Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Ngay sau buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các đơn vị của Bộ nhằm quán triệt yêu cầu và tiếp tục thực hiện dự thảo kết luận của Đoàn giám sát.
Trong giai đoạn 2016-2021 công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn này đã được Bộ Công Thương triển khai căn cứ vào Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Nghị định của Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan. Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí và các quy định pháp luật có liên quan đã được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến từng cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Công Thương giúp nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và từng cá nhân người lao động trong việc triển khai công tác thực hành tiết kiệm chống lãnh phí.
Đặc biệt, việc thực thi trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với các ngành và lĩnh vực được phân công (năng lượng, giá xăng dầu, lương thực thực phẩm…) đã được chú trọng đẩy mạnh trên tinh thần tuân thủ quy định pháp luật, chủ động và linh hoạt trong công tác chỉ đạo điều hành. Công tác thanh tra, kiểm tra công vụ cũng được tăng cường. Chính vì vậy, kết quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thể hiện xuyên suốt các mặt hoạt động không chỉ góp phần giúp Bộ Công Thương hoàn thành nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2016-2021 mà còn góp phần trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần đẩy nhanh phục hồi kinh tế sau đại dịch và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, vì vậy Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là một trong những hoạt động pháp lý rất quan trọng. Các đối tượng chịu sự giám sát phải rất nghiêm túc trong việc thực hiện nhiệm vụ báo cáo, giải trình trước cơ quan và trước Đoàn giám sát. Thông qua báo cáo đánh giá và nhận xét của Đoàn giám sát, đây là cơ hội để các đơn vị chức năng nhìn nhận rõ hơn, cái tốt tiếp tục phát huy, cái chưa tốt tiếp tục sửa chữa, khắc phục.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng yêu cầu người đứng đầu các đơn vị cần phải rất tự giác và nghiêm túc thực hiện các báo cáo thuộc lĩnh vực của mình để gửi Đoàn giám sát. Đồng thời, Tổ biên tập cần phải cố gắng bám sát đề cương, gợi ý của Đoàn giám sát, đặc biệt là phải phối hợp với thường trực của Đoàn giám sát. Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân sẽ trực tiếp làm việc với lãnh đạo các đơn vị ngay sau cuộc họp này và hoàn thành Báo cáo trước ngày 17/8.