Khai thông vướng mắc
Để dập dịch Covid-19, từ đầu tháng 2/2020, Trung Quốc phong tỏa trao đổi hàng hóa cư dân biên giới, xuất khẩu nông sản tiểu ngạch qua các cửa khẩu phụ trên địa bàn các tỉnh biên giới phía Bắc gián đoạn. Để tháo gỡ khó khăn, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Y tế xây dựng thành công quy trình và cơ chế phối hợp giám sát y tế, phòng chống dịch bệnh đối với hoạt động giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, trao đổi cư dân biên giới tại các cửa khẩu, cặp chợ biên giới giữa hai nước. Điều này đã giúp khôi phục lại thông thương giữa hai bên, nhất là xuất khẩu nông sản, mà vẫn an toàn và tuân thủ tốt các quy định phòng chống dịch bệnh.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kiểm tra công việc thông thương hàng hóa tại Lạng Sơn Ảnh: C.D |
Bộ Công Thương cũng liên tục cập nhật tình hình dịch bệnh, diễn biến chính sách và các quy định của phía Trung Quốc có liên quan đến thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới, kịp thời đưa ra các khuyến nghị, cảnh báo các địa phương, doanh nghiệp chủ động điều tiết kế hoạch sản xuất xuất và tiêu thụ. Chưa dừng lại đó, lãnh đạo Bộ Công Thương còn trực tiếp đi khảo sát, nắm tình hình và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới phía Bắc. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã trực tiếp điện đàm với Bí thư Khu ủy Khu tự trị Quảng Tây (Trung Quốc), Bộ trưởng Thương mại và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhằm trao đổi các biện pháp tăng cường thương mại song phương, khắc phục khó khăn cho các hoạt động xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu biên giới. Qua các cuộc điện đàm, hai bên đã đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng để tạo thuận lợi hóa thông quan và duy trì chuỗi cung ứng.
Từ đầu tháng 4/2020, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, Trung Quốc tăng cường các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 tại các cửa khẩu biên giới đất liền, trong đó có khu vực biên giới với Việt Nam, giảm thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa tại các khu (điểm) cặp chợ biên giới xuống còn 05 giờ/ngày, không thông quan vào ngày lễ và ngày nghỉ cuối tuần. Các biện pháp này tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó có việc xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam, gây hiện tượng ùn ứ hàng hóa nghiêm trọng tại khu vực biên giới một số tỉnh phía Bắc, nhất là tỉnh Lạng Sơn. Dự báo trước được tình hình này, từ cuối tháng 3/2020, Bộ Công Thương đã đề nghị Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh và Côn Minh (Trung Quốc) chủ động kết nối với Chính quyền tỉnh Quảng Tây và Vân Nam, đề nghị thực hiện các giải pháp đảm bảo hoạt động thương mại, trao đổi hàng hóa của doanh nghiệp, cư dân hai bên được thông suốt. Trước kỳ nghỉ lễ 1/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tiếp tục gửi Công thư và điện đàm với Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Bí thư tỉnh Quảng Tây đề nghị phối hợp tìm giải pháp đảm bảo trao đổi thương mại hai bên và đã đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng, thiết thực giải tỏa áp lực ùn ứ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu biên giới hai nước...
Xuất khẩu nông sản qua Cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn |
Chuyển biến trên thực địa
Theo ông Phùng Quang Hội - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, với những nỗ lực liên tục đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn từ Bộ Công Thương và các bộ, ngành trung ương cùng các địa phương biên giới, trong đó có Lạng Sơn, hoạt động xuất nhập khẩu nói chung, xuất khẩu nông sản qua Lạng Sơn nói riêng đã được khôi phục ở mức tối đa có thể trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Kết quả là, thay vì nghỉ ngày nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần như các thông báo ban đầu, phía Quảng Tây (Trung Quốc) đã duy trì thời gian thông quan bình thường và tăng thêm thời gian giải quyết thủ tục thêm 2 giờ (từ 5 giờ lên 7 giờ/ngày) tại cặp chợ biên giới Tân Thanh - Pò Chài, không nghỉ lễ và các ngày thứ bảy, chủ nhật. Tính đến 16 giờ ngày 1/5/2020, khối lượng xe hàng hóa xuất nhập khẩu thông quan qua Cửa khẩu Tân Thanh trong ngày đã tăng lên trên 100 xe (trong đó có 80 xe hàng xuất khẩu), tăng khoảng 20% so với ngày 30/4.
Bà Vũ Thị Nguyệt - cán bộ xuất nhập khẩu của Công ty TNHH Thanh Hải (Lạng Sơn) cho biết, tại Tân Thanh, trước kỳ nghỉ lễ phía Trung Quốc chỉ mở cửa khẩu giải quyết thủ tục thông quan 5 giờ/ngày, mỗi ngày chỉ thông quan được khoảng 60-70 xe hàng, nghỉ ngày cuối tuần, ngày lễ, nhiều xe hàng của doanh nghiệp tồn đọng khá lâu. Tuy nhiên, trong ngày 1/5, sau khi phía Trung Quốc tăng giờ mở cửa khẩu, làm việc thêm 2 tiếng giải quyết thủ tục, thời gian thông quan đã nhanh hơn, việc giải quyết các thủ tục của phía bạn cũng thông thoáng hơn, luồng hàng hóa nông sản xuất khẩu của Công ty Thanh Hải đã giải quyết nhanh gọn.
Bà Trương Thị Xuân - Giám đốc Công ty TNHH Anh Khang, chuyên xuất khẩu các mặt hàng nông sản qua Lạng Sơn - cho biết thêm: Trong bối cảnh tác động của dịch bệnh khiến xuất khẩu qua các cửa khẩu gặp khó khăn, Bộ Công Thương, tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều giải pháp tháo gỡ kịp thời, nên bớt được nhiều cản trở. Đặc biệt, những khuyến nghị sớm tránh ùn ứ, ách tắc phương tiện dẫn đến thiệt hại đã giúp cho công ty nắm bắt được và điều tiết, chuyển hướng kế hoạch kịp thời. Cụ thể, khi nhận được khuyến nghị trong dịp nghỉ lễ 1/5 phía Trung Quốc tạm dừng thông quan ở Cửa khẩu Cốc Nam, ngoài xuất qua Cửa khẩu Hữu Nghị, Công ty TNHH An Khang đã chuyển hướng một số xe hàng về tuyến Lào Cai, không làm đứt mạch tiêu thụ sản phẩm.
Xác định tâm thế không chủ quan, ngay sau khi Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh, Trung Quốc gửi Công điện 342/2020/TLSQ.NN thông báo ý kiến của tỉnh Quảng Tây về vấn đề thông quan hàng hóa ngày 1/5. Qua đó đề nghị đôn đốc các cơ quan và tỉnh Lạng Sơn sớm thúc đẩy thực hiện nhận thức chung tại cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bí thư Quảng Tây ngày 13/3/2020 qua hàng loạt điều khoản cụ thể; lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Xuất nhập khẩu trao đổi với tỉnh Lạng Sơn xem xét các đề nghị của phía Quảng Tây có khả thi hay không? Đồng thời, dự thảo thông báo gửi các tỉnh, các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả để biết. Tiếp tục khuyến cáo về việc hình thức trao đổi cư dân tại các cặp chợ và khả năng thông quan hàng hóa cho hình thức này vẫn chưa thể khôi phục như trước đây. Các tỉnh, các doanh nghiệp vẫn cần cân nhắc nghiêm túc về tiến độ đưa nông sản lên Tân Thanh và chuyển đổi xuất khẩu nông sản sang hình thức chính ngạch, xuất qua các cửa khẩu chính thức và tận dụng vận tải đường sắt.