Tiếp tục triển khai bố trí sẵn các điểm bán hàng lưu động
Thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid- 19, để bảo đảm cung ứng các mặt hàng nhu yếu phẩm cho người dân trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công Thương) đã có Công văn đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đôn đốc, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối hàng nhu yếu phẩm được phép tiếp tục hoạt động; tổ chức các điểm bán hàng lưu động để phục vụ người dân trong các khu vực bị cách ly (nếu có).
Đồng thời, đề nghị các Sở Công Thương tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối tổ chức các điểm bán hàng mới (các điểm bán hàng tạm thời, lưu động, dã chiến…) để bảo đảm cung ứng thường xuyên, liên tục nhu yếu phẩm cho người dân trong trường hợp các điểm bán hàng thuộc hệ thống của các doanh nghiệp phân phối hàng nhu yếu phẩm trên địa bàn bị đóng cửa vì các lý do dịch bệnh (như có trường hợp nhiễm bệnh trong khu vực của điểm bán hàng…) hoặc thực hiện phương án giảm mật độ người dân đến mua sắm;
Sở Công Thương hướng dẫn việc tổ chức hoạt động cho các điểm bán hàng nhu yếu phẩm (như chợ và các điểm bán hàng của doanh nghiệp phân phối) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm vừa bảo đảm cung ứng liên tục các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid- 19.
Bà Lê Thị Hồng- Trưởng phòng Điều tiết cung cầu, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết, hiện Sở Công Thương các địa phương đã đẩy mạnh phối hợp với các doanh nghiệp phân phối tổ chức các điểm bán hàng di động, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh. Ở các địa phương khác, việc triển khai thực hiện chậm hơn. Hiện, Vụ thị trường trong nước đang đôn đốc các địa phương khẩn trương triển khai bố trí sẵn các điểm bán hàng lưu động để đề phòng trường hơp cần thiết thì có thể đưa vào sử dụng được ngay. Việc tổ chức các điểm bán hàng mới này không chỉ được thực hiện trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội (từ 1/4 đến 15/4) mà cả thời gian sau đó, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Ngoài vai trò của các địa phương, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho rằng, quan trọng nhất vẫn là từ phía doanh nghiệp phải thực sự có nhu cầu cũng như chiến lược kinh doanh. Quan trọng hơn là nhận thức được, phòng trừ trường hợp chẳng may có một điểm bán hàng nào đó có nhân viên bị nhiễm bệnh, bắt buộc điểm đó phải đóng cửa thì việc có ngay một điểm bán hàng dã chiến để thay thế là hết sức cần thiết.
Doanh nghiệp song hành cùng địa phươngLà một trong những đơn vị phân phối sớm thực hiện việc mở các điểm bán hàng mới (các điểm bán hàng tạm thời, lưu động, dã chiến…) để bảo đảm cung ứng thường xuyên, liên tục nhu yếu phẩm cho người dân, đại diện Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Vincommerce cho hay, hiện tại công ty đã mở 68 điểm bán hàng tăng cường, trong đó có 23 điểm bán ở TP.Hồ Chí Minh và 45 điểm bán ở Hà Nội.
Trước đây, hệ thống siêu thị Vinmart được bố trí ở phía trong hoặc dưới tầng hầm của các Trung tâm Thương mại Vincom, tuy nhiên, do dịch Covid- 19, hiện các siêu thị này đã được hỗ trợ bố trí điểm bán và giới thiệu sản phẩm ngay ở phía ngoài sảnh trước của Trung tâm thương mại. Việc này thuận tiện cho người mua, thực hiện giãn cách xã hội, mua hàng thông thoáng.
Vincommerce mở thêm các điểm bán hàng lưu động |
Đại điện Vincommerce cho biết thêm, cả nước đang có gần 3.000 điểm bán của Vinmart và Vinmart+ với đầy đủ hàng hóa thiết yếu cũng như các mặt hàng bình ổn kinh doanh trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội. Về lượng khẩu trang vải, hiện tổng tồn kho đang khoảng 3 triệu chiếc, mỗi ngày bán ra khoảng 60 – 80 nghìn chiếc trên toàn hệ thống.
Về công tác phòng dịch, phía Vinmart và Vinmart+ cũng đã triển khai theo 3 cấp. Theo đó, tất cả các khách hàng vào Vinmart đều phải sử dụng khẩu trang, đo kiểm thân nhiệt ngay ở trước cửa siêu thị, cửa hàng; sử dụng các thuốc sát khuẩn miễn phí tại điểm bán. Vào trong cửa hàng, ở một số tỉnh sẽ có ghi chép lịch sử di chuyển của khách hàng (khách hàng tên là gì, ở đâu). Bên cạnh đó, còn thực hiện giãn cách siêu thị, khách hàng đứng cách nhau khoảng 2m, mỗi siêu thị tiếp khoảng 200 khách hàng, trường hợp khách hàng nhiều hơn thì sẽ phải xếp hàng ở ngoài để đợi.
Vincommerce cũng đồng loạt triển khai 3 giải pháp bán hàng online. Cụ thể, mỗi siêu thị đều có 1 hotline đặt hàng riêng. Khách hàng có thể gọi điện thoại trực tiếp cho siêu thị để đặt hàng mua sắm hàng hóa thiết yếu; bên cạnh đó, có thể mua qua trang web vinmart.com; mua qua ứng dụng điện thoại VinID. Hoạt động bán hàng online được triển khai rất hiệu quả và có tăng trưởng rất mạnh trong thời gian vừa qua - khoảng 250% so với mức bán trước khi có dịch Covid- 19.
Trên thực tế, lượng hàng chủ yếu bán đột biến vào những ngày như 7/3 (khi có ca đầu tiên Hà Nội bị nhiễm Covid- 19) và ngày 31/3 (trước ngày thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng về giãn cách xã hội). Từ 1/4 đến nay, mức bán đã trở lại như bình thường. Hiện Vincommerce cũng đã có báo cáo gửi tới Bộ Công Thương về lượng hàng hóa dự trữ đến hết quý II và cam kết về nguồn cung hàng hóa, đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.
Còn theo đại diện Tập đoàn BRG, thực hiện công văn của Bộ Công Thương cũng như chỉ đạo của TP. Hà Nội về việc giao hệ thống các siêu thị trên địa bàn dự trữ nguồn thực phẩm, nhu yếu phẩm cung ứng đủ dùng cho người dân Hà Nội trong mọi tình huống của dịch bệnh Covid- 19 với mức giá ổn định, ngày 1/4/2020, Tập đoàn BRG cũng đã chính thức mở thêm 10 cửa hàng bán lẻ Hapro Food trong chuỗi BRG Mart tại các địa điểm trung tâm. 10 cửa hàng bán lẻ Hapro Food trong chuỗi BRG Mart được mở trên các tuyến phố trung tâm của thành phố Hà Nội như: Hàng Bài, Hàng Buồm, Hàng Đậu, Đội Cấn, Lò Đúc, Tôn Đức Thắng, Thợ Nhuộm, Trung Hòa – Nhân Chính…
Các cửa hàng triển khai cung ứng đầy đủ các sản phẩm hàng hóa thiết yếu tới người dân với mức giá bình ổn, đặc biệt là 13 nhóm mặt hàng nằm trong chương trình bình ổn giá của TP. Hà Nội. Việc mở mới hàng loạt các cửa hàng bán lẻ Hapro Food trong chuỗi BRG Mart nhằm mang những hàng hóa thiết yếu đến gần hơn với người tiêu dùng, làm giảm khoảng cách đi lại và tiếp xúc khi mua sắm. Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ của doanh nghiệp đối với cộng đồng khi góp phần đảm bảo nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ cho nhân dân Thủ đô, giữ ổn định an ninh lương thực thời điểm hiện nay.
Về phía địa phương, tại Quảng Ninh, Sở Công Thương cũng xây dựng phương án triển khai các điểm bán hàng nhu yếu phẩm và đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trong giai đoạn thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng trong thời gian 15 ngày, kể từ ngày 1/4/2020. Các siêu thị, doanh nghiệp trên chủ động hàng hóa, điều tiết trong hệ thống, chủ động đảm bảo nguồn hàng hóa tại quầy, kệ, kho đảm bảo đủ hàng hóa cho nhân dân; tăng cường bán hàng qua kênh thương mại điện tử và thực hiện giao hàng tại nhà cho người dân. Các huyện, thị xã, thành phố cũng chủ động bố trí địa điểm bán hàng, nhân lực phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị phân phối sẵn sàng tiếp nhận hàng hóa thiết yếu để điều tiết, cung ứng kịp thời phục vụ nhân dân. Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 490 điểm bán hàng bình ổn giá.
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai chỉ đạo theo tinh thần Công văn số 2226 /BCT-TTTN về việc triển khai các điểm bán hàng nhu yếu phẩm. Nếu có khó khăn vướng mắc, kịp thời thông tin về Bộ Công Thương để phối hợp xử lý. |