Phương pháp và cách thức xây dựng Bộ chỉ số FTA Index như thế nào? Bộ chỉ FTA Index có lộ trình thực hiện như thế nào? |
Từ kết quả khảo sát thu thập được, Bộ Công Thương đã thử nghiệm xây dựng mô hình tính toán Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do hàng năm của các địa phương (FTA Index) và kiểm định tính đúng đắn của mô hình.
Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương cho biết, khảo sát FTA đã được Bộ Công Thương thực hiện với khoảng 1.650 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Đáng chú ý, chiếm phần đa các doanh nghiệp tham gia khảo sát là loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) (67,68%). Khảo sát cũng có sự tham gia của các doanh nghiệp là công ty cổ phần (CTCP) (20,36%), doanh nghiệp tư nhân (DNTN) (10,49%) và các loại hình khác (1,47%).
Khảo sát này có sự tham gia của các doanh nghiệp với thời gian hoạt động khá đa dạng. Những doanh nghiệp thành lập từ 3-5 năm là nhóm chiếm tỷ lệ cao nhất (26%) tham gia cuộc khảo sát này. Những doanh nghiệp có thời gian hoạt động trên 20 năm chiếm tỷ lệ thấp nhất (6%). Nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ (60%). Nhóm doanh nghiệp trong lĩnh vực khai khoáng chiếm tỷ lệ 1%, thấp nhất trong tổng số phản hồi.
Từ kết quả thu thập được, Bộ Công Thương đã thử nghiệm xây dựng mô hình tính toán FTA Index và kiểm định tính đúng đắn của mô hình. Ảnh: TTXVN |
Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, dù là theo quy mô vốn hay quy mô lao động, có thể thấy rằng đa số các doanh nghiệp phản hồi khảo sát là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Doanh nghiệp quy mô lớn chỉ chiếm khoảng 2-3% tổng số phản hồi. Kết quả khảo sát cho thấy có khoảng 22% trong số doanh nghiệp trả lời có chủ doanh nghiệp là nữ.
Một số kết quả khảo sát chính, cụ thể:
Về tiếp cận thông tin về các FTA: Kết quả khảo sát cho thấy, mức độ nhận biết của các doanh nghiệp về các FTA là khá khiêm tốn. Những khía cạnh so sánh bao gồm các đánh giá theo loại hình doanh nghiệp, lĩnh vực hoạt động, quy mô vốn và quy mô lao động, số năm hoạt động và so sánh theo vùng nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Trong 3 Hiệp định được liệt kê để lấy ý kiến khảo sát bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA), FTA Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA), thì mức độ nhận biết của Hiệp định CPTPP là cao nhất, tuy nhiên cũng chỉ ở mức 30% sau đó đến EVFTA với 29% và UKFTA với 14% dù hiệp định này chỉ mới được ký kết vào ngày 29/12/2020. Khoảng 14% doanh nghiệp cung cấp thông tin về FTA khác, ví dụ FTA ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), FTA ASEAN - Ấn Độ (AIFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)…
Về hoạt động tuyên truyền, phổ biến các FTA tại địa phương: Khảo sát FTA 2021 có tìm hiểu việc triển khai các hoạt động tuyên truyền phổ biến thông tin các FTA cho cộng đồng doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong 1 năm trở lại đây. Qua loạt câu hỏi về việc doanh nghiệp đã tham dự bao nhiêu sự kiện tuyên truyền, phổ biến về các FTA do cơ quan nhà nước địa phương tổ chức, loại hình sự kiện tham gia nếu có và đánh giá chất lượng nội dung của sự kiện tham gia gần nhất.
Khoảng 20% doanh nghiệp cho biết từng tham dự sự kiện tập huấn về các FTA do cơ quan nhà nước địa phương tổ chức, trong đó có 16% tham dự 1 cuộc, 3,2% tham dự từ 2-3 cuộc và chỉ có 1,4% tham dự trên 4 cuộc trở lên. Như vậy, vẫn còn 80% doanh nghiệp cho biết chưa tham gia bất kỳ sự kiện phổ biến, tuyên truyền về các FTA do cơ quan nhà nước địa phương tổ chức.
Kết quả cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp từng tham gia các sự kiện phổ biến, tuyên truyền về các FTA không có sự khác biệt đáng kể theo số năm hoạt động hay lĩnh vực hoạt động. Tuy nhiên có sự khác biệt giữa các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn với các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ. Nhìn chung, các doanh nghiệp đánh giá chất lượng của các sự kiện phổ biến FTA là khá tích cực.
Về việc cung cấp thông tin thị trường do cơ quan địa phương cung cấp: Khi doanh nghiệp được hỏi có nhận được thông tin dự báo, định hướng thị trường từ các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương cung cấp hay không, chỉ có 31% cho biết có nhận được và 69% trả lời là không. Theo quy mô doanh nghiệp cả về lao động lẫn vốn, các doanh nghiệp lớn có tỷ lệ đánh giá chất lượng các thông tin dự báo, định hướng thị trường là tốt đều cao hơn các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đánh giá việc thực hiện văn bản pháp luật hướng dẫn thực thi các FTA: Tỷ lệ doanh nghiệp gặp phải vướng mắc trong quá trình thực hiện các văn bản pháp luật hướng dẫn thực thi các FTA cho doanh nghiệp là khá cao. Có đến 49% doanh nghiệp cho biết đã từng gặp phải vướng mắc. Không có sự khác biệt quá lớn về tỷ lệ doanh nghiệp gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện văn bản pháp luật hướng dẫn thực thi các FTA, dù là doanh nghiệp mới thành lập hay đã hoạt động lâu năm. Quan sát tương tự cũng có thể thấy qua lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.
Chất lượng giải đáp vướng mắc: Theo kết quả từ dữ liệu khảo sát, 65% doanh nghiệp gặp vướng mắc đều nhận được giải đáp hiệu quả từ các cơ quan nhà nước tại địa phương. Tuy nhiên vẫn có đến 35% doanh nghiệp cảm thấy các giải đáp chưa hiệu quả. Các doanh nghiệp vừa và lớn đánh giá chất lượng giải đáp thắc mắc của cơ quan nhà nước địa phương là hiệu quả cao hơn các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Đây có thể là gợi ý hữu ích cho các cơ quan nhà nước có liên quan cân nhắc quan tâm hơn tới việc giải đáp cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ.
Đánh giá một số chương trình hỗ trợ hội nhập FTA: Chưa có nhiều doanh nghiệp nhận biết được về các chương trình hỗ trợ hội nhập FTA. Với 5 nội dung: hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội của các FTA; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản trị, nguồn nhân lực; hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI; hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do sức ép cạnh tranh, tỷ lệ nhận biết dao động từ 18-21%.
Mức độ tham gia các chương trình hỗ trợ hội nhập FTA của các doanh nghiệp còn rất hạn chế. Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh có tỷ lệ doanh nghiệp tham gia cao nhất, nhưng cũng chỉ 1,2% doanh nghiệp đã tham gia. Dù số lượng các doanh nghiệp tham gia các chương trình hỗ trợ chưa nhiều, nhưng nghiên cứu này cũng thử tìm hiểu mức độ thuận lợi của các doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hưởng hỗ trợ.
Nhìn chung, theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, nếu có thể tiếp cận thì đa phần các doanh nghiệp cảm thấy việc thực hiện các thủ tục hưởng hỗ trợ từ một số chương trình hỗ trợ hội nhập FTA là thuận lợi với tỷ lệ đánh giá hoàn toàn thuận lợi/phần lớn thuận lợi là 72,5-76%; các chương trình này cũng được doanh nghiệp đánh giá cao về mức độ hữu ích, với tỷ lệ đánh giá hoàn toàn hữu ích/phần lớn là hữu ích rơi vào khoảng 74,7-79,4%.