Một trong những giải pháp trọng tâm đang được Bộ Công Thương triển khai đó là tăng cường kiểm tra, hướng dẫn doanh nghiệp thực thi nghiêm các quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Ông Trịnh Quốc Vũ phát biểu tại Hội nghị Sử dụng điện tiết điện và hiệu quả trong giai đoạn nhu cầu phụ tải điện tăng cao năm 2024 |
Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề trên phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương).
Thưa ông, công tác tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng đang đặt ra những thách thức như thế nào đối với Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng?
Như các bạn đã biết, với bối cảnh mới hiện nay và tương lai, khi nhiên liệu hóa thạch ngày càng khan hiếm và những xung đột địa chính trị trong khu vực và trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp làm tăng giá nhiên liệu, trong khi nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển ngành điện là rất lớn, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế-xã hội vẫn ở mức cao thì việc đảm bảo cung cấp điện trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng cực đoan xếp chồng.
Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 tại Hội nghị COP26 và tái khẳng định tại các Hội nghị COP 27 và COP 28 về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc. Để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và đảm bảo an ninh cung cấp điện, bên cạnh nhiều kế hoạch, chiến lược và công việc quan trọng đang được Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đồng bộ triển khai, Bộ Công Thương tiếp tục nhấn mạnh: Tiết kiệm điện và Tiết kiệm năng lượng là các giải pháp quan trọng, hiệu quả trong cả ngắn hạn và dài hạn giúp giảm áp lực trong việc khai thác và cung ứng năng lượng cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường.
Từ đầu năm 2024, cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, thể hiện trên các chỉ số tăng trưởng ấn tượng về sản xuất và xuất khẩu quý 1, nhu cầu về điện đã có sự tăng trưởng đột biến, lên đến 11,84% so với quý 1 năm 2023. Để đảm bảo cung ứng đủ điện, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, thì việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện đóng một vai trò quan trọng.
Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra, hướng dẫn các địa phương và doanh nghiệp thực thi các quy định về pháp luật trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Ảnh: Thu Hường) |
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh việc triển khai thực hiện tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo; đẩy mạnh thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030.
Cùng với đó là các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ phải chịu sự điều chỉnh bởi các qui định, chế tài về sản xuất xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính như Cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới của châu Âu (CBAM)… Đây là thách thức đối với các doanh nghiệp nếu không đáp ứng đồng nghĩa sản phẩm sẽ không xâm nhập được thị trường quốc tế và cả thị trường trong nước, đó là chưa kể đến danh tiếng, thương hiệu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhất là doanh nghiệp có quy mô toàn cầu.
Vậy doanh nghiệp làm thế nào để biết mình đã sản xuất xanh, tiết kiệm năng lượng, thưa ông?
Hiện Việt Nam đã có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tiết kiệm năng lượng tương đối hoàn chỉnh. Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã có từ năm 2010, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công nghiệp, thương mại, đã xây dựng và ban hành các cơ chế, quy định tương đối cụ thể, kèm theo các chế tài để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong các lĩnh vực mà Bộ Công Thương quản lý.
Cụ thể, đối với các ngành công nghiệp trọng điểm, tiêu thụ nhiều năng lượng, Bộ Công Thương đã ban hành 7 thông tư, quy định về định mức tiêu hao năng lượng để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm, cụ thể cho các ngành như bia, nước giải khát, thép, hóa chất, chế biến thủy hải sản, sản xuất đường mía, nhựa và chất dẻo, sản xuất giấy… Chế tài đã có, các doanh nghiệp vi phạm định mức tiêu thụ năng lượng, nghĩa là suất tiêu hao năng lượng để sản xuất ra một sản phẩm cao hơn mức quy định của thông tư, thì đã có chế tài xử phạt.
Các hoạt động hướng dẫn, tuyên truyền đến các khách hàng được Bộ Công Thương và ngành điện triển khai mạnh mẽ trong thời gian qua (Ảnh: Thu Hường) |
Ngoài ra, chúng ta cũng có những quy định về quản lý các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng, cụ thể chương trình dán nhãn năng lượng và kiểm soát hiệu suất năng lượng tối thiểu của các phương tiện, thiết bị trong nhiều lĩnh vực, từ thiết bị dân dụng cho đến phương tiện, thiết bị trong cơ quan, công sở và trong công nghiệp, trong giao thông vận tải.
Một điểm nữa là cơ chế điều chỉnh phụ tải điện. Vấn đề này rất quan trọng và Bộ Công Thương cũng là cơ quan tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu phụ tải điện, trong đó có chương trình điều chỉnh phụ tải điện. Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các Tổng Công ty Điện lực thực hiện việc thỏa thuận với các khách hàng sử dụng điện lớn về dịch chuyển công suất đỉnh của phụ tải điện ra khỏi giờ cao điểm của hệ thống, thỏa thuận về cắt giảm công suất đỉnh tại các thời điểm hệ thống có nguy cơ thiếu điện.
Tuy nhiên, đối với việc quản lý nhu cầu phụ tải hiện chúng ta đang thiếu chế tài. Chúng tôi nghĩ, trong Luật Điện lực (sửa đổi) sắp tới, những cơ chế về chế tài áp dụng, cũng như cơ chế khuyến khích cho các khách hàng đồng hành với các chương trình tiết kiệm điện, chương trình điều chỉnh phụ tải điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cần được quan tâm, xây dựng đầy đủ. Vì chúng ta cần phải vừa có cơ chế khuyến khích vừa có chế tài xử phạt những đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm các quy định pháp luật.
Theo khảo sát của Chương trình VNEEP3 thì dư địa của Việt Nam trong tiết kiệm năng lượng còn rất lớn, vậy chúng ta sẽ có giải pháp như thế nào để tăng cường hơn nữa công tác tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp thưa ông?
Theo khảo sát của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (Chương trình VNEEP3) cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng của nước ta còn rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp là lĩnh vực chiếm trên 50% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia, tiềm năng tiết kiệm năng lượng có thể đạt 20-30%.
Hiện nay, cả nước có trên 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, với tổng mức tiêu thụ điện trên 80 tỷ kWh/năm. Nếu chỉ tính riêng các doanh nghiệp này cùng chung tay thực hiện tiết kiệm ít nhất 2% lượng điện tiêu thụ/năm thì trung bình chúng ta sẽ tiết kiệm khoảng 1,6 tỷ kWh/năm, tương đương tiết kiệm hơn 3.200 tỷ đồng tiền điện; và nếu tất cả hơn 30 triệu khách hàng sử dụng điện cùng thực hành tiết kiệm điện thì hiệu quả đem lại là cực kỳ to lớn.
Dệt Hà Nam thực hiện nghiêm việc tiết kiệm điện (Ảnh: Thu Hường) |
Trước đó, từ cuối năm 2023, đầu 2024, Bộ Công Thương đã có những chỉ đạo và triển khai rất sát sao các giải pháp về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng và phối hợp rất chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Than và Khoáng sản, Tập đoàn Dầu khí triển khai mạnh mẽ các giải pháp tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng. Chúng tôi đánh giá, năm nay các giải pháp được triển khai sớm và tương đối đồng bộ giữa Trung ương và địa phương.
Hiện chúng ta đã có hệ thống văn bản pháp luật tương đối toàn diện đầy đủ về lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhưng công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện và tuân thủ các quy định này chưa được diễn ra đồng bộ và thường xuyên trên cả nước.
Vấn đề này, Bộ Công Thương đã xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiều năm qua, đặc biệt trong giai đoạn từ 2020 đến nay và các năm sắp tới. Chúng tôi đã thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn, cũng như đôn đốc, nhắc nhở, kể cả thực hiện các chế tài đối với các doanh nghiệp, đối tượng vi phạm.
Cùng với đó, cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương cần tăng cường công tác đôn đốc và kiểm tra hướng dẫn để các đối tượng sử dụng điện, sử dụng năng lượng có các giải pháp tiết kiệm và sử dụng hiệu quả.
Đối với các cơ sở sử dụng năng lượng cần xác định được mục tiêu dài hạn là phát triển doanh nghiệp bền vững thông qua việc sử dụng năng lượng phù hợp với lộ trình phát triển xanh, tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính để nâng cao khả năng cạnh tranh tại thị trường trong và ngoài nước.
Xin cảm ơn ông!
Năm 2024, Bộ Công Thương sẽ thực hiện kiểm tra công tác thực thi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại 10 tỉnh/thành phố trên cả nước. Theo ông Trịnh Quốc Vũ, hoạt động này là nhằm trao đổi chuyên môn giữa cơ quan quản lý chuyên ngành của Trung ương và địa phương, qua đó giúp địa phương tăng cường năng lực quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, để công tác quản lý nhà nước về vấn đề này trong thời gian tới được thực thi tốt hơn. |