Đây là ý kiến được nhiều đại biểu đưa ra tại Hội thảo “Một số vấn đề trong dự thảo Luật phí và lệ phí” do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức sáng nay (10/9), tại Hà Nội.
Theo phân tích tác động một số vấn đề chính sách trong dự thảo Luật của nhóm tác giả PGS.TS Lê Xuân Trường và PGS.TS Vũ Sỹ Cường- Học viện Tài chính, so với Pháp lệnh phí và lệ phí, dự thảo Luật lần này có nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung, trong đó có các điểm mới chủ yếu như: Khái niệm phí đã phản ánh đúng bản chất của các khoản thu; Quy định rõ và phân biệt hai chủ thể “người nộp phí, lệ phí” với “tổ chức thu phí, lệ phí”; về thẩm quyền xác định Danh mục phí và lệ phí mở rộng hơn, giao cho Quốc hội chứ không phải cho Thường vụ Quốc hội như Pháp lệnh….
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, việc nâng cấp từ Pháp lệnh lên Luật xuất phát từ chính thực tiễn khách quan. Theo đó, chính quyền địa phương thì vướng ở một số quy định về việc chưa đủ thẩm quyền, các doanh nghiệp thì chịu nhiều khoản phí với tình trạng “phí chồng lên phí” cộng với năng lực quản lý xã hội ngày càng tốt hơn đòi hòi phải điều chỉnh cũng như xã hội hóa, giảm thiểu áp lực khiến Nhà nước phải “ôm đồm” quá nhiều mà không hiệu quả. Bên cạnh đó, việc nâng từ Pháp lệnh lên Luật thể hiện tính pháp lý cao hơn, công khai, minh bạch hơn; đảm bảo sự đồng bộ của chính sách, pháp luật cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của dân cư. Về cơ bản, dự thảo Luật lần này sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý đầy đủ và toàn diện để điều chỉnh các mối quan hệ về thu ngân sách trong cung cấp và sử dụng dịch vụ công; khắc phục triệt để tình trạng tùy tiện, tự phát trong tổ chức thu phí, lệ phí; đảm bảo lợi ích chính đáng của công dân; mở rộng dân chủ, công khai và công bằng trong thu phí, lệ phí…
Góp ý vào dự thảo Luật lần này, theo PGS.TS Lê Xuân Trường- Trưởng khoa Tại chức- Giảng viên chính Bộ môn thuế- Học viện Tài chính, nên bỏ khỏi danh mục khoản “Lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất” vì đã có “Lệ phí trước bạ” có tính chất thu này. Việc bỏ khoản lệ phí này sẽ giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp và dân cư. Đồng thời, TS. Trường cũng đề nghị nên bỏ Lệ phí phân bổ kho số viễn thông, tài nguyên internet vì đã có phí cấp tên miền địa chỉ sử dụng internet. Ngược lại, TS. Trường đề nghị nên giữ lại học phí bậc học phổ thông trong danh mục phí. Điều này sẽ đảm bảo quyền được học hành của trẻ em, thúc đẩy phổ cập giáo dục phổ thông, đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, nên bổ sung lệ phí quản lý kinh doanh để thay thế cho thuế môn bài để đảm bảo phản ánh đúng bản chất khoản thu.
Lý giải nguyên nhân “đẻ ra nhiều khoản thu” đang tồn tại như hiện nay như: kiểm tra chuồng trại, an toàn thức ăn… PGS.TS Vũ Sỹ Cường- Học viện Tài chính cho biết, Pháp lệnh hiện hành không tính tới sự phát sinh các khoản phí, lệ phí. Thách thức lớn nhất hiện nay của ban soạn thảo là liệt kê chi tiết các khoản thu. Việc rà soát các khoản không hợp lý, hợp lệ để bỏ đi. Phần lớn các khoản phát sinh do chính quyền địa phương, một số đơn vị sự nghiệp công lập ban hành, liên quan tới quyền và nghĩa vụ của người nộp phí và lệ phí. Theo quy định, việc thông qua phải theo Quyết định của HĐND, nhưng phần lớn người dân lại không hỏi rõ về thẩm quyền và quy định, do đó, đây cũng là nguyên nhân khiến cho “lạm thu” gia tăng. “Hy vọng nếu kiểm soát và thống kê được các khoản thu, tình trạng phát sinh nhiều khoản thu chồng chéo sẽ được kiểm soát tốt hơn” – ông Trường cho hay.
Các ý kiến thảo luận tại Hội thảo nhằm đóng góp, bổ sung vào Dự thảo Luật phí và lệ phí dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp 10, Quốc hội khóa XIII sắp tới.
Dự thảo Luật phí và lệ phí đề xuất danh mục phí gồm 51 khoản (36 khoản kế thừa, bổ sung thêm 15 khoản); danh mục lệ phí gồm 39 khoản (kế thừa 30, bổ sung 9 khoản). Trong đó một số loại phí và lệ phí được loại bỏ là: Học phí, viện phí, phí qua đò, phí kiểm định phương tiện vận tải, phí đường bộ qua trạm thu BOT… Về số lượng, dự thảo luật mới đang được Quốc hội cho ý kiến và chuẩn bị thông qua giảm 22 khoản phí và 3 khoản lệ phí. |