Tăng lương tối thiểu vùng: Hỗ trợ giảm áp lực cho doanh nghiệp |
Triển khai quy định tăng lương tối thiểu tại Điều 91 của Bộ luật Lao động, ngày 20/5, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã gửi văn bản xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương dự thảo Tờ trình và Nghị định của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Với quy định lương tối thiểu giờ lần đầu tiên được áp dụng, việc trả lương cho người lao động làm việc theo giờ sẽ căn cứ trên mức lương tối thiểu giờ. |
Theo đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng: vùng I là 4.680.000 đồng/tháng; vùng II là 4.160.000 đồng/tháng; vùng III là 3.640.000 đồng/tháng và vùng IV là 3.250.000 đồng/tháng. Tương ứng tăng bình quân 6% (từ 180.000 đồng-260.000 đồng) so mức lương tối thiểu hiện hành.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đề nghị thời điểm thực hiện tăng lương tối thiểu là từ ngày 1/7/2022 như Hội đồng Tiền lương quốc gia đã khuyến nghị với Chính phủ.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, việc xác định mức điều chỉnh lương tối thiểu nêu trên dựa trên cơ sở tăng 5,3% để bảo đảm đủ mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ và tăng thêm 0,7% để cải thiện thêm tiền lương cho người lao động.
Về mức lương tối thiểu giờ, lần đầu tiên Việt Nam có quy định lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ. Mức lương này được xác định dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của Bộ luật Lao động.
Đây cũng là cách xác định mức lương tối thiểu giờ được áp dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới và được các chuyên gia thuộc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khuyến nghị cho Việt Nam áp dụng.