Thiếu trang bị bảo hộ lao động; môi trường làm việc chưa đảm bảo… là tình trạng khá phổ biến tại các làng nghề |
Đã có hành lang pháp lý nhưng thực hiện chưa nghiêm
Với trên 5 nghìn làng nghề; thu hút hơn 11 triệu lao động, trong đó có khoảng 30% lực lượng lao động ở khu vực nông thôn… các làng nghề trong cả nước đã khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân.
Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các làng nghề, trong đó có các chính sách về đảm bảo an toàn lao động, giảm thiểu tai nạn lao động, đảm bảo quyền lợi cho người lao động làm việc tại các làng nghề.
Theo đó, Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 (có hiệu lực từ 1/7/2016) đã dành gần 10 Điều quy định về nội dung này với mực tiêu đảm bảo môi trường làm việc an toàn, vệ sinh, không gây tổn hại sức khỏe của người lao động.
Cùng đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật cũng có nhiều quy định cụ thể để bảo đảm an toàn cho người lao động khu vực phi chính thức này, trong đó có những quy định cụ thể về việc người lao động có quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khoẻ của mình. Song hành, các quy định này cũng bắt buộc người lao động có nghĩa vụ tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh lao động và nội quy lao động.
Bên cạnh những quy định pháp luật bảo vệ sức khỏe của người lao động, Nhà nước quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị bệnh nghề nghiệp, bị tai nạn lao động. Theo đó, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm đảm bảo môi trường làm việc an toàn; trang bị bảo hộ lao động; thực hiện đầy đủ các chế độ để đảm bảo người lao động được làm việc trong môi trường an toàn.
Đặc biệt, hệ thống văn bản pháp luật còn quy định từ việc sơ cứu, điều trị, trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động, bị bệnh nghề nghiệp, đến việc bố trí công việc phù hợp với sức khỏe của người lao động sau khi đã được điều trị...
Dù các quy định là như vậy, song trên thực tế, việc tuân thủ còn rất hạn chế. Một nghiên cứu của Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện gần đây cho thấy, có 72% làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ, khó kiểm soát, chủ yếu là quy mô hộ gia đình, mặt bằng sản xuất chật hẹp, xen kẽ với khu vực sinh hoạt. Quy trình sản xuất thô sơ, tiêu hao năng lượng lớn, tận dụng nhiều sức lao động trình độ thấp. Đáng lo ngại, hầu hết các địa phương chưa chú trọng việc quản lý và bảo vệ môi trường làng nghề.
Trong khi đó, kết quả từ nhiều báo cáo và các cuộc khảo sát tại nhiều làng nghề trong cả nước cho thấy, để tiết kiệm chi phí, tối đa hóa lợi nhuận, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh không quan tâm đến việc thực hiện các quy định về bảo đảm sức khỏe cho người lao động.
Điển hình như kết quả khảo sát về an toàn vệ sinh lao động tại 5 làng nghề của 2 tỉnh Hưng Yên và Phú Thọ do Cục An toàn lao động (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố cuối năm 2017 cho thấy, môi trường lao động chật hẹp, tình trạng ô nhiễm còn nhiều; người lao động hầu như không được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; chưa được huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động, thiếu kiến thức về lĩnh vực này.
Hơn thế, phần lớn cơ sở sản xuất ở làng nghề có quy mô nhỏ, thường đặt tại gia đình trong khi người lao động chủ yếu làm việc bằng kinh nghiệm, truyền nghề cho nhau, chưa mang tính chuyên nghiệp, không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Việc trang bị bảo hộ lao động ở nhiều cơ sở mang tính đối phó, chủ sử dụng lao động không ký hợp đồng mà chỉ thỏa thuận miệng và không thực hiện thống kê các vụ việc tai nạn báo cáo cơ quan chức năng. Do đó, khi tai nạn xảy ra, thiệt thòi lớn nhất chính là người lao động và gia đình họ.
Để quy định pháp luật đi vào cuộc sống
Theo các chuyên gia, để đảm bảo an toàn lao động tại các làng nghề, nhất là tại khu vực nông thôn, miền núi cần có sự vào cuộc từ nhiều phía. Tuy nhiên, mấu chốt vẫn phải từ nhận thức, ý thức và trách nhiệm tự thân của người lao động và người sử dụng lao động trên cơ sở thực hiện đúng những quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động và hệ thống văn bản quy phạm pháp quy hiện hành.
Và để đạt được yêu cầu này, việc tăng cường công tác giáo dục về pháp luật lao động, pháp luật về an toàn vệ sinh lao động cho cả người sử dụng lao động và người lao động ở các làng nghề để giúp họ hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động cũng như nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của họ là yêu cầu cấp thiết.
Lưu ý rằng, Luật An toàn vệ sinh lao động đã quy định mở rộng đối tượng đảm bảo an toàn lao động khu vực phi chính thức. Do đó, các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội liên quan cần quan tâm hơn đến việc xây dựng tài liệu tập huấn và mở rộng các lớp tập huấn tại các làng nghề. Trong đó tập trung vào việc hướng dẫn đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường lao động, tập trung vào các mô hình làng nghề đã thực hiện điểm về an toàn lao động; tập trung đảm bảo an toàn lao động ở các khâu liên quan đến điện, phòng chống cháy nổ, hóa chất.
Cùng đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh lao động ở các làng nghề.
Một giải pháp được cho là có tính bền vững, lâu dài cho vấn đề này, theo các chuyên gia, là cần có các chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn nữa cho các làng nghề, từ vấn đề đất đai, vốn, trang thiết bị, máy móc… đến việc áp dụng các bản quy tắc ứng xử đã được nhiều doanh nghiệp áp dụng như: SA 8000 (tiêu chuẩn về quản lý lao động); OHSAS 18001:2007 (hệ thống tiêu chuẩn quản lý về sức khỏe và an toàn quốc tế)... mới có thể giúp cho các làng nghề vừa tăng cường được chất lượng sản phẩm, vừa góp phần xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, tiến bộ, đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh lao động.