Bộ Công Thương chú trọng đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Bộ Công Thương: Nâng cao chất lượng công chức qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng |
Thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức gắn với yêu cầu thực tế của nhiệm vụ quản lý nhà nước và đã đạt được những kết quả nhất định.
Ông Vũ Anh Hoàng - Chuyên viên Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương đã trao đổi về công tác này.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Bộ Công Thương đang được triển khai hiệu quả. Ảnh Tổng cục Quản lý thị trường |
Thời gian qua, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Bộ Công Thương đã và đang triển khai những Đề án, chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức thế nào?
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Bộ Công Thương hàng năm đều xây dựng và dành nguồn lực triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Cụ thể năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 524/QĐ-BCT ngày 01/3/2023 về việc giao kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức năm 2023.
Căn cứ Kế hoạch đã được giao, Vụ Tổ chức cán bộ đã phối hợp với các đơn vị chức năng trong Bộ triển khai nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn và dài hạn bằng nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp và một phần kinh phí do các tổ chức tài trợ thông qua các chương trình hợp tác.
Tính hết quý III/2023, Bộ Công Thương đã triển khai đào tạo, cử đi đào tạo cho hàng trăm lượt công chức, cụ thể: Đối với đào tạo, bồi dưỡng trong nước, đã bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước các ngạch chuyên viên, chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp gần 250 công chức; bồi dưỡng kiến thức lãnh đạo, quản lý cấp phòng, cấp Vụ cho 67 công chức; bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn cho hơn 600 công chức
Đối với đào tạo bồi dưỡng nước ngoài, đã tổ chức bồi dưỡng các khóa ngắn hạn cho hơn 60 công chức, viên chức lãnh đạo quản lý từ các nguồn tài trợ nước ngoài thông qua các chương trình hợp tác.
Bên cạnh các chương trình đào tạo, Vụ Tổ chức cán bộ cũng đã phối hợp với Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương tổ chức hội nghị tập huấn về công tác cán bộ cho công chức, viên chúc của các đơn vị thuộc Bộ nhằm triển khai, hướng dẫn các quy định, văn bản quy phạm pháp luật mới của Đảng, Nhà nước trong công tác cán bộ.
Ông Vũ Anh Hoàng - Chuyên viên Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương |
Trước các yêu cầu đổi mới cho phù hợp với sự biến đổi và xu hướng của sự phát triển, Bộ Công Thương đã tập trung vào những nội dung cốt lõi gì khi thực hiện, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng?
Định hướng, mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Bộ Công Thương là gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của Bộ, do đó nội dung của đào tạo, bồi dưỡng cũng tập trung vào nhiệm vụ nâng cao kỹ năng quản lý chuyên ngành, chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm như: Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng đàm phán, ký kết các thỏa thuận, hiệp định thương mại; năng lực tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các cam kết, nội dung hợp tác về hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; kiến thức và kỹ năng về nghiên cứu, phân tích; cung cấp thông tin chính sách, pháp luật cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước; kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến công tác quản lý thị trường trong nước;…
Qua theo dõi, tổng hợp các chương trình, đề án đào tạo, bồi dưỡng của Bộ Công Thương, đầu là những khó khăn, vướng mắc đối với công tác này, thưa ông?
Bộ Công Thương hiện đang có khoảng 140 công chức đang công tác tại các thương vụ ở 53 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Do điều kiện công tác xa, các công chức khó có điều kiện được tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nhất là các chương trình về lý luận chính trị, quản lý nhà nước.
Ngoài ra, từ năm 2018, Bộ Công Thương thành lập Tổng cục Quản lý thị trường và tiếp nhận gần 5.500 công chức từ các Cục quản lý thị trường địa phương. Từ năm 2018 đến nay, Bộ Công Thương đã khẩn trương triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng các tiêu chuẩn bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công việc. Tuy nhiên nguồn kinh phí được cấp hàng năm vẫn chưa theo kịp nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng. Kinh phí nhà nước hỗ trợ hàng năm không tăng theo nhu cầu nên tỷ lệ công chức của lực lượng quản lý thị trường được đào tạo, bồi dưỡng còn thấp.
Mặt khác, năm 2021 Chính phủ ban hành Nghị định 89/2021/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, trong đó điều chỉnh giảm thời gian đào tạo, bồi dưỡng của các khoá đào tạo ngắn hạn xuống còn 4 tuần, vì thế các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Bộ Công Thương phải điều chỉnh phù hợp với quy định; đồng thời nguồn kinh phí cho các chương trình đào tạo, bồi dưỡng vẫn chưa theo kịp với các thay đổi, yêu cầu mới.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Bộ Công Thương, thời gian tới Bộ sẽ triển khai các chương trình, kế hoạch cụ thể như thế nào đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng?
Năm 2024 và trong những năm tiếp theo, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các Đề án về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đã được Chính phủ đã phê duyệt như: Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2025; Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 19/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019-2030; Quyết định số 1960/QĐ-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho cán bộ công chức, viên chức làm công tác hội nhập quốc tế giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 146/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng số, kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu cho cán bộ, công chức để sẵn sàng cho chuyển đổi môi trường làm việc sang môi trường số. Xây dựng Chiến lược phát triển nguồn nhân lực số ngành Công Thương và chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của kinh tế số theo từng thời kỳ. Xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức chuyên môn theo yêu cầu của vị trí việc làm…
Bên cạnh đó, căn cứ tình hình thực tế, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo lĩnh vực. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho các cán bộ làm công tác ở các thương vụ. Ngoài ra, tiếp tục phối hợp với các trường đại học thuộc Bộ để tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, kỹ năng đàm phán, thương mại phục vụ cho các nhiệm vụ chuyên môn.
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả cho các chương trình đào tạo, bồi dưỡng các đơn vị thụ hưởng cần bố trí thời gian để cán bộ, công chức tham gia. Ngoài ra, việc xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng không chỉ có sự tham gia của cơ sở đào tạo mà còn cần có sự tham gia đóng góp ý kiến từ các đơn vị thụ hưởng để đảm bảo tính hiệu quả, sát với thực tế, đáp ứng được nhu cầu nâng cao chuyên môn, kiến thức, áp dụng được vào công tác, nhiệm vụ của cán bộ, công chức. Đồng thời, cần chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên đào tạo, bồi dưỡng với cơ cấu hợp lý, có trình độ, am hiểu hội nhập quốc tế và kinh nghiệm thực tiễn; tăng cường xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng, báo cáo viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều kinh nghiệm, các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế.
Xin cảm ơn ông!