Những ngày gần đây, trên mạng xã hội lan truyền nhiều thông tin liên quan đến việc Thượng tọa Thích Chân Quang tốt nghiệp cử nhân Luật hệ tại chức năm 2019, thế nhưng năm 2021 đã bảo vệ thành công Luận án tiến sỹ Luật, cùng tại Trường Đại học Luật Hà Nội.
Tìm hiểu của Báo Công Thương cho thấy, Hội đồng đánh giá Luận án tiến sĩ (cấp Trường) về đề tài: 'Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam” của nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang) gồm 7 thành viên.
Trong đó, PGS.TS Tô Văn Hòa - làm Chủ tịch (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội), TS. Trần Thị Hiền - Thư ký, GS. TS Hoàng Thị Kim Quế - Phản biện 1, PGS.TS Tưởng Duy Kiên - Phản biện 2, PGS.TS Hoàng Văn Tú - Phản biện 3, TS. Đoàn Thị Tố Uyên - Ủy viên, GS.TS Phạm Hồng Thái - Ủy viên.
Luận án Tiến sĩ của Thượng tọa Thích Chân Quang đã được toàn bộ 07 thành viên (100%) Hội đồng đánh giá bỏ phiếu tán thành.
Thượng tọa Thích Chân Quang (thứ 2 từ phải sang) nhận Bằng tiến sỹ Luật vào tháng 4/2022 (Ảnh: Cổng TTĐT GHPG Việt Nam). |
Nghị quyết của Hội đồng đánh giá luận án Tiến sĩ cấp trường của nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang) ngày 9/12/2021 đã có nhiều nhận xét tốt về Luận án này.
Trong đó, đánh giá Luận án đã góp phần bổ sung làm sâu sắc hơn khía cạnh lý luận về nghĩa vụ con người. Nổi bật là làm rõ các nội dung khái niệm, bản chất, vai trò của nghĩa vụ con người đối với sự phát triển của xã hội.
Các vấn đề lý luận được tác giả Luận án xây dựng với quan điểm khoa học có dấu ấn cá nhân. Luận án đã phân tích lập luận về nghĩa vụ con người phải xuất phát từ nền tảng đạo đức căn bản.
Ở mức độ nhất định, Luận án đã đánh giá được cơ bản thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về nghĩa vụ con người, chỉ ra được những điểm hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế trong pháp luật về nghĩa vụ con người.
Đặc biệt, Nghị quyết của Hội đồng đánh giá Luận án cho biết, Luận án này có ý tưởng đột phá, táo bạo khi đề xuất Dự thảo Tuyên ngôn toàn cầu về nghĩa vụ con người. Đây là Luận án có giá trị nhân văn vượt khỏi khuôn khổ nghiên cứu thuần túy lý luận và luật học về nghĩa vụ con người.
Luận án đã có sự so sánh, đối chiếu pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam về nghĩa vụ con người. Đây là cơ sở để rút ra những nhận định có giá trị để đưa ra các đề xuất hoàn thiện pháp luật về nghĩa vụ con người trong pháp luật Việt Nam.
Nghị quyết của Hội đồng đánh giá Luận án tiến sỹ cấp trường của nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang). |
Đồng thời đánh giá, đây là một Luận án được phân tích nhuần nhuyễn từ các khía cạnh luật học, triết học, chính trị, đạo đức và phật học cho ra kết quả nghiên cứu thuyết phục, có độ tin cậy cao.
Về ý nghĩa về lý luận, thực tiễn và những đề nghị sử dụng các kết quả nghiên cứu của Luận án, Hội đồng đánh giá cho rằng, Luận án đã mở một hướng nghiên cứu mới, hướng tiếp cận liên ngành đề nghiên cứu về nghĩa vụ con người. Hướng tiếp cận này cho thấy sự cần thiết đặt vấn đề nghiên cứu về nghĩa vụ con người một cách toàn diện.
Tuy nhiên, theo Hội đồng đánh giá, Luận án còn những thiếu sót về nội dung và hình thức. Trong đó, về hình thức còn lỗi fonte chữ, viết hoa không tuân theo quy tắc viết hoa trong tiếng Việt; Luận án có số trang nhiều hơn quy định. Về nội dung, phần nghĩa vụ con người được phân tích tương đối dàn trải, chưa thực sự tập trung phân tích nghĩa vụ con người từ góc độ pháp luật.
Bên cạnh đó, nhận định “Quốc gia nào có vi phạm nghĩa vụ quốc tế thì sẽ bị cộng đồng quốc tế lên án và áp dụng các biện pháp trừng phạt” của Luận án bị Hội đồng đánh giá chưa chính xác, không có lập luận thuyết phục.
Dù vậy, Hội đồng vẫn đánh giá Luận án đáp ứng tốt yêu cầu của một Luận án Tiến sĩ luật học; Luận án có tính mới, các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến nội dung nghiên cứu của đề tài được phân tích thấu đáo; các giải pháp mà Luận án đưa ra có giá trị tham khảo về khía cạnh lý luận và thực tiễn.
Chiều 24/6, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, một lãnh đạo Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, đã nắm được thông tin về Thượng tọa Thích Chân Quang đang gây xôn xao dư luận. Theo vị lãnh đạo Trường Đại học Luật Hà Nội, Thượng tọa Thích Chân Quang là người học hành nghiêm túc, chăm chỉ và trong các quá trình đều đảm bảo đúng quy định. "Trường Đại học Luật Hà Nội là cơ sở đào tạo uy tín nên không có việc như thông tin đồn thổi trên mạng xã hội. Tất cả mọi thứ đều đúng quy trình và quy định. Người nào đăng tin vu khống, xúc phạm khi cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ thì người đó phải chịu trách nhiệm", vị đại diện này nói. Đại diện Trường Đại học Luật Hà Nội khẳng định quá trình đào tạo, công nhận trình độ tiến sĩ cho nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang) đã được thực hiện đúng, đầy đủ các bước theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. |
Ngày 19/6, Thượng tọa Thích Phước Nguyên, Phó Tổng Thư ký Hội đồng trị sự, Chánh Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã ấn ký thông báo kỷ luật đối với Thượng tọa Thích Chân Quang, Trụ trì Thiền tôn Phật Quang (thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu). Theo đó, Thượng tọa Thích Chân Quang bị kỷ luật, yêu cầu không được thuyết giảng dưới mọi hình thức, không chủ trì tổ chức các sự kiện tập trung đông người tại Thiền tôn Phật Quang và các địa điểm khác trong thời gian 2 năm. Thiền tôn Phật Quang và Thượng tọa Thích Chân Quang phải thu hồi tất cả Phái Quy y Tam bảo có nội dung tự sửa 1 trong 5 giới không đúng với Ngũ giới do Đức Phật chế trong giới luật Phật giáo; gỡ bỏ tất cả các bài giảng có nội dung gây hoang mang xã hội. Theo xác nhận của Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến nay Thượng tọa Thích Chân Quang không còn tham gia các ban ngành của Trung ương Giáo hội cũng như Ban Trị sự địa phương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. |