Thứ ba 05/11/2024 16:26

Bộ trưởng Bộ Công Thương: Việc bổ sung các dự án thuỷ điện phải qua nhiều chốt chặn

Tại phiên thảo luận sáng ngày 5/11 tại Hội trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã cung cấp thêm thông tin về công tác quy hoạch, quản lý vận hành thuỷ điện và xử lý các tấm pin quang điện năng lượng mặt trời.

Cái gì cũng có tính hai mặt

Trong các phiên thảo luận trước, đa số các đại biểu đều thừa nhận bất kỳ vấn đề gì đều có tính hai mặt, lợi ích và hạn chế, trong đó có thuỷ điện nói chung và thuỷ điện nhỏ nói riêng.

Các đại biểu cũng nhất trí cho rằng, nguyên nhân sạt lở, lũ lụt ở miền Trung vừa qua, chủ yếu là do con người tác động vào môi trường thiên nhiên, không đổ lỗi hoàn toàn cho thuỷ điện. Các đại biểu cũng nhìn nhận, thuỷ điện đã có vai trò quan trọng trong việc cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Một công trình thuỷ điện nhỏ

Tuy nhiên vẫn còn có những ý kiến khác nhau liên quan đến công tác quy hoạch quản lý, vận hành.

Cụ thể, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đồng ý rằng thủy điện có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển và có tính 2 mặt. Tuy nhiên cần thực hiện đúng quan điểm không đánh đổi môi trường lấy sự phát triển; xem xét vấn đề kiểm tra, xử lý các đơn vị không thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan đến rừng, thuỷ điện.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) lưu ý, cần tính toán đến thuỷ điện nhỏ trong 40, 50 năm nữa khi đã hết khấu hao thì sẽ xử lý thế nào để tránh trở thành một quả bom nổ chậm hay vấn đề xử lý những tấm pin của các dự án năng lượng mặt trời trong tương lai khi hết hạn sử dụng và đề nghị Bộ Công Thương, ngành tài nguyên và môi trường phải quan tâm đến, có chế tài để bảo đảm chúng ta có nguồn lực để giải quyết những vấn đề này ngay từ bây giờ.

Liên quan đến công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, đánh giá tác động môi trường thuỷ điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam đã có quy trình bài bản để quản lý dự án đầu tư đảm bảo hiệu quả, Luật đầu tư có báo cáo kinh tế kỹ thuật, bên cạnh đó còn có báo cáo đánh giá tác động môi trường (DTM). Đây là những căn cứ cơ bản để các cấp có thẩm quyền quyết định xem dự án có hiệu quả hay không.

Về quy hoạch, tiêu chí chọn dự án thuỷ điện có liên quan đến đất rừng tự nhiên, Bộ trưởng cho biết, các dự án thuỷ điện có khâu quan trọng là bổ sung quy hoạch trên cơ sở đề xuất của các địa phương. Các địa phương sẽ căn cứ các quy định của pháp luật, trong đó có Thông tư 43 của Bộ Công Thương, theo đó nếu dự án thuỷ điện vượt quá 10ha/1 MW hay có đất rừng tự nhiên thì không xem xét, bổ sung.

Việc bổ sung các dự án thuỷ điện các loại vào quy hoạch đều phải xin ý kiến các Bộ, ngành như Nông nghiêp, Tài nguyên môi trường, Xây dựng, Công an và các cơ quan khác để phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Đây là chốt chặn đầu tiên.

Quy trình đầu tư còn bao gồm các cấp thẩm quyền từ trung ương đến địa phương xem xét phê duyệt dự án đầu tư và quản lý đầu tư. Điều này đã quy định trong Luật Đầu tư, Xây dựng và các luật khác. Trong đó, một trong những quyết định quan trọng làm cơ sở thẩm định, phê duyệt, thông qua dự án là báo cáo đánh giá tác động môi trường (DTM). Báo cáo DTM đều được đăng công khai trên trang điện tử của cơ quan thẩm định xem môi trường có đảm bảo hay không.

Bộ trưởng Bộ Công Thương làm rõ thêm thông tin về thuỷ điện và xử lý môi trường điện mặt trời

Các dự án phải tuân thủ các quy định của pháp luật

Đối với vấn đề xử lý các dự án thuỷ điện sau khi đã hết tuổi thọ công trình, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin, các thuỷ điện nhỏ đã hết khấu hao, hết vòng đời dự án thì căn cứ điều 118, 127 của Luật Xây dựng, Nghị định 46 liên quan đến Luật Điện lực. Các văn bản này đã có hướng dẫn, khi hết vòng đời phải thực hiện đánh giá chất lượng các công trình hồ đập để đưa ra hướng xử lý cụ thể, cải tạo hay phá bỏ, nếu phá bỏ, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm tháo dỡ theo phương án cụ thể và được cấp thẩm quyền quyết định.

Về môi trường tấm pin quang điện tại các dự án điện mặt trời, Bộ trưởng cho biết, trong phiên họp ngày 17/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn về tấm pin quang điện, cũng như phương án xử lý tấm pin khi hết hạn sử dụng. Còn hiện nay, theo các quy định của pháp luật thì các chủ đầu tư phải có trách nhiệm xử lý tấm pin, trên thực tế chỉ có 3% hoạt chất có liên quan đến môi trường. Các nhà cung cấp đều có hợp đồng với các chủ đầu tư để thu hồi xử lý tấm pin.

Phát biểu thêm sau nhiều ý kiến tranh luận, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho biết, Bộ trưởng Công Thương nói rằng các quy trình chúng ta đã làm đúng, như vậy chúng ta phải ủng hộ điều đó. Về mặt trái của thủy điện thì Bộ Công Thương đang kiểm soát tương đối chặt chẽ, tuy nhiên cần làm hiệu quả hơn.

Còn Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) thì khẳng định, thuỷ điện và những tác động của thủy điện trong đợt thiên tai vừa qua cần xem xét bởi quan điểm lịch sử. Ví dụ việc xây dựng thủy điện Sông Đà, mục tiêu ban đầu là trị thủy sau đó mới là mục tiêu phát điện và các thuỷ điện đã làm tốt vai trò điều tiết nước.

“Đánh giá phải xem xét khách quan và nhiều chiều, không nên chỉ nhìn lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện” – Đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh thêm.

Nhóm P.V
Bài viết cùng chủ đề: Thủy điện

Tin cùng chuyên mục

Diễn đàn thương mại bán lẻ hàng không: Cơ hội quảng bá và thu hút đầu tư thương mại du lịch

Các nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Chi thường xuyên cho trả tiền lương chiếm tới 45%

Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc

Bộ trưởng báo tin vui khi Chỉ số hạnh phúc và Chỉ tiêu năng suất lao động của Việt Nam đều tăng

Đề nghị Quốc hội giám sát các quỹ để quản lý, sử dụng hiệu quả

Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường tham dự các hội nghị GMS, ACMECS và CLMV tại Trung Quốc

Chương trình Thương hiệu quốc gia đã khẳng định được trí tuệ, bản lĩnh của doanh nghiệp Việt

Doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam là biểu tượng của sáng tạo và năng lực tiên phong

Cơ cấu lại kinh tế vùng, đưa Đông Nam Bộ đi đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ cao

Vì sao đầu tư công lớn nhưng không dẫn dắt được đầu tư tư?

Việt Nam có thể vươn lên trở thành điểm đến lý tưởng của ngành bán dẫn toàn cầu

Năng suất lao động thấp, chi phí Logistic cao, đại biểu đề nghị miễn thuế cho doanh nghiệp cảng

Mở đợt cao điểm xử lý dứt điểm tàu cá '03 không' trong tháng 11/2024

Hội nghị thượng đỉnh GMS sẽ thảo luận những lĩnh vực hợp tác mới, tạo 'đột phá' phát triển tiểu vùng MeKong

Cử tri Gia Lai phấn khởi, kỳ vọng về Luật Điện lực (sửa đổi)

Chống lãng phí thành công, đất nước ta sẽ vững vàng bước vào kỷ nguyên mới

Đại biểu Trần Hữu Hậu: Vướng quy định nhập khẩu điều thô châu Phi, nhiều doanh nghiệp rơi vào lao lý

Sắp diễn ra Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc