Bộ Công Thương: Mua điện mặt trời mái nhà dùng thừa giá 0 đồng để không bị ''trục lợi'' chính sách
Tin hoạt động 24/04/2024 20:56
Nhiều tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước bày tỏ sự ủng hộ, kỳ vọng cơ chế, chính sách mua bán điện trực tiếp (DPPA) sớm được ban hành và thực thi.
Phù hợp với xu hướng chung của thế giới
Ngày 24/4, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo cho ý kiến đối với dự thảo Nghị định mua bán điện trực tiếp giữa các đơn vị phát điện với khách hàng (DPPA) và Dự thảo Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời lắp đặt mái nhà dân, công sở, khu công nghiệp.
Quang cảnh Hội thảo cho ý kiến đối với dự thảo Nghị định mua bán điện trực tiếp và Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà. Ảnh: Cấn Dũng |
Tham dự Hội thảo có đại điện các Cục, Vụ đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương: Điện lực và Năng lượng tái tạo; Điều tiết điện lực; Tiết kiệm năng lượng; An toàn môi trường; Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ; Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia ngành năng lượng,... cùng đại diện các hiệp hội tổ chức nước ngoài như: Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham); Hiệp hội doanh nghiệp Anh Quốc (Britcham); Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham); Hiệp hội doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam (Incham); Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - Asean; Hiệp hội năng lượng sạch châu Á; Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam; Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức; Ngân hàng Quốc tế Nhật Bản,... Ngoài ra, tham dự sự kiện còn có đại diện các Tập đoàn, doanh nghiệp: Điện lực Việt Nam; BIM Việt Nam; Samsung; Marubeni Asean Power Việt Nam và một số tổ chức hiệp hội doanh nghiệp khác.
Báo cáo tại hội thảo, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) Trần Việt Hòa cho biết: Trong thời gian vừa qua, nhiều nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và khách hàng sử dụng điện bày tỏ sự quan tâm tham gia cơ chế DPPA và mong muốn Chính phủ Việt Nam sớm ban hành cơ chế này với kỳ vọng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu, phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) Trần Việt Hòa. Ảnh: Cấn Dũng |
Để định lượng nhu cầu của các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo, khách hàng sử dụng điện đối với cơ chế DPPA, tháng 5 năm 2022, tư vấn quốc tế đã thực hiện cuộc khảo sát đánh giá với kết quả như:
Về nhu cầu tham gia cơ chế DPPA của bên bán (đơn vị phát điện năng lượng tái tạo): Trong số 106 dự án có công suất đặt từ 30 MW trở lên (42 dự án điện mặt trời và 64 dự án điện gió) trong danh sách Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Phiếu khảo sát đã được gửi tới 95 dự án và có 67 dự án phản hồi như sau: 24 dự án (công suất đặt 1.773 MW) mong muốn tham gia; 17 dự án (công suất đặt 2.836 MW) cân nhắc về điều kiện tham gia, khả năng tìm và ký hợp đồng với khách hàng và 26 dự án trả lời không có nhu cầu tham gia.
Về nhu cầu tham gia cơ chế DPPA của bên mua điện (khách hàng sử dụng điện là các tổ chức đang mua điện phục vụ cho mục đích sản xuất từ cấp điện áp từ 22 kV trở lên): phiếu khảo sát đã gửi tới 41 khách hàng, trong đó có 20 khách hàng trả lời mong muốn tham gia cơ chế DPPA với tổng nhu cầu 996 MW (ước tính).
Do đó, để có cơ sở triển khai các nhiệm vụ của Quốc hội và Chính phủ giao tại Nghị quyết số 55-NQ/TW, Luật Điện lực, Nghị quyết số 103/2023/QH15 và Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15, đồng thời phù hợp với thực tiễn, cần thiết xây dựng Nghị định quy định cơ chế DPPA.
Về tiến độ thực hiện, ngày 9/4/2024, Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định quy định cơ chế DPPA đã được thành lập theo Quyết định số 814/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Ngày 10/4/2024, Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã họp lần thứ nhất, trong đó thảo luận Dự thảo 1 Nghị định và lấy ý kiến góp ý của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập. Tính đến ngày 15/4/2024, Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã nhận được 14 văn bản góp ý và đã rà soát, hoàn thiện Dự thảo 1 Nghị định.
Ngày 16/4/2024, Dự thảo 2 Nghị định đã được đăng tải tại Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công Thương và gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan (khoảng 136 đơn vị); thời hạn góp ý trước ngày 25 tháng 4 năm 2024.
Ngày 23/4/2024, Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã họp lần thứ hai, trong đó thảo luận Dự thảo 2 Nghị định và lấy ý kiến góp ý của các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập.
Ngày 24/4/2024, Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Dự thảo Nghị định đã được tổ chức tại trụ sở Bộ Công Thương.
Tiếp đó, báo cáo tại Hội thảo, ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục điện lực và năng lượng tái tạo cho biết, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, khá ổn định trong 5-7 năm trở lại đây (trung bình 6,5-7%/năm), nhu cầu điện năng tăng theo hàng năm (từ 8-10%/năm). Việt Nam cũng đã từng cam kết với cộng đồng quốc tế đạt trung hòa cac-bon vào năm 20250. Vì vậy, trong lĩnh vực năng lượng vừa phải phát triển rất mạnh về nguồn, vừa chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu, hướng tới nền sản xuất xanh. Việt Nam cũng là nền kinh tế có độ mở lớn, dựa vào xuất nhập khẩu, đòi hỏi phải chuyển đổi nhanh để thích ứng với nhu cầu ngày càng cao của các nước nhập khẩu. Vì vậy trong đường lối phát triển, được thể hiện trong Quy hoạch điện VIII đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đó là giảm các nguồn điện có nguồn gốc hóa thạch, tăng mạnh các nguồn năng lượng tái tạo và các nguồn phát thải thấp, thân thiện với môi trường. Đồng thời, chủ trương ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích nhằm thu hút đầu tư, phát triển các loại hình nguồn điện sạch, phát triển hệ thống lưới điện thông minh, các thiết bị lưu trữ điện; từng bước phát triển, hoàn thiện thị trường điện trên cả 3 cấp độ (phát điện, bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh).
Bộ Công Thương tổ chức hội thảo này để lấy ý kiến đóng góp về 3 chính sách: Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA); cơ chế phát triển mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; cơ chế phát triển điện khí. Bởi chúng tôi quan niệm quý vị là cố vấn chính sách, khách hàng tiềm năng. Rất mong quý vị trao đổi thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, đề xuất chính sách mới nhưng phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam.
Doanh nghiệp kỳ vọng sớm ban hành cơ chế DPPA
Tại hội nghị, đại diện các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp ủng hộ Dự thảo Nghị định Quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) và Nghị định điện mặt trời mái nhà và cho rằng cần sớm ban hành cơ chế DPPA.
Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Cấn Dũng |
Ông Kim Yong Sup, Phó Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho hay phía Samsung hoàn toàn đồng tình với ý kiến của các lãnh đạo Bộ Công Thương và đại diện doanh nghiệp về sự cần thiết để sớm ban hành cơ chế DPPA với các doanh nghiệp.
Liên quan đến cơ chế bên phát điện sẽ bán trực tiếp qua đường dây riêng, ông Kim Yong Sup mong muốn có những hướng dẫn rõ ràng, cụ thể hơn để thực hiện ngay, không vướng mắc và không phải chờ đợi hướng dẫn mới. Trong khi, với cơ chế mua bán điện thông qua phát lên lưới tải điện quốc gia, Samsung mong muốn Bộ Công Thương cân nhắc tính giá để đảm bảo tính công bằng và sự cạnh tranh giữa các đơn vị phát điện cũng như khách hàng.
Tương tự, bà Virginia Foote, Thành viên Ban quản trị Nhóm công tác điện và Năng lượng lượng, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đánh giá cao dự thảo DPPA và Dự thảo Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời lắp đặt mái nhà dân, công sở, khu công nghiệp.
Theo bà Virginia Foote, hiện tại các công ty lớn thuộc VBF cũng như những khu công nghiệp, các nhà máy sản xuất có nhu cầu tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, do vậy, VBF sẵn sàng góp ý để thúc đẩy quá trình ra được các Nghị định.
“Chúng tôi sẽ có một văn bản gửi góp ý đến Bộ Công Thương, nếu các dự thảo Nghị định được thông qua, và Nghị định được ban hành sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam”, bà Virginia Foote nói.
Nhiều ký kiến các doanh nghiệp kỳ vọng sớm ban hành cơ chế DPPA. Ảnh: Cấn Dũng |
Đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ ASEAN tại Việt Nam, bà Bùi Thị Việt Lâm, cũng bày tỏ sự hoan nghênh Bộ Công Thương đã đưa ra dự thảo DPPA và Dự thảo Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời lắp đặt mái nhà dân, công sở, khu công nghiệp.
Nhấn mạnh việc triển khai dự thảo về Nghị định có ý nghĩa quan trọng với các doanh nghiệp, bà Bùi Thị Việt Lâm cho rằng không nên trì hoãn hơn nữa, bởi sẽ ảnh hưởng tới thu hút nước ngoài của Chính phủ. Do vậy, Bộ Công Thương cần ban hành càng sớm càng tốt, giúp cho nhà đầu tư nước ngoài an lòng, nhất là doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư mới.
“Việc này thúc đẩy năng lượng tái tạo và huy động đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này. Chúng tôi khuyến nghị sớm ban hành, trên nguyên tắc tạo độ mở cho các bên tham gia, tránh đưa vào các nội dung quá chi tiết. Việc ban hành không nhất thiết phải quá cầu toàn và lần đầu tiên thực hiện nên có thể vừa làm vừa rút kinh nghiệm”, bà Lâm nêu ý kiến.
Trong khi đó, ông Aguin Toru, Trưởng đại diện Ngân hàng hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JBIC) cho biết, cần có thời gian dự kiến ban hành giúp doanh nghiệp chuẩn bị tốt hơn. Đại diện JBIC cho hay với DPPA, bước đầu tiên JBIC phải tập trung vào điện mặt trời và điện gió; giai đoạn 2 là điện sinh khối, halogen…
JBIC quan tâm tới việc hỗ trợ phát triển năng lượng (chính sách, pháp lý) mà quan tâm tới việc hỗ trợ các dự án triển khai tại Việt Nam, công ty làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mở rộng quy mô hỗ trợ tại Việt Nam.
“Chúng tôi kiến nghị về điện rác, khách hàng sử dụng điện tại khu công nghiệp truyền tải qua hệ thống riêng họ sẽ có thể tham gia vào thành phần DPPA sớm hơn. Đối với các công ty cần kế hoạch đầu tư cụ thể thời gian tới, nên cần có thời gian dự kiến ban hành giúp doanh nghiệp chuẩn bị tốt hơn”, ông Aguin Toru nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cảm ơn sự hiện diện của các đại diện đã đến dự hội thảo và đã có những ý kiến phát biểu sâu sắc, tâm huyết và xác đáng. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA) trong trường hợp sử dụng hệ thống lưới điện quốc gia thì sản lượng của khách hàng sẽ được thanh toán theo hai thành phần, trong đó phần sản lượng tiêu thụ của khách hàng được đáp ứng từ đơn vị phát điện năng lượng tái tạo sẽ thanh toán theo cơ chế thị trường, phần sản lượng tiêu thụ điện còn lại sẽ được thanh toán theo quy định hiện hành.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Cấn Dũng |
Hai chính sách về DPPA và khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu hoàn toàn thống nhất, không mâu thuẫn. Cần lưu ý là nếu bỏ cụm từ "tự sản tự tiêu" sẽ làm thay đổi hoàn toàn bản chất, không tuân thủ các quy định của pháp luật và quy hoạch, kế hoạch phát triển điện vừa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đặc biệt, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan truyền thông truyền tải thông điệp về bản chất khái niệm “mặt trời áp mái tự sản tự tiêu” để xã hội hiểu, chia sẻ và cùng thực hiện đúng các quy định của pháp luật, phát triển các nguồn điện hài hòa theo quy hoạch điện đã được phê duyệt trong từng giai đoạn, không gây thêm áp lực cho hệ thống truyền tải và phân phối, góp phần giảm căng thẳng trong cung ứng điện.
Vì vậy, trong giai đoạn hiện tại, trong bối cảnh điều kiện của hệ thống truyền tải và phân phối, cân bằng cơ cấu nguồn, biện pháp chống phát ngược và giải pháp mua với giá 0 đồng (trong trường hợp phát lên lưới điện quốc gia) là phù hợp, đảm bảo được việc ngăn chặn được hiện tượng trục lợi chính sách. Những cơ chế khuyến khích loại hình điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu là bước đột phá trong nỗ lực tháo gỡ các rào cản pháp lý cho phát triển nguồn điện trong bối cảnh một số quy định pháp luật chuyên ngành chưa theo kịp thực tiễn.