Phát triển thị trường vùng dân tộc thiểu số và miền núi: Còn nhiều rào cản Hiệu quả từ đồng vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Bố Trạch |
Ông Nguyễn Hữu Hồng - Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với Báo Công Thương về những đổi thay của vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Đời sống kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Bố Trách đang có nhiều đổi thay tích cực |
Sau thời gian ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt và đại dịch Covid-19, đến này ông có thể cho biết bức tranh kinh tế, xã hội của huyện Bố Trạch đang phát triển như thế nào?
Bố Trạch là huyện có diện tích tự nhiên 212.310 ha, có hai tuyến biên giới đất liền và biển; 28 đơn vị hành chính, 30 xã thị trấn, với dân số 171.921 người.
Có thể nói, kể từ năm 2020, địa phương đã phải đối diện với những khó khăn rất lớn do ảnh hưởng từ lũ lụt, thiên tai và nhất là từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, với quyết tâm của hệ thống chính trị, lãnh đạo địa phương đã chỉ đạo toàn diện về phát triển kinh tế, xã hội; giữ vững an ninh quốc phòng, bảo vệ vững chắc hai tuyến biên giới.
Trong đó, về phát triển kinh tế xã hội, là địa bàn xảy ra dịch Covid-19 đầu tiên của tỉnh Quảng Bình, nhưng với sự giúp sức của cơ quan chức năng, chúng tôi đã kiểm soát dịch bệnh thành công, nhờ đó đã đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, góp phần thực hiện thu ngân sách năm 2021 vượt kế hoạch đề ra.
Công tác giảm nghèo là một trong các nhiệm vụ trọng tâm được chính quyền quan tâm, thúc đẩy thực hiện. Thời gian qua, việc huy động các nguồn lực từ ngân sách trung ương, địa phương và các nguồn xã hội hóa… địa phương tập trung triển khai các mô hình giảm nghèo, đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhờ đó bộ mặt nông thôn trên địa bàn từng bước thay đổi rõ nét.
Ông Nguyễn Hữu Hồng - Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình |
Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, việc khai thác phát triển kinh tế du lịch trên địa bàn đã có những dấu ấn rõ nét ra sao, thưa ông?
So với các địa phương khác của Quảng Bình, huyện Bố Trạch có lợi thế là nơi hội tụ nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp như: Di sản thiên nhiên Thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, bãi tắm Đá Nhảy, những di tích lịch sử văn hóa có giá trị như phà Xuân Sơn, Đường 20 Quyết Thắng, Hang Tám cô, Cảng Gianh, làng chiến đấu Cự Nẫm… và hệ thống hang động thuộc vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng kỳ vĩ, tráng lệ.
Đây chính là điều kiện để địa phương hình thành và phát triển đa dạng các loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch vui chơi giải trí và du lịch tâm linh… Trong những năm qua, huyện Bố Trạch đã và đang từng bước phát huy tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch, đưa du lịch thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Ngay khi bước vào giai đoạn phục hồi du lịch, kinh tế sau đại dịch Covid-19, chúng tôi đã sớm sẵn sàng chuẩn bị công tác phòng chống dịch, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất; tăng cường các hoạt động quảng bá, đảm bảo an ninh du lịch… Hy vọng rằng, du lịch của địa phương sẽ khởi sắc, phát triển so với trước đây, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Là địa phương có có 4 xã, thị trấn có người dân tộc thiểu số sinh sống, xin ông cho biết đời sống kinh tế xã hội của đồng bào đã có những khởi sắc nào?
Vùng dân tộc miền núi của huyện Bố Trạch có 9 xã, thị trấn miền núi và 2 xã rẻo cao. Trong đó, có 4 xã, thị trấn có người dân tộc thiểu số sinh sống, với hai nhóm dân tộc người chủ yếu là nhóm người Bru - Vân Kiều và Chứt còn lại là một số tộc người Sách, Khùa, Mường, Thái, Trì…
Xác định đây là một địa bàn xung yếu chiến lược có vai trò vị trí về kinh tế - xã hội, nhất là về an ninh biên giới của khu vực này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của toàn huyện. Trong nhiều năm qua, Bố Trạch đã coi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Trong đó trọng tâm là công tác xoá đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, chú trọng đến công tác giáo dục ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Chỉ đạo triển khai thực hiện lồng ghép nhiều chương trình, dự án với nhiều nguồn lực khác nhau để đẩy nhanh tốc độ phát triển của khu vực này.
Đồng thời, địa phương đã tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, phát triển sản xuất chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao dân trí, xoá đói giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội giữa các dân tộc, giữa miền núi và miền xuôi.
Với sự quyết tâm của lãnh đạo chính quyền thời gian qua, vùng dân tộc miền núi huyện Bố Trạch đã có những bước phát triển đột phá. Về kinh tế, xã hội đã có nhiều chuyển biến, điều kiện sản xuất của người dân ngày càng cải thiện, những tiến bộ về trình độ sản xuất được áp dụng vào thực tiễn ngày một nhiều hơn, hiệu quả sản xuất ngày một cao.
Đáng kế, một số mô hình sinh kế như chăn nuôi, trồng sắn … triển khai rất thành công, góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho bà con. Đặc biệt, nhờ hướng dẫn, cầm tay chỉ việc của cán bộ trong lao động, sản xuất nên nhận thức, tư duy làm kinh của bà con nơi đây cũng đã có sự đổi mới rất nhiều.
Bên cạnh đó, hệ thống trường học của một số xã, bản đã phủ 100%; công tác thông tin văn hoá… ngày càng được đáp ứng nhu cầu của nhân dân; quốc phòng an ninh biên giới được tăng cường và giữ vững.
Bố Trạch đang đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch |
Trên cơ sở những thành tựu đạt được, địa phương sẽ tiếp tục các chương trình hành động nào để tiếp tục nâng cao đời sống cho bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn, thưa ông?
Thực tế phải nhìn nhận rằng, dù kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương đã có những khởi sắc, hộ đói nghèo chiếm đa số, nhưng so với trước đây đời sống người dân có phần đỡ hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, so với vùng đồng bằng thì đời sống bà con các vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Bố Trạch vẫn còn rất nhiều khó khăn, vì vậy, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm cải thiện, nâng cao đời sống cho đồng bào.
Trong đó, sắp tới huyện sẽ khởi công hai công trình quan trọng đó là mở rộng Đường 20, đưa điện cao thế vào hai xã Quảng Trạch và Tân Trạch. Điện lưới về kỳ vọng sẽ giúp bà con thúc đẩy sản xuất và mở rộng giao thương.
Đặc biệt, khi Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự các xã biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng miền núi của tỉnh giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030 được triển khai, chúng tôi kỳ vọng kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương sẽ có những khởi sắc mới.
Xin cảm ơn ông!