Bộ Công Thương tiếp nhận Báo cáo nghiên cứu của Na Uy về chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi Làm gì để mục tiêu xanh hóa ngành ô tô ‘cán đích’? Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch giảm nhẹ khí nhà kính |
Sử dụng năng lượng hiệu quả góp phần giảm phát thải khí nhà kính
Nghị quyết số 24-NQ/TW là một trong các chủ trương, chính sách quan trọng liên quan đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính (KNK) đã được ban hành từ năm 2013. Trong hơn 10 năm qua, đối với lĩnh vực năng lượng là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất về lượng phát thải KNK đã có nhiều hoạt động nâng cao hiệu quả sử dụng và tiết kiệm năng lượng, giảm tổn thất truyền tải, phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo (NLTT) đóng góp đáng kể cho giảm phát thải KNK.
Nhằm giảm phát thải khí nhà kính nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và khuyến khích người tiêu dùng sử dụng năng lượng xanh đã được Bộ Công Thương triển khai (Ảnh: Thu Hường) |
Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam tuyên bố “sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải KNK mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, nhằm đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”. Để đạt mục tiêu này, Việt Nam đã xây dựng các kịch bản, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp đối với từng lĩnh vực cụ thể trong đóng góp mức độ giảm phát thải KNK theo từng giai đoạn, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Theo tính toán trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) đến năm 2050 và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2022, kịch bản phát thải KNK của lĩnh vực năng lượng lên tới 678,4 triệu tấn CO2 tương đương, chiếm tới 73% tổng phát thải KNK quốc gia vào năm 2030 và lên tới 1210,3 triệu tấn CO2 tương đương, chiếm tới 79,7% tổng phát thải quốc gia vào năm 2050.
Như vậy, phát thải từ năng lượng giữ tỷ trọng lớn trong tổng lượng phát thải quốc gia và đóng vai trò quyết định trong việc thực hiện các mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam trong tương lai. Đặc biệt, với tuyên bố tại Hội nghị COP26, khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc chung tay cùng cộng đồng quốc tế thực hiện giảm nhẹ BĐKH toàn cầu theo Thỏa thuận Paris về BĐKH.
Theo Bộ Công Thương, để cụ thể hóa chủ trương của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển năng lượng bền vững, ứng phó với BĐKH, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Bộ Công Thương đã ban hành và triển khai nhiều kế hoạch, đề án, chương trình giảm phát thải KNK như Chương trình quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; quy định bắt buộc về định mức tiêu hao năng lượng, phát triển nhiên liệu sinh học - xăng E5; các chính sách hỗ trợ phát triển NLTT; Kế hoạch hành động thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Đặc biệt, Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh của ngành Công Thương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định ứng phó với BĐKH là nhiệm vụ quan trọng của ngành, lấy thích ứng với BĐKH là nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài, thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” là cơ hội để phát triển theo hướng các-bon thấp phù hợp với điều kiện quốc gia và xu hướng quốc tế.
Và gần đây nhất vào 30/9/2024, Bộ Công Thương vừa ban hành Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng và quá trình công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Tại Kế hoạch này, Bộ Công Thương đã đưa ra những nhóm biện pháp, giải pháp cụ thể nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sử dụng các công nghệ, các hóa chất thay thế, chuyển đổi năng lượng… đảm bảo phát triển xanh, giảm phát thải khí nhà kính.
Đặc biệt, các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với BĐKH phải được lồng ghép trong mọi chương trình, kế hoạch, chiến lược phát triển ngành Công Thương nhằm đảm bảo sự thích ứng linh hoạt với các tác động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn do BĐKH gây ra, đảm bảo cho sự phát triển, tăng trưởng ổn định của ngành, hạn chế tối đa các thiệt hại do thiên tai, bão lũ, các tác động do thời tiết, khí hậu cực đoan.
Theo Quy hoạch điện VIII định hướng phát triển 2 trung tâm năng lượng tái tạo, trên cơ sở đó Bộ Công Thương đang nghiên cứu, xây dựng đề án dựa vào tiềm năng của các địa phương để trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.
Tăng cường các giải pháp chuyển đổi năng lượng, công nghệ
Đối với công tác triển khai nhóm Công nghệ- năng lượng trong khuôn khổ JETP, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 2520/QĐ-BCT ngày 2/10/2023 về việc thành lập Nhóm Công nghệ và Năng lượng hỗ trợ triển khai thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, qua đó Nhóm đã thành lập 09 tiểu nhóm gồm: Điện gió ngoài khơi, Trung tâm công nghiệp dịch vụ năng lượng tái tạo, Hệ thống lưu trữ năng lượng, Lưới điện thông minh, Chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện than, Đào tạo, nâng cao năng lực, Hydrogen, Hiệu quả năng lượng và Tổng hợp.
Cũng theo Bộ Công Thương, chỉ tính riêng trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2024, Bộ Công Thương đã chủ trì, tổ chức 04 Phiên họp với các Đối tác quốc tế triển khai Nhóm Công nghệ và Năng lượng. Gặp là làm việc nhiều lần với Đại sứ các nước G7, EU tham gia JETP. Các đối tác tham gia Phiên họp bao gồm đại diện Đại sứ quán các nước: Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Phái đoàn Liên minh Châu Âu, Na Uy, Nhật Bản, Canada, Đan Mạch, CHLB Đức, Pháp; các tổ chức quốc tế: Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ), Cơ quan Thương mại Hoa Kỳ (USAID), Chương trình Phát triển liên hợp quốc (UNDP), Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM), Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Liên minh Năng lượng toàn cầu vì Con người và Hành tinh (GEAPP); các tổ chức tài chính bao gồm: Liên minh tài chính Glassgow vì Net zero (GFANZ), Ngân hàng Phát triển Châu Á…
Đến nay, trên cơ sở kết quả trao đổi, làm việc với các đối tác quốc tế, Bộ Công Thương đã xác định danh mục 27 dự án ưu tiên triển khai JETP bắt đầu từ năm 2024 và đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp (theo Công văn số 7659/BCT-ĐL ngày 30 tháng 9 năm 2024), thời gian tới Bộ Công Thương tiếp tục làm việc với các đối tác JETP để xác định các danh mục dự án tiếp theo.
Nhằm triển khai hiệu quả Nhóm Công nghệ và Năng lượng, đồng thời thúc đẩy sự tham gia, phối hợp tích cực của các đối tác quốc tế và các bên liên quan, Bộ Công Thương đã làm việc song phương với các đối tác, tổ chức quốc nhằm trao đổi với phía đối tác về cập nhật các nhiệm vụ ưu tiên của Bộ Công Thương trong khuôn khổ JETP, tìm hiểu về cách thức huy động nguồn vốn từ phía đối tác theo cam kết, đồng thời chia sẻ, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn mà các bên đang gặp phải trong quá trình triển khai công việc.
Bộ cũng đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Tuyên bố về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch. Để thực hiện nội dung này, Cục Điện lực đã hoàn thiện dự thảo Tờ trình của Bộ Công Thương và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo các ý kiến góp ý của các Bộ, Ngành, địa phương… đến ngày 25/9/2024 Cục Điện lực đã hoàn thiện và trình Lãnh đạo Bộ kèm theo Báo cáo số 124/ĐL-KH&QH để Lãnh đạo Bộ xem xét trình Thủ tướng Chính phủ Ban hành Kế hoạch thực hiện Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.
Đồng thời đối với Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Cục Điện lực đã bám sát 06 chính sách đã được Chính phủ thông qua và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Tờ trình số 82/TTr-CP ngày 05 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và không bổ sung chính sách mới. Trong đó, dự án Luật đã bổ sung chương III về chính sách Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành quy định khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời phân tán/áp mái.
Trong thực thi nhiệm vụ phát triển ngành công nghiệp ô tô điện hóa tại Việt Nam Bộ Công Thương đã có Tờ trình số 790/TTr-BCT và Báo cáo số 789/BC-BCT ngày 06/10/2023 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về lộ trình và chính sách ưu tiên phát triển ngành công nghiệp ô tô điện hóa tại Việt Nam, trong đó kiến nghị 03 nhóm chính sách để thúc đẩy phát triển ô tô điện tại Việt Nam, bao gồm: Nhóm chính sách ưu đãi khuyến khích sản xuất, lắp ráp ô tô điện; Nhóm chính sách khuyến khích, hỗ trợ người sử dụng xe điện; Chính sách phát triển hạ tầng trạm sạc cho xe điện.
Trạm hoán đổi Pin xe điện 2 bánh đầu tiên tại Đà Nẵng được Bộ Công Thương và USAID hỗ trợ trong khuôn khổ “Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II” (Ảnh: Thu Hường) |
Đồng thời, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương trong việc phát triển ô tô điện tại Việt Nam, cụ thể:
Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các Bộ, địa phương liên quan tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động sản xuất, nhập khẩu, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng năng lượng xanh (bao gồm cả chính sách hỗ trợ đầu tư các trạm sạc điện, hỗ trợ chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện giao thông xanh…).
Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, tài chính nhằm khuyến khích sản xuất, lắp ráp ô tô điện cũng như khuyến khích, hỗ trợ người sử dụng xe điện tại Việt Nam.
Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và ban hành chuẩn kỹ thuật quốc gia về trụ sạc xe điện (an toàn kỹ thuật vận hành, khai thác trụ sạc xe điện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch, mua bán điện giữa đơn vị sở hữu trụ sạc và khách hàng…).
Bộ Xây dựng nghiên cứu, ban hành, sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhà chung cư, trung tâm thương mại, trong đó quy định các tiêu chuẩn về hệ thống sạc điện cho phương tiện giao thông; xây dựng và ban hành hướng dẫn bổ sung nội dung về hạ tầng trạm sạc trong các quy hoạch phát triển đô thị, đặc biệt là các khu dân cư, khu thương mại, khu công cộng tại các thành phố lớn, đồng thời hướng dẫn các địa phương triển khai theo thẩm quyền.
Bộ Công Thương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện; trong đó cần nghiên cứu, đề xuất và đánh giá tác động của cơ chế hỗ trợ giá điện đối với trạm sạc điện phục vụ phương tiện giao thông xanh.
Ngoài ra, các Bộ: Giao thông vận tải, Công Thương, Xây dựng và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan rà soát các quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh, bổ sung và có chính sách phát triển giao thông xanh, nhất là chính sách đầu tư phát triển hạ tầng giao thông xanh (trong đó có hạ tầng trạm sạc điện và nguồn cung cấp điện), đáp ứng lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các bon và khí mê tan của ngành giao thông vận tải.
Hoàn thiện thể chế, chính sách
Để tạo thông thoáng cho các hoạt động phát triển năng lượng tái tạo theo đúng chủ trương của Đảng và định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Công Thương đã báo cáo cấp có thẩm quyền về những hoạt động bất cập, đề xuất sửa đổi các quy định hiện hành.
Theo đó, đối với vấn đề chung về phát triển điện điện Năng lượng tái tạo, điện Năng lượng mới, Bộ Công Thương đã hoàn thành xây dựng dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), trong đó có chính sách phát triển về điện Năng lượng tái tạo, điện Năng lượng mới. Dự thảo Luật đã được Chính phủ thống nhất và trình Quốc hội để xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Sử dụng các phương tiện giao thông xanh sẽ góp phần giảm phát thải khí nhà kính (Ảnh minh họa: Thu Hường) |
Đối với điện mặt trời mái nhà, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ hồ sơ xây dựng nghị định Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu tại Tờ trình số 4135/TTr-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2024. Sau nhiều lần chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, ngày 29 tháng 9 năm 2024, Bộ Công Thương đã có Báo cáo số 248/BC-BCT báo cáo Chính phủ và kèm theo Dự thảo quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt;
Đối với điện gió ngoài khơi: Bộ Công Thương đã có Văn bản số 9323/BCT-ĐL ngày 29 tháng 12 năm 2023, các Báo cáo số 181/BC-BCT ngày 15 tháng 7 năm 2024, số 206/BC-BCT ngày 13 tháng 8 năm 2024, số 221/BC-BCT ngày 04 tháng 9 năm 2024 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ về các khó khăn, vướng mắc của pháp luật trong quá trình phát triển điện gió ngoài khơi. Một số khó khăn nêu trong các báo cáo, Bộ Công Thương đã đề xuất, kiến nghị trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).
Liên quan đến triển khai các nhiệm vụ giải pháp ứng phó với Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon của EU (CBAM-EU), ngày 29/7/2024, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Chính phủ một số nội dung về Cơ chế CBAM. Tại công văn số 6082/VPCP-NN ngày 24 tháng 8 năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã phê duyệt các kiến nghị của Bộ Công Thương để triển khai các giải pháp ứng phó với cơ chế CBAM.
Hiện tại, Vụ Chính sách Thương mại đa biên đang xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ liên quan đến CBAM của EU theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Trước mắt, Bộ Công Thương đang thực hiện một số hoạt động tuyên truyền, phổ biến CBAM đến các doanh nghiệp, ngành hàng thuộc diện điều chỉnh của CBAM. Trong thời gian tới, có thể đưa nội dung CBAM vào một trong các vấn đề thảo luận tại Ủy ban Thương mại và Phát triển bền vững trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) dự kiến tổ chức vào tháng 11/2024.