Khoáng sản trước khi khai thác là tài sản quốc gia do Nhà nước quản lý. Sau khi khai thác một các hợp pháp thì doanh nghiệp có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với tài sản đó... Đối với khoáng sản, quản lý Nhà nước cần chú trọng là ở khâu kiểm soát, ngăn chặn khai thác và kinh doanh trái phép. Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Kinh nghiệm quản lý các loại tài nguyên của nhiều quốc gia cho thấy, một trong các biện pháp hiệu quả để chống lại việc khai thác trái phép là kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc tài nguyên trong các giai đoạn vận chuyển, buôn bán và sử dụng. Việc quản lý nguồn gốc xuất xứ, truy xuất hồ sơ khoáng sản rất quan trọng để quản lý hoạt động khai thác tài nguyên và chống khai thác trái phép, xuất khẩu lậu khoáng sản.
Khai thác than. Ảnh minh họa |
Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, một số Đại biểu phản ánh, cử tri đánh giá hệ thống pháp luật quản lý khoáng sản còn chưa đầy đủ, Bộ Công Thương cần phải sớm ban hành bổ sung các qui định kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ khoáng sản được đưa vào chế biến, sản xuất, vận chuyển, lưu trữ và kinh doanh hợp pháp nhằm phân biệt với khoáng sản được khai thác, vận chuyển, xuất khẩu trái phép (không có giấy phép hoặc vượt sản lượng nộp thuế).
Rà soát các qui định liên quan đến vấn đề này, Thông tư số 12/2016/TT-BCT, ngày 05/7/2016 của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 41/2012/TT-BCT về xuất khẩu khoáng sản cho thấy, các qui định về truy xuất nguồn gốc khoáng sản khi xuất khẩu là khá đầy đủ và chặt chẽ. Trong đó, khoáng sản được phép xuất khẩu phải đáp ứng đồng thời các điều kiện: Thứ nhất, phải có tên trong danh mục và đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng. Thứ hai, có nguồn gốc hợp pháp thuộc các trường hợp: Khoáng sản được khai thác, chế biến từ các mỏ, điểm mỏ có giấy phép khai thác, giấy phép khai thác tận thu còn hiệu lực do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp; khoáng sản nhập khẩu có xác nhận của cơ quan hải quan cửa khẩu nhập khẩu thể hiện tại tờ khai hàng hóa khoáng sản nhập khẩu; khoáng sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tịch thu, phát mại.
Khoáng sản xuất khẩu có nguồn gốc từ tịch thu, phát mại phải có hóa đơn bán tài sản tịch thu, sung công quỹ, phiếu xuất kho, biên bản bàn giao tài sản vi phạm hành chính bị tịch thu bán đấu giá. Đối với sản phẩm khoáng sản đã qua chế biến từ các nguồn khoáng sản hợp pháp phải phù hợp với công nghệ chế biến của cơ sở chế biến. Đối với khoáng sản xuất khẩu trong thành phần chứa thori, urani bằng hoặc lớn hơn 0,05% tính theo trọng lượng, ngoài việc phải đảm bảo các điều kiện đã nêu còn phải có giấy phép xuất khẩu vật liệu phóng xạ của Bộ Khoa học Công nghệ theo quy định của Luật Năng lượng nguyên tử.
Thông tư số 12/2016/TT-BCT cũng đã quy định khi xuất khẩu khoáng sản thì tổ chức, cá nhân phải xuất trình cho cơ quan hải quan hồ sơ chứng minh nguồn gốc khoáng sản hợp pháp, bao gồm:
Hồ sơ chứng minh nguồn gốc hợp pháp (bản sao có chứng thực theo quy định) nộp cho cơ quan hải quan, gồm có giấy phép khai thác hoặc giấy phép khai thác tận thu. Tờ khai hàng hóa khoáng sản nhập khẩu đối với trường hợp nhập khẩu. Chứng từ mua khoáng sản tịch thu, phát mại theo quy định đối với trường hợp mua khoáng sản phát mại. Chứng từ mua khoáng sản để chế biến (hợp đồng mua khoáng sản, hóa đơn giá trị gia tăng) kèm theo giấy phép khai thác hoặc giấy phép khai thác tận thu, hoặc tờ khai hàng hóa khoáng sản nhập khẩu hoặc chứng từ mua khoáng sản tịch thu, phát mại của bên bán. Bản mô tả quy trình chế biến, tỷ lệ sản phẩm thu hồi sau chế biến đối với trường hợp mua khoáng sản để chế biến. Chứng từ mua khoáng sản (hợp đồng mua khoáng sản, hóa đơn giá trị gia tăng) kèm theo giấy phép khai thác, hoặc giấy phép khai thác tận thu, hoặc tờ khai hàng hóa khoáng sản nhập khẩu, hoặc chứng từ mua khoáng sản tịch thu, phát mại của bên bán đối với trường hợp kinh doanh thương mại.
Tuy nhiên, các quy định trên đối với hàng hóa là khoáng sản khi xuất khẩu, còn hàng hóa là khoáng sản lưu thông trên thị trường nội địa (khoáng sản được đưa vào chế biến, vận chuyển, lưu trữ và kinh doanh) đến nay chưa có quy định cụ thể. Được biết, vấn đề này đã được Bộ Công Thương đề xuất trong Dự thảo “Nghị định về quản lý hoạt động khai thác và kinh doanh khoáng sản”, trình Chính phủ từ năm 2017, nhưng do nội dung có nhiều vấn đề liên quan đến các Luật và Nghị định khác đang trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận đưa Dự thảo “Nghị định về quản lý hoạt động khai thác và kinh doanh khoáng sản” ra khỏi chương trình xây dựng pháp luật cho đến nay.
Để quản lý chặt chẽ khoáng sản, Bộ Công Thương biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để xây dựng, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết việc xác định nguồn gốc xuất xứ đối với khoáng sản lưu thông trên thị trường nội địa trong thời gian tới.