Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu sửa đổi quy định về phí và lệ phí trong quý II/2023 Cấp thiết ban hành Luật Phí và lệ phí Dự thảo Luật phí và lệ phí: Khắc phục tình trạng “Phí chồng lên phí” |
Theo Bộ Tài chính, Luật Phí và lệ phí được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2017. Triển khai thi hành luật, Bộ Tài chính đã phối hợp các bộ, ngành xây dựng trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền 143 văn bản quy phạm pháp luật; trong đó, có Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí và 135 thông tư thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính.
Cụ thể, Nghị định số 120/2016 quy định về: Kê khai, thu, nộp phí, lệ phí; về nguyên tắc xác định tỷ lệ để lại tiền phí thu được; nội dung chi cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí, lệ phí; trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng và đề xuất mức thu phí, lệ phí là cơ sở cho Bộ Tài chính, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh ban hành các văn bản quy định thu phí, lệ phí theo thẩm quyền.
Bộ Tài chính cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện Nghị định số 120 trong thực tiễn tại các địa phương có một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, Luật Phí và lệ phí quy định: Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện phải nộp vào ngân sách nhà nước, trường hợp cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thì được khấu trừ, phần còn lại nộp ngân sách nhà nước.
Nghị định số 120 quy định nguyên tắc quản lý, sử dụng phí, việc xác định số tiền phí được khấu trừ hoặc để lại cho tổ chức thu phí, các nội dung chi từ nguồn phí được để lại (chi thực hiện chế độ tự chủ, chi không thực hiện chế độ tự chủ, chi nhiệm vụ không thường xuyên) và cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động (cơ quan thực hiện cơ chế tài chính tự chủ theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan công an, quốc phòng).
Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện đã có phát sinh vướng mắc về cách hiểu quy định về cơ quan được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí. Có cách hiểu là cơ quan nhà nước thực hiện cơ chế tự chủ (theo quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP của Chính phủ), là cơ quan được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí (được để lại tiền phí thu được). Tuy nhiên, cũng có cách hiểu là các cơ quan nhà nước thực hiện cơ chế tự chủ phải được khoán thu - chi trong dự toán được giao hàng năm...
Bộ Tài chính: Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện phải nộp vào ngân sách |
Bộ Tài chính cho biết, việc sửa nghị định này nhằm quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng; tăng cường quản lý nhà nước và kỷ luật, kỷ cương tài chính; tập trung thống nhất quản lý nguồn ngân sách nhà nước. Đồng thời, chính sách phí, lệ phí đảm bảo đồng bộ với quy định pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật quản lý thuế và pháp luật liên quan; phù hợp với tình hình thực tiễn, kế thừa nội dung quy định còn phù hợp của Nghị định số 120.
Dự thảo nghị định cơ bản kế thừa nội dung tại Nghị định số 120. Để thực hiện chủ trương khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến, căn cứ quy định tại Điều 11 Luật Phí và lệ phí, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 74/2022/TT-BTC quy định về hình thức, thời hạn thu, nộp, kê khai các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Tài chính. Trong đó, quy định cụ thể về hình thức thu, nộp phí, lệ phí: bằng tiền mặt, chuyển khoản, thanh toán thẻ,… Thông tư số 74 không áp dụng đối với các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh.
Tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120 quy định: Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện phải nộp vào ngân sách nhà nước, trường hợp cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thì được khấu trừ theo tỷ lệ xác định quy định tại Điều 5 Nghị định này; phần còn lại (nếu có) nộp ngân sách nhà nước. Cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động bao gồm: Cơ quan nhà nước thực hiện cơ chế tài chính theo quy định của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc sử dụng biên chế và sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước.
Theo Bộ Tài chính, hiện nay, các cơ quan nhà nước đang áp dụng cơ chế tài chính theo quy định tại Nghị định số 130, Nghị định số 117 và một số cơ quan được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng cơ chế tài chính gắn với đặc thù.
Quá trình thực hiện, có một số kiến nghị của địa phương đề nghị quy định rõ cơ quan nhà nước thu phí thuộc diện khoán chi hoạt động (được để lại tiền phí thu được).
Để quy định về cơ quan nhà nước thu phí thuộc diện khoán chi phí hoạt động được rõ ràng hơn, Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120 như sau: Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện phải nộp vào ngân sách nhà nước, trường hợp cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thì được khấu trừ theo tỷ lệ xác định quy định tại Điều 5 nghị định này; phần còn lại (nếu có) nộp ngân sách nhà nước.
Cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí bao gồm: Cơ quan nhà nước thực hiện cơ chế tài chính theo quy định Nghị định số 130, Nghị định số 117 hoặc cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù theo quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; cơ quan công an, quốc phòng được giao cung cấp dịch vụ, phục vụ công việc quản lý nhà nước được thu phí theo quy định của Luật Phí và lệ phí.