Bộ Thương mại Hoa Kỳ gia hạn kết luận điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá gỗ dán từ Việt Nam |
Thông tin trên được Ông Ngô Sỹ Hoài- Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, theo đó, đợt thị sát lần này Đoàn kiểm tra của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) sẽ khảo sát cả những những doanh nghiệp làm tốt và doanh nghiệp được cho là trong danh sách “đen”.
Theo đó, đoàn khảo sát của DOC sẽ ở Việt Nam trong khoảng 7-10 ngày. Đoàn sẽ chia làm 2 nhóm để đi khảo sát, kiểm tra tại chỗ các doanh nghiệp theo sự lựa chọn ngẫu nhiên của họ trong tổng số khoảng 40 doanh nghiệp làm tốt và 36 doanh nghiệp trong “danh sách đen” làm chưa tốt mà DOC cho rằng thiếu hợp tác.
Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Đoàn kiểm tra của Bộ Thương mại Hoa Kỳ sang Việt Nam nhằm đi thực địa các doanh nghiệp họ cho là khai báo tốt, có sự hợp tác với họ. Tuy nhiên Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cùng với Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cũng mời họ đi thăm cả doanh nghiệp bị họ liệt vào danh sách “đen”.
“DOC sẽ kiểm tra xem nội dung khai báo của các doanh nghiệp Việt Nam có đúng không, các hồ sơ, chứng từ có chuẩn không, họ xem các nhà máy có thực sự sản xuất không? Nếu họ phát hiện gian lận thuế thì nguy cơ đồ gỗ của Việt Nam sẽ bị áp đặt thuế lên đến 200% với lý do gian lận thương mại hoặc gian dối thuế”, ông Ngô Sỹ Hoài chia sẻ.
Lần này DOC sẽ kiểm tra tại các doanh nghiệp tốt và chưa tốt, doanh nghiệp sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên |
Việc khởi xướng điều tra từ phía DOC thường dựa trên một số các bình luận, các ý kiến phản biện từ các doanh nghiệp Hoa Kỳ về lời khai hoặc phản hồi của doanh nghiệp Việt Nam theo 01 bản câu hỏi về khối lượng và giá trị... rất nhiều câu hỏi được DOC đưa ra và phía doanh nghiệp Việt Nam phải có trách nhiệm trả lời, nếu có ý kiến phản biện, phản hồi từ các bản khai này thì Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ thành lập đoàn kiểm tra để thị sát thực tế để xem các doanh nghiệp Việt Nam có khai báo trung thực không.
Cũng theo ông Hoài cho biết, thời gian qua Hiệp hội đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Tuy nhiên các doanh nghiệp của Việt Nam mới dừng ở quy mô vừa và nhỏ.
“Các doanh nghiệp trong "danh sách đen" có vẻ như khó khăn, có vẻ như nó đã được an bài rồi, trong đó có một số doanh nghiệp thực tế đã giải thể rồi”, cũng theo ông Hoài, “Phải thừa nhận rằng năng lực phòng vệ thương mại của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam còn yếu, không có người am hiểu và thông thạo tiếng anh, kỹ năng về tin học, công nghệ thông tin để có thể xử lý, ứng phó và làm các bản giải trình một cách kịp thời. Nhiều khi chỉ là do lỗi kỹ thuật”.
Ông Hoài lấy ví dụ đơn cử như DOC sử dụng một nền tảng số tự động khai báo và nộp vào đó và nếu mà không thông thạo công nghệ thông tin thì không nộp tờ khai, tờ phản biện của mình được.
“Để giúp doanh nghiệp, thời gian qua chúng tôi đã hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phản biện và đệ trình phản biện đó, tập huấn, hướng dẫn cụ thể, với sự hỗ trợ của Cục Phòng vệ thương mại. Đồng thời, hướng dẫn các Hiệp hội gỗ tại các địa phương làm tờ phản biện có tính chất tập thể, giải thích rõ và cung cấp thông tin cho Cục Phòng vệ thương mại để có giao tiếp, phản hồi với các đối tác của Hoa Kỳ”, ông Hoài cho biết.
Ông Ngô Sỹ Hoài- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam |
Để phục vụ cho đoàn kiểm tra sang vào ngày 16.10 trước đó vài tháng Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng đã có tập huấn cho các doanh nghiệp các kỹ năng khi đón tiếp đoàn thị sát của DOC Hoa Kỳ và những nội dung cần phải khai báo như thế nào? Phải làm những việc gì để chứng minh rằng doanh nghiệp không có né tránh thuế hoặc gian lận thương mại.
“Đoàn khảo sát lần này tập trung vào các doanh nghiệp có sản phẩm gỗ dán cứng và tủ gỗ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên việc khởi xướng điều tra cũng cần phải 1,5-2 năm mới có thể ra được phán quyết cuối cùng, mặc dù vậy các doanh nghiệp gỗ Việt Nam cần phải chuẩn bị sẵn sàng để bất cứ lúc nào cũng phải phản biện, giải trình”, ông Hoài khuyến nghị.
Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng thừa nhận tính chủ động của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam chưa cao. Trong đó có một số doanh nghiệp chủ yếu cùng thuê luật sư nước ngoài, một số doanh nghiệp tự mình giải trình, mỗi cái đều có những hạn chế. Đối với luật sư nước ngoài đôi khi thông tin qua lại giữa hai bên không đầy đủ dẫn đến việc luật sư khai báo chưa kịp thời, đầy đủ nên cũng bị phía DOC đưa vào danh sách các doanh nghiệp không hợp tác tốt. Về cơ bản đối với nhiều doanh nghiệp thiếu kỹ năng phòng vệ thương mại.
Năm 2021 tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ước đạt 14,8 tỷ USD. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường lớn của ngành gỗ Việt Nam, chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Ngược lại, Việt Nam cũng là nước nhập khẩu gỗ từ Mỹ cao thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc. Những năm gần đây, ngành gỗ Việt Nam đối mặt với nhiều biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường Mỹ. Năm 2020, Mỹ khởi xướng điều tra mặt hàng gỗ dán sản xuất tại Việt Nam vì cho rằng có sự lẩn tránh thuế chống bán phá giá, trợ cấp sản xuất. Mỹ đã ra phán quyết sơ bộ, theo đó 36 doanh nghiệp Việt Nam bị coi không hợp tác hoặc không phản hồi đầy đủ, nguy cơ bị áp thuế rất cao trên 200%. Những doanh nghiệp này có thể mất thị trường Mỹ. Cũng với lý do tương tự, gần đây Mỹ tiếp tục khởi xướng điều tra với mặt hàng tủ gỗ của Việt Nam, bao gồm tủ bếp, bàn trang điểm và cấu kiện rời. Trong quyết định khởi xướng điều tra, phía Mỹ đã đưa ra bảng hỏi về khối lượng và giá trị đề nghị doanh nghiệp gỗ Việt Nam trả lời. |