Bộ Tài chính: Đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường từ 500-1.000 đồng/lít xăng, dầu Bộ Tài chính: Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao sẽ trình phương án giảm thuế phù hợp |
Theo đó, đại diện Bộ Tài chính cho biết cơ quan này đã trình Thủ tướng phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với mặt hàng xăng dầu. Đây là đề xuất tiếp theo của cơ quan quản lý tài khóa sau đề xuất giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường nhằm kìm đà tăng của giá xăng dầu trong nước.
Bộ Tài chính đang đề xuất giảm hàng loạt các loại thuế để hạ giá xăng |
Tuy mức giảm cụ thể với 2 sắc thuế này chưa được đưa ra, nhưng việc tiếp tục đề xuất giảm thêm các sắc thuế liên quan xăng dầu cho thấy Bộ Tài chính đang có hành động mạnh mẽ trong việc kiềm chế đà tăng của mặt hàng thiết yếu này.
Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường về mức sàn đối với xăng, dầu. Tuy nhiên, mức giảm thêm 1.000 đồng (xăng), 500 đồng (dầu), theo các chuyên gia, vẫn quá ít và không còn mấy tác dụng như đợt giảm thuế cách đây 3 tháng. Do đó, theo chuyên gia, việc giảm thêm các loại thuế khác như tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng (VAT) là cần thiết lúc này.
Sau khi được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Tài chính sẽ trình phương án giảm thuế này lên các thành viên của Chính phủ.
Hiện giá bán lẻ xăng dầu trong nước đang gánh 4 loại thuế chính, gồm thuế nhập khẩu (10%); thuế tiêu thụ đặc biệt (8-10% với xăng); thuế bảo vệ môi trường (2.000 đồng/lít với xăng, 1.000 đồng/lít với dầu) và thuế VAT (10%).
Bên cạnh đó, giá bán lẻ mặt hàng này còn có lợi nhuận định mức 300 đồng/lít và chi phí định mức 1.050-1.250 đồng/lít xăng, 600-950 đồng/lít dầu.
Như vậy, đề xuất mới của Bộ Tài chính nếu được thông qua, đồng nghĩa với việc 3/4 sắc thuế chính đang đánh vào xăng dầu sẽ được điều chỉnh giảm.
Theo quy trình, dự thảo Nghị định giảm thuế phải xin ý kiến các bộ, ngành và sự thẩm định của Bộ Tư pháp. Sau khi tiếp thu, giải trình ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính sẽ trình xin ý kiến Chính phủ. Giảm thuế là giải pháp cần được làm nhanh nên thường được thực hiện theo trình tự rút gọn, việc lấy ý kiến các bên có thể chỉ mất 3-5 ngày. Còn thời hạn thẩm định, thẩm tra là 7 ngày (giảm 8 ngày so với thông thường). Như vậy, thời gian lấy ý kiến và thẩm định dự thảo nghị định giảm thuế theo thủ tục rút gọn kéo dài từ 7 tới 27 ngày.
Tuy chưa công bố phương án cụ thể song đây cũng là động thái ghi nhận hành động quyết liệt hơn của Bộ Tài chính để hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước.