Thông tin trên vừa được lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết tại tọa đàm “Vai trò của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc phát triển kinh tế số tại Việt Nam” diễn ra ngày 25/5, trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2022 (Vietnam - Asia DX Summit 2022).
Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Đặng Hoàng Hải chia sẻ tại phiên tọa đàm ngày 25/5 |
Trong những năm vừa qua, thương mại điện tử Việt Nam có sự phát triển vượt bậc, nhảy vọt với tốc độ tăng trưởng 16-17%/năm. Các giao dịch thương mại điện tử được thực hiện thông qua các sàn thương mại điện tử, các mạng xã hội và các website bán hàng trực tiếp của doanh nghiệp, người kinh doanh. Tuy phát triển với tốc độ đột phá, các giao dịch thương mại điện tử luôn ẩn chứa nhiều rủi ro cho cả người mua và người bán.
Ông Đặng Hoàng Hải- Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho hay, giao kết hợp đồng cho các chủ thể trên môi trường thương mại điện tử, hợp đồng sẽ là thành phần cơ bản trong các giao dịch thương mại. Theo đó, hợp đồng điện tử được triển khai rộng rãi sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thương mại số nói riêng và hoạt động thương mại trong nước, quốc tế nói chung.
Với ý nghĩa quan trọng đó, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành hành lang pháp lý cho hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử trong các Nghị định 52/2013/NĐ-CP và gần đây nhất là Nghị định 85/2021/NĐ-CP về thương mại điện tử, chính thức tạo hành lang pháp lý cần thiết để cấp phép cho hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử tại Việt Nam.
Phân tích cụ thể hơn, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, việc ứng dụng hợp đồng điện tử sẽ giúp các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng, bao gồm cả cá nhân và tổ chức, doanh nghiệp được hưởng nhiều lợi ích.
Trước hết là chi phí, một hợp đồng truyền thống sẽ mất phí giấy tờ, in ấn, chuyển phát hoặc đi lại. Trong khi đó, mỗi hợp đồng, giao kết điện tử khi sử dụng, sẽ tiết kiệm 30.000 - 80.000 đồng, nhân với số lượng hợp đồng hàng năm sẽ tiết kiệm được khoản tiền rất lớn.
So với quy trình hợp đồng giấy phải ký trình lãnh đạo thì sử dụng hợp đồng điện tử sẽ tiết kiệm thời gian. Lãnh đạo đơn vị có thể đang đi công tác vẫn phê duyệt, ký kết hợp đồng, giúp nâng cao hiệu suất công việc. “Điều này giúp cho việc tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu suất công việc rất nhiều”- ông Đặng Hoàng Hải nhận định.
Ngoài ra, với hợp đồng điện tử, các bên thứ 3 như Ngân hàng, các Tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước có thể căn cứ trên hợp đồng điện tử với xác thực của các đơn vị được Bộ Công Thương cấp phép, hoặc thông qua Trục phát triển hợp đồng điện tử của Bộ Công Thương để xác minh giá trị bản gốc của hợp đồng. Việc này tiết kiệm nhiều thời gian xác minh và đảm bảo hạn chế chứng từ giả, chứng từ khống.
Ông Đặng Hoàng Hải thông tin thêm, việc lưu trữ hợp đồng dưới dạng điện tử sẽ giúp doanh nghiệp quản lý, tra cứu, tìm kiếm một cách dễ dàng mà vẫn đảm bảo được sự an toàn, bảo mật của nội dung hợp đồng.
Với việc thương mại điện tử ngày càng phát triển, các giao dịch thương mại truyền thống ứng dụng hợp đồng điện tử có chứng thực sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao tối đa hiệu suất kinh doanh và tiếp cận khách hàng tiềm năng. Giúp xã hội văn minh và góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế xã hội.
Trước đó, ngày 15/3/2022, Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số đã có Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS về Ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2022, trong đó có mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 50%.
Theo đó, Bộ Công Thương đã kịp thời ban hành Thông tư 01/2022/TT-BCT hướng dẫn Nghị định 85/2021/NĐ-CP, hành lang pháp lý sẵn sàng trong Quý I và II/2022. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã làm việc với các doanh nghiệp gửi đề nghị cấp đăng ký cung cấp dịch vụ Chứng thực hợp đồng điện tử và sẵn sàng cung cấp dịch vụ trong tháng 6/2022, hướng tới mục tiêu đạt kế hoạch của Uỷ ban chuyển đổi số quốc gia xây dựng.
Song song với việc hoàn thiện hành lang pháp lý, căn cứ cấp phép cho các doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã phát triển hệ thống Trục phát triển hợp đồng điện tử quốc gia (CeCA.gov.vn).
Hệ thống trục sẽ là nơi cung cấp thông tin xác thực hợp đồng toàn quốc cho các bên thứ 3, đồng thời là nền tảng hỗ trợ, kết nối các Tổ chức chứng thực hợp đồng điện tử được cấp đăng ký, kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ dấu thời gian, chữ ký số, định danh và xác thực đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép.
Hệ thống Trục phát triển hợp đồng điện tử quốc gia sẽ đóng vai trò xây dựng và phát triển thị trường ứng dụng thực tế của hợp đồng điện tử, để kết nối các nền tảng công nghệ, các hạ tầng số tin cậy của Chính phủ đến các doanh nghiệp, tổ chức, người dùng thông qua các giao dịch thương mại.
“Mỗi giao dịch hợp đồng điện tử sẽ có gắn kèm với các quy định về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, xử lý các yếu tố phát sinh trong quá trình giao kết và thực thi hợp đồng. Điều đó giúp cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các bên thứ 3 có một cơ quan trung gian đủ tin cậy để giải quyết các vấn đề phát sinh khi thực hiện giao kết, hợp động dưới dạng điện tử”, ông Đặng Hoàng Hải nêu cụ thể.