Bộ trưởng Bộ Công Thương: Khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ thông qua dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)
Như đã Báo Công Thương đã đưa tin, sáng 13/9 tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nghe báo cáo về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Tham dự cuộc họp còn có Thứ trưởng Trương Thanh Hoài cùng đại diện các Cục, Vụ và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương: Điện lực và Năng lượng tái tạo; Điều tiết điện lực; Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp; Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững; Viện Năng lượng; Dầu khí và Than; Pháp chế; Kế Hoạch - Tài chính… Cùng đại diện lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) đã được Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội (Nghị quyết số 129/2024/QH15 ngày 08 tháng 6 năm 2024 của Quốc hội). Theo đó, dự án Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Trường hợp dự án Luật được Chính phủ chuẩn bị tốt, quá trình thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao, thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ hợp thứ 8, theo quy trình tại một kỳ họp.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Cấn Dũng |
Bộ trưởng cũng cho biết, trên tinh thần nỗ lực tiếp thu, sửa đổi qua những cuộc lấy ý kiến đóng góp, tất cả những vướng mắc trong thi hành Luật Điện lực thời gian qua và vấn đề mới (như năng lượng tái tạo, năng lượng mới, xây dựng hoàn thiện thị trường điện ở 3 cấp độ, quản lý vận hành, quản lý thực thi những dự án điện chậm tiến độ… đã có nhiều thực tiễn, kinh nghiệm xử lý) đều được đưa vào dự thảo Luật. Tuy nhiên, vẫn còn một vài nội dung, BST, TBT cần tiếp tục trao đổi, thảo luận để sớm thống nhất, hoàn thiện dự thảo Luật.
Ông Trần Việt Hoà - Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực thông tin cơ bản về nội dung sửa đổi của dự thảo Luật Điện lực. Ảnh: Cấn Dũng |
Tại buổi làm việc, ông Trần Việt Hoà - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực – báo cáo về việc tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).
Theo đó, triển khai nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 932/QĐ-TTg ngày 5 tháng 9 năm 2024 về việc thành lập Tổ công tác rà soát các vướng mắc pháp lý trong triển khai dự án điện, chỉ đạo, phối hợp hoàn thiện Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và các luật có liên quan và ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Cục Điều tiết điện lực đã phối hợp với các Cục, Vụ có liên quan thuộc Bộ Công Thương, EVN, PVN để rà soát các vướng mắc về pháp lý và hoàn thiện Dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực Việt Nam - Đặng Hoàng An. Ảnh: Cấn Dũng |
Về tiếp thu ý kiến của các đơn vị, Cục Điều tiết điện lực phối hợp với các Cục, Vụ có liên quan, Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia, EVN, PVN hoàn thiện nội dung dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) một số nội dung như về phạm vi điều chỉnh; về áp dụng pháp luật; về giải thích từ ngữ; chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực; Quy hoạch phát triển điện lực, đầu tư xây dựng dự án, về phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới, về thị trường điện; mua bán điện, giá điện và giá các dịch vụ về điện; vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia; an toàn điện, an toàn đập, hồ chứa thủy điện…
Cũng tại cuộc họp, các thành viên trong Tổ Biên tập và Ban soạn thảo đã cho ý kiến góp ý về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) như quy định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện lực đối với dự án đầu tư lưới điện và nguồn điện đi qua 2 tỉnh trở lên; quy định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư; mua bán điện với nước ngoài; triển khai các dự án điện gió ngoài khơi…
Ông Phan Tử Giang - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Cấn Dũng |
Ghi nhận ý kiến đóng góp, kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm và có hiệu quả của Ban soạn thảo, Tổ biên tập để hoàn thiện dự thảo trình ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ trưởng yêu cầu:
Thứ nhất, Ban soạn thảo, Tổ biên tập cùng 2 Tập đoàn EVN, PVN rà soát Dự thảo Luật lần cuối theo nguyên tắc những vấn đề đã “chín”, đã đủ cơ sở khoa học và được minh chứng thực tiễn, có tính ổn định lâu dài sẽ được chắt lọc đưa vào dự thảo Luật; những vấn đề mới, cần thời gian kiểm nghiệm, những yếu tố mang tính biến động cao theo xu thế phát triển sẽ được quy định nguyên tắc ở Luật, còn nội dung cụ thể, chi tiết giao Chính phủ hướng dẫn.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm và có hiệu quả của Ban soạn thảo, Tổ Biên tập Luật Điện lực (sửa đổi). Ảnh: Cấn Dũng |
Thứ hai, đối với các vấn đề đã tiếp thu, Bộ trưởng đề nghị Ban soạn thảo, Tổ biên tập của Bộ Công Thương phối hợp với 2 tập đoàn EVN, PVN rà soát thêm về thuật ngữ, văn phong trong dự thảo Luật.
Thứ ba, đối với các vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Bộ trưởng yêu cầu: Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần rà soát, hoàn thiện theo hướng quy định tại Luật những nội dung bảo đảm tính khả thi nhằm mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước, bảo đảm an ninh quốc phòng như cần có quy định xử lý nghiêm các dự án chậm tiến độ, các quy định về dự án điện khí…
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Cấn Dũng |
Bộ trưởng nhấn mạnh Tổ Biên tập và Tổ soạn thảo phải khẩn trương hoàn thiện dự thảo luật theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng để kịp tiến độ trình Chính phủ và trình Quốc hội. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng giao nhiệm vụ cho Tổ biên tập, Ban soạn thảo song song với hoàn thiện dự thảo của Luật, cần hoàn chỉnh dự thảo đề cương Nghị định và Thông tư để đảm bảo việc ban hành văn bản hướng dẫn sau khi Luật thông qua.