9,1% so với cùng kỳ năm trước; một số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do bị cắt, giảm, giãn đơn hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp gia công linh kiện điện tử và may mặc; một số doanh nghiệp phải giãn, giảm thời gian làm việc, thậm chí cắt giảm lao động hoặc tạm dừng hoạt động (đã phải cắt giảm 16.000 lao động so với cuối năm 2022); việc triển khai một số dự án đầu tư bị vướng mắc về thủ tục đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng... làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.
Để khắc phục tồn tại, hạn chế nêu trên, thúc đẩy phục hồi đà tăng trưởng kinh tế, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kế hoạch năm 2023 đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bắc Giang quan tâm chỉ đạo 6 nhóm giải pháp trọng tâm, trong đó cần tập trung rà soát rà soát, nắm bắt kịp thời để tháo gỡ thực chất, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc của từng doanh nghiệp, từng dự án đầu tư trên địa bàn, nhất là các dự án lớn trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào hoạt động để phát huy hiệu quả đầu tư và gia tăng năng lực sản xuất.
Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực và dư địa để phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan (như vật liệu, cơ khí, chế tạo, thương mại, dịch vụ) và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư…
Bên cạnh đó, tập trung cao cho nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn, nhất là hạ tầng giao thông, viễn thông, logicstics; hạ tầng thương mại, dịch vụ (cả truyền thống và hiện đại) gắn với đô thị hóa và hoạt động du lịch. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xúc tiến thương mại, đặc biệt là quan tâm phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số và các kênh thương mại điện tử nhằm khai thác có hiệu quả thị trường tiêu dùng nội địa và mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo động lực mới cho sản xuất và đầu tư trên địa bàn.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu tỉnh Bắc Giang tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, hỗ trợ tốt nhất các doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa) trong thực hiện các thủ tục hành chính (có liên quan đến cơ quan quản lý Nhà nước). Chỉ đạo các ngành, địa phương trên địa bàn tích cực hỗ trợ doanh nghiệp về tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai và triển khai các dự án đầu tư. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sản xuất trong các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm và tiếp cận, khai thác các thị trường (cả trong nước và nước ngoài) để phát huy hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (nhất là các Hiệp định thế hệ mới, như EVFTA, CPTPP, RCEP…).
Trong khuôn khổ chương trình, sáng cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đi kiểm tra tình hình thực hiện dự án đầu tư, cơ sở sản xuất công nghiệp lớn trên địa bàn (Công ty TNHH Luxshare - ICT (Vân Trung) và Dự án Nhà ở xã hội dành cho công nhân tại Khu đô thị mới thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang).