Thứ sáu 09/05/2025 12:39

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Sửa luật được thực hiện vào thời điểm lịch sử

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ được thực hiện vào thời điểm lịch sử.

Gỡ điểm nghẽn thể chế, khơi thông nguồn lực

Sáng 14/2/2025, tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội tại cuộc họp tổ và tại hội trường cho 2 dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) rất tâm huyết, xác đáng, thiết thực để cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu tối đa. Từ đó, tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

“Trước khi các đại biểu Quốc hội bấm nút, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để tiếp thu, giải trình đầy đủ những ý kiến của các đại biểu. Luật Tổ chức Chính phủ là đạo luật gốc của nền hành chính Nhà nước Việt Nam và việc sửa luật này được thực hiện vào thời điểm lịch sử" - Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, luật sửa đổi mang ý nghĩa chính trị, xã hội, pháp lý và lịch sử khi chúng ta đang thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, gắn với hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, gắn với tháo gỡ các điểm nghẽn, đặc biệt là điểm nghẽn về thể chế để khơi thông nguồn lực để đất nước phát triển trong kỷ nguyên mới.

Xây dựng với tư duy hoàn toàn mới

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) lần này được xây dựng với tư duy hoàn toàn mới về xây dựng hệ thống luật pháp của Việt Nam theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư và Chủ tịch Quốc hội, để luật đảm bảo sức sống lâu dài, vừa thực hiện mục tiêu quản lý Nhà nước và vừa thực hiện mục tiêu kiến tạo và phát triển.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi)

“Nhiều đại biểu Quốc hội rất đồng tình với thiết kế của dự luật này. Dự luật bám sát chủ trương của Đảng về phân định thẩm quyền và thể hiện mối quan hệ của Chính phủ, các cơ quan Trung ương với chính quyền địa phương để khắc phục những vấn đề giao thoa chồng chéo và bảo đảm được vị trí, vai trò, chức năng của Chính phủ với tư cách là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp” - Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng nhấn mạnh, với vấn đề giao thoa giữa Luật Quốc hội và Luật Tổ chức Chính phủ được giải quyết căn bản trong lần sửa đổi này.

Về phân quyền, phân cấp và ủy quyền, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay, đây là vấn đề mang tính cốt lõi, căn cơ, có tư duy đột phá nhất khi sửa luật lần này. Đây cũng là nội dung được các đại biểu quan tâm nhiều nhất.

Dự thảo luật đã hoàn thiện được nguyên tắc phân quyền, phân cấp và ủy quyền theo hiến định và chủ trương của Đảng. Từ đó, tạo sự chủ động, sáng tạo để thúc đẩy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm của 3 hệ thống hành chính Nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý quan trọng để tháo gỡ những rào cản để phân quyền, phân cấp và phân định nhiệm vụ cụ thể đang hiện hữu trong các luật chuyên ngành.

"Vừa qua, theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của Quốc hội, chúng tôi đã tiến hành rà soát để thực hiện phân cấp, phân quyền, thì phát hiện những điểm “rất vướng” - Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Luật chuyên ngành mặc dù quy định rõ thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, HĐND các cấp…; song rà soát 257 luật thì có tới 177 luật quy định cụ thể nội dung này. Đây là sự chồng chéo, khó để thực hiện phân cấp, phân quyền…

Các luật chuyên ngành phải đi theo nguyên tắc được đưa ra trong Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) để thực hiện phân quyền, phân cấp, ủy quyền và làm rõ được đối tượng, chủ thể, phạm vi, nội dung theo từng cấp độ khác nhau.

Đồng thời, dự luật cũng quy định điều khoản rất quan trọng đó là: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải căn cứ vào nguyên tắc để khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phải thực hiện theo quy định về phân quyền, phân cấp và ủy quyền.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, đây là vấn đề rất mới, đặt trong bối cảnh đặc biệt của đất nước và nếu không làm như vậy thì không thể tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, rào cản lớn nhất để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

“Chúng ta lấy con người làm trung tâm, làm mục tiêu, là chủ thể độc lập phát triển; tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân vì đây là mục tiêu của thể chế, của chế độ khi tất cả vì nhân dân, vì sự phát triển của con người” - Bộ trưởng nêu rõ.

Qua thảo luận về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), đa số đại biểu tán thành sự cần thiết, quan điểm sửa đổi toàn diện luật hiện hành; đồng thời, đề nghị rà soát, hoàn thiện quy định về phân quyền, phân cấp, ủy quyền nhằm tạo sự chủ động, thúc đẩy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu...

Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Quốc hội

Tin cùng chuyên mục

Luật Doanh nghiệp sửa đổi: Minh bạch để Việt Nam không lọt ‘sách Đen FATF’

Chủ tịch nước Lương Cường trao quyết định bổ nhiệm 3 Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước

Gỡ rào cản thủ tục, mở đường tăng trưởng

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Sẽ có ưu đãi riêng cho Trung tâm Tài chính quốc tế

Luật Hóa chất (sửa đổi): Thêm cơ chế ứng phó sự cố trên biển

Tổng Bí thư Tô Lâm: Việt Nam - Azerbaijan đẩy mạnh hợp tác năng lượng, dầu khí

Thủ tướng đề nghị Singapore đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Đại tá Đỗ Văn Hậu làm Cục trưởng Cục Quân nhu

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung: Chỉ thanh tra khi có bằng chứng vi phạm rõ ràng

Đại biểu Phạm Văn Hòa: Nên có chính sách ưu đãi nhập khẩu dược liệu để sản xuất thuốc

Duy trì cơ chế đối thoại quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ

Đại biểu Tạ Văn Hạ: Cần phát triển sản phẩm hóa chất Việt Nam có lợi thế

Đại biểu Võ Mạnh Sơn: Sửa Luật Hóa chất tạo công cụ mạnh mẽ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Mường Lay xác lập kỷ lục Việt Nam về mật độ nhà sàn truyền thống

Đại biểu Quốc hội kỳ vọng và đánh giá cao việc soạn thảo sửa đổi Luật Hóa chất

Ký ức sống mãi trong ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Dự thảo Luật Hóa chất sửa đổi sau chỉnh lý đã rút gọn, tập trung nhiều vấn đề quan trọng

Thủ tướng lưu ý làm tốt truyền thông chính sách về kinh tế tư nhân

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: 90 nhiệm vụ của cấp huyện sẽ giao xuống cấp xã

Chủ tịch Quốc hội: Quốc hội đã triển khai trợ lý ảo ChatGPT có bản quyền