Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới tại Quảng Ninh Xây dựng nông thôn mới: Triển khai linh hoạt |
Theo số liệu từ Cục Công Thương địa phương, (Bộ Công Thương), tính đến hết tháng 6/2022, cả nước có 89,4% số xã đạt tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; có 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt tỷ lệ 100% số xã đạt tiêu chí này.
Đồng bằng sông Hồng (98,4%), Bắc Trung bộ (92%), Tây Nguyên (93,7%), Đông Nam bộ (95,8%) là những vùng có tỷ lệ xã đạt tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn cao hơn mức chung của cả nước.
Theo ghi nhận từ nhiều địa phương, chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp sức đáng kể đổi mới diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống của bà con nhân dân.
Với chủ trương xây dựng nông thôn mới có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở này, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định hướng dẫn và xét công nhận Tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.
Đảm bảo hạ tầng thương mại - yếu tố quan trọng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao |
Theo đó, xã được công nhận đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn mới khi đáp ứng một trong các nội dung sau: Có chợ nông thôn nằm trong quy hoạch, kế hoạch phát triển, định hướng phát triển và đạt chuẩn theo quy định; trường hợp xã không có chợ nông thôn: Có siêu thị mini hoặc cửa hàng tiện lợi hoặc cửa hàng kinh doanh tổng hợp đạt chuẩn theo quy. Việc xét, công nhận xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn mới được thực hiện theo thứ tự ưu tiên: Xã có “chợ nông thôn” được ưu tiên xét, công nhận trước; trường hợp xã không có “chợ nông thôn” thì “cơ sở bán lẻ khác” được đưa ra để xem xét, đánh giá và xét công nhận.
Trường hợp xã không có cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn hoặc có cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng do nhu cầu thực tế chưa cần đầu tư xây dụng thì không xem xét tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn.
Xã được công nhận đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn mới nâng cao khi đáp ứng một trong hai điều điều kiện: Là xã có chợ đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, đồng thời có mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm đáp ứng một phần hoặc đầy đủ các tiêu chí quy định tại TCVN 11856:2017 về chợ kinh doanh thực phẩm; là xã có chợ đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn theo quy định và đáp ứng các yêu cầu chung theo tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm đã được quy định tại TCVN 11856:2017.
Trường hợp xã không có chợ nông thôn hoặc có chợ nông thôn trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng do nhu cầu thực tế chưa cần đầu tư xây dựng thì không xem xét tiêu chí cơ sở hạ tầng nông thôn mới nâng cao.
Với nhiều tiêu chí mới và khó, xây dựng nông thôn mới nâng cao được nhiều địa phương, nhất là các địa phương khu vực miền núi “than khó”. Nguyên nhân được chỉ ra là do thiếu vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; thu nhập của người dân còn thấp; ở các địa phương khu vực miền núi tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao…
Dù vậy, trên tinh thần chủ động, xác định rõ những khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nhất là nông thôn mới kiểu mẫu trong giai đoạn mới, các địa phương đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện từng chỉ tiêu và về đích đúng hẹn.
Chung sức với các địa phương, trong chức năng nhiệm vụ của mình, Bộ Công Thương đang khẩn trương hoàn thành các văn bản chính sách trong lĩnh vực này. Tiếp tục phát động và nâng cao chất lượng phong trào thi đua “ngành Công Thương chung sức xây dựng nông thôn mới”; đa dạng hóa các loại hình tuyên truyền, nâng cao nhận thức để cán bộ, đảng viên và người lao động ngành Công Thương hiểu đầy đủ bản chất của xây dựng nông thôn mới.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu Bộ Công Thương được giao phụ trách giai đoạn 2021 - 2025 để nắm bắt thông tin, tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, kịp thời hướng dẫn, hoặc nghiên cứu điều chỉnh bổ sung các quy định cho phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương.