Chiều ngày 6/11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 6, Quốc khóa VX, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã giải đáp câu hỏi liên quan đến kế hoạch ban hành các cơ chế, chính sách để có hành lang pháp lý phát triển điện mặt trời mái nhà theo Quy hoạch điện VIII.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn |
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Lê Tất Hiếu - đoàn Vĩnh Phúc đặt vấn đề, theo Quy hoạch điện VIII có nội dung ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết kế hoạch ban hành các cơ chế, chính sách để có hành lang pháp lý phát triển điện mặt trời mái nhà?
Đại biểu Lê Tất Hiếu - đoàn Vĩnh Phúc chất vấn |
Giải đáp vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Quy hoạch điện VIII được Chính phủ phê duyệt với tổng công suất nguồn điện là 150.489 MW (không bao gồm xuất khẩu, điện mặt trời mái nhà hiện hữu, năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới), tăng 21.000 MW so với tổng công suất nguồn điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh (130.000 MW); trong đó, tổng công suất lắp máy của điện mặt trời là 12.836 MW (không bao gồm điện mặt trời mái nhà hiện hữu), chiếm 8,5% tổng công suất lắp máy của hệ thống (trong đó có 10.236 MW điện mặt trời tập trung và 2.600 MW điện mặt trời tự sản tự tiêu); tổng công suất lắp máy của điện gió trên bờ là 21.880 MW, chiếm 14,5% tổng nguồn; điện gió ngoài khơi là 6.000 MW, chiếm 4% tổng nguồn và điện sinh khối cùng điện rác là 2.270 MW, chiếm 1,5% tổng nguồn.
Như vậy, tổng công suất lắp máy các nguồn điện từ năng lượng tái tạo (không kể thủy điện) đã chiếm tỷ trọng 28,5% tổng công suất nguồn điện. Đây là một tỷ trọng rất lớn mà ngay cả các nước phát triển, có trình độ công nghệ cao, sở hữu hệ thống lưới điện thông minh và các thiết bị lưu trữ điện năng ở mức cao thì tỷ trọng này cũng chỉ ở ngưỡng trên dưới 20%.
"Đây là một mục tiêu phấn đấu rất cao và đương nhiên ngoài nỗ lực của Việt Nam thì rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là cam kết Jetp" - Bộ trưởng nói.
Theo người đứng đầu ngành Công Thương, trong điều kiện hạ tầng công nghệ của chúng ta hiện nay, để thực hiện được các phương án Quy hoạch nêu trên, thì phải tập trung nghiên cứu để đầu tư phát triển hệ thống lưới điện thông minh và các thiết bị lưu trữ điện năng, đồng thời thúc đẩy thị trường điện trên 3 cấp độ: phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh; cùng với đó, biểu giá bán lẻ điện cũng phải được nghiên cứu để có tính linh hoạt hơn. Theo đó, để có thể bù đắp cho việc huy động điện năng lượng tái tạo ở mức cao khi đây là các nguồn điện phụ thuộc lớn vào điều kiện thời tiết, thì cần thiết phải nghiên cứu xây dựng cơ chế giá điện cho các nguồn điện mới như pin tích trữ năng lượng, phát triển thủy điện tích năng (bởi đây là các nguồn điện linh hoạt cao), đồng thời cần phải khuyến khích phát triển hệ thống điện mặt trời tự sản tự tiêu tại các nơi có phụ tải tăng cao.
Như vậy, để khai thác tiềm năng của năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần đẩy mạnh khuyến khích các hoạt động đầu tư điện mặt trời tự sản tự tiêu, không nối lưới; chú trọng phát triển các loại thiết bị lưu trữ điện. Đồng thời, nghiên cứu phát triển lưới điện thông minh; đẩy nhanh xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp và thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh ở cả 3 cấp độ như nêu ở trên.
"Hiện nay, Bộ Công Thương đã và đang trình Chính phủ ban hành nghị định để phát triển mặt trời áp mái; khi Chính phủ có chủ trương cho phép xây dựng nghị định theo khuyến nghị của Bộ Tư pháp thì Bộ Công Thương sẽ khẩn trương xây dựng theo quy trình. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang tích cực trình Chính phủ cho ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp trên cơ sở nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội". - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng chia sẻ, việc phát triển mặt trời áp mái không giới hạn về công suất đó là trong bối cảnh mà công nghệ chúng ta sau này phát triển và các nhà đầu tư về năng lượng áp mái không được gây áp lực lên hệ thống điện truyền tải. Bởi lẽ nếu như chúng ta không có nguồn điện phục vụ chạy nền ổn định thì không có một quốc gia nào có thể phát triển một cách vô hạn định đối với điện từ năng lượng mặt trời.