Bộ Tài chính phản hồi gì về đề xuất niêm yết giá nước mắm, dầu ăn, thuốc thiết yếu?
Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng vừa gửi kiến nghị đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi quy định công khai thông tin theo hướng sau: đối với các mặt hàng nông sản, không nên bắt buộc niêm yết giá do giá cả biến động theo thị trường, phụ thuộc tình hình giao thông, thời tiết...
Đồng thời, cử tri TP. Hải Phòng đề xuất quy định niêm yết giá, công khai giá đối với các mặt hàng sản xuất có tính định kỳ như nước mắm, dầu ăn... Bên cạnh đó, cần có bảng niêm yết giá công khai các loại thuốc thiết yếu đặt ở cửa hàng thuốc đề người dân dễ dàng nắm được thông tin.
Bộ Tài chính vừa có phản hồi về đề xuất niêm yết giá đối với một số mặt hàng thiết yếu của cử tri Hải Phòng |
Trả lời kiến nghị nêu trên, Bộ Tài chính cho rằng, Đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng đặt ra vấn đề cần có những quy định đặc thù đối với các mặt hàng nông sản, mặt hàng sản xuất, thuốc thiết yếu là phù hợp với thực tiễn và là ý kiến xác đáng giúp cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ về biện pháp niêm yết giá.
Còn theo quy định hiện hành, các địa điểm thực hiện niêm yết giá bao gồm cơ sở sản xuất, kinh doanh (có quầy giao dịch và bán sản phẩm); siêu thị, trung tâm thương mại, chợ theo quy định của pháp luật, cửa hàng, cửa hiệu, ki-ốt, quầy hàng, nơi giao dịch thực hiện việc bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; hội chợ triển lãm có bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các địa điểm khác theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính cho biết thêm, sau 9 năm thực hiện, Luật Giá đã đi vào cuộc sống, đạt được nhiều kết quả tích cực song cũng phát sinh tồn tại, hạn chế và Bộ Tài chính đã tổ chức tổng kết, đánh giá chi tiết vấn đề này.
Trên cơ sở Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022 và phân công của Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng dự án Luật Giá (sửa đổi) nhằm thể chế hóa đầy đủ, đúng chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước.
Trong đó, xác định rõ ranh giới, mức độ, phạm vi, biện pháp điều tiết của Nhà nước đối với thị trường trên cơ sở tôn trọng quy luật thị trường, khắc phục những tác động tiêu cực của thị trường.
Mặt khác, "Luật Giá vẫn phải bảo đảm quyền tự định đoạt, tự do kinh doanh của doanh nghiệp; tiếp tục đổi mới để làm tăng tính cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, tránh can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, nhất là đối tượng yếu thế nhưng không bao cấp", Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Trên cơ sở định hướng đó, tại dự thảo Luật đã cụ thể hóa nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến việc công khai, niêm yết giá cả hàng hóa, dịch vụ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như trách nhiệm doanh nghiệp.
Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) quy định các vấn đề mang tính nguyên tắc đối với các vấn đề về niêm yết giá bao gồm (i) giá niêm yết (ii) hình thức niêm yết giá (iii) trách nhiệm niêm yết giá (iv) quyền của người tiêu dùng nhằm đảm bảo cho việc quy định và triển khai cụ thể biện pháp này.
Dự án Luật Giá (sửa đổi) hiện đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và nhận được nhiều ý kiến tham gia rất chi tiết, xác đáng của các đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ Tài chính hiện đang phối hợp với Ủy ban Tài chính, ngân sách để giải trình tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Luật.
Bộ Tài chính rất mong nhận được các ý kiến tham gia góp ý của cử tri và các đại biểu Quốc hội đề hoàn thiện dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đảm bảo chất lượng, tiến độ, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.