Bộ Công Thương công bố quyết định công nhận Ngày truyền thống của Báo Công Thương
Tin hoạt động 19/06/2024 13:36
Giáo sư Hoàng Chí Bảo đồng tình với những bình luận của Báo Công Thương về hiện tượng Thích Minh Tuệ Báo Công Thương không có phóng viên và cộng tác viên tại Quảng Ninh |
5 nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan truyền thông ngành Công Thương
Ngày 19/6/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc tại Báo Công Thương nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và công bố Quyết định số 1599/QĐ-BCT ngày 18/6/2024 về việc công nhận Ngày truyền thống của Báo Công Thương là ngày 2/10 hàng năm.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo |
Tham dự buổi làm việc có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cùng toàn thể phóng viên, biên tập viên và người lao động Báo Công Thương.
Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã gửi đến các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo và tập thể viên chức, người lao động Báo Công Thương lời chào mừng nồng nhiệt, lời chúc sức khoẻ và hạnh phúc.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin, ngày 2/10/1945, Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà – thành viên Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Nghị định số 08-BKT/VP về tổ chức bộ máy và hoạt động của Bộ Quốc dân Kinh tế, trong đó Phòng Kinh tế tập san có nhiệm vụ xuất bản Việt Nam Kinh tế tập san. Sau nhiều thời kỳ, nhiều lần đổi tên, ngày nay Việt Nam kinh tế tập san có tên Báo Công Thương.
“Tạp chí Công Thương, Truyền hình Công Thương, Nhà xuất bản Công Thương cũng bắt đầu từ sự kiện này. Cho nên về lâu dài chúng ta cần có quyết định lấy ngày 2/10 là ngày truyền thống các cơ quan truyền thông thuộc ngành Công Thương Việt Nam”, Bộ trưởng nhận định.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trao quyết định công nhận Ngày truyền thống của Báo Công Thương cho tập thể lãnh đạo Báo |
Qua thu thập dữ liệu lịch sử, nhất là qua theo dõi trực tiếp, chỉ đạo thời gian vừa qua, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương cùng chung đánh giá, Báo Công Thương, các cơ quan truyền thông trong ngành Công Thương đã nỗ lực và thu được những thành quả rất quan trọng, tập trung vào 3 điểm cơ bản.
Cụ thể, Báo Công Thương và các cơ quan truyền thông luôn thực hiện nghiêm tôn chỉ mục đích của tờ Báo là cơ quan ngôn luận của ngành Công Thương, tiếng nói của người lao động trong ngành.
Báo cũng như các cơ quan truyền thông có nhiều đổi mới, cải cách phù hợp với điều kiện cụ thể và đổi mới rõ nét cả về nội dung và hình thức.
Tổ chức của các bộ máy cơ quan ngày càng hoàn thiện, phương tiện, điều kiện làm việc được nâng cao. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, người lao động trong cơ quan được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện và có bước trưởng thành về mọi mặt.
“Thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương, tôi nhiệt liệt chúc mừng, hoan nghênh thành tựu mà Báo Công Thương cũng như các cơ quan truyền thông của Bộ đạt được trong những năm qua”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhận định, thành tựu là to lớn nhưng bối cảnh mới đã và đang đặt ra những thời cơ thuận lợi và thách thức đan xen. Để hoàn thành và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng đề nghị, Báo Công Thương và các cơ quan truyền thông trong ngành cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ:
Các đại biểu dự Lễ công bố |
Thứ nhất, cần chú trọng nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các quan điểm chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vục báo chí truyền thông và công tác của ngành Công Thương để hoạch định đường lối, xây dựng định hướng phát triển và tổ chức thực thi nhiệm vụ thường xuyên đạt kết quả tốt, hiệu quả nhất.
Thứ hai, bám sát định hướng chiến lược quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch các địa phương để làm tốt công tác truyền thông, góp phần làm giàu về nhận thức, tổng kết đúc rút kinh nghiệm, đề xuất được phương hướng và giải pháp trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng về kinh tế xã hội, nhất là mục tiêu phát triển của ngành Công Thương theo Chiến lược phát triển ngành đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Thứ ba, Báo Công Thương cần tiếp tục nâng cao chất lượng nội dung, đảm bảo thông tin chính xác, kịp thời và hấp dẫn. Đồng thời, cần đa dạng hóa hình thức truyền thông, tận dụng các kênh truyền thông mới để tiếp cận đối tượng độc giả đa dạng hơn.
Thứ tư, tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn phát động và tổ chức các phong trào thi đua trong toàn cơ quan, toàn khối nhằm không ngừng đổi mới cả về nội dung, hình thức của cả tờ báo sao cho hấp dẫn, hoạt động hiệu quả. Chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật trong điều kiện cho phép để Báo và cơ quan truyền thông của ngành vươn lên xứng đáng là tờ báo có uy tín trong làng báo Việt Nam.
“Công Thương là ngành lớn, các cơ quan truyền thông cũng phải nâng tầm, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của ngành có vai trò vị trí rất quan trong nền kinh tế đất nước”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Cần tập trung rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan truyền thông sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Đồng thời chú trọng công tác sàng lọc, tuyển chọn, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên và người lao động trong các cơ quan báo chí, truyền thông xứng tầm với nhiệm vụ mới của Báo.
Thứ năm, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, tổ chức Đảng và vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên, đoàn viên, hội viên Hội nhà báo trong các cơ quan báo chí truyền thông và Báo Công Thương là vô cùng quan trọng. Đề nghị, lãnh đạo cơ quan báo chí, truyền thông chú trọng kiện toàn, có biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế lãnh đạo, như cấp uỷ, tổ chức Đảng, đoàn thanh niên, công đoàn … nâng cao vai trò gương mẫu của từng cán bộ đoàn viên, đảng viên và hội viên trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ tăng cường hợp tác giúp đỡ để Báo Công Thương, cơ quan truyền thông của ngành Công Thương vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Góp phần vào thực hiện nhiệm vụ chính trị toàn ngành, cũng như mỗi đơn vị trong ngành.
Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã tới thăm, chúc mừng Nhà Xuất bản Công Thương, Tạp chí Công Thương, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Báo Công Thương cam kết đoàn kết, đổi mới, sáng tạo
Trong sự kiện rất quan trọng, niềm vui chung của tập thể lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên và người lao động Báo Công Thương, Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh cho biết: Hôm nay chúng ta cùng chia sẻ niềm vui kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và chứng kiến sự kiện lịch sử của Báo Công Thương - đón nhận quyết định công nhận ngày truyền thống của Báo.
Tổng Biên tập Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh |
Thay mặt toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên và nhân viên Báo Công Thương, Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, lãnh đạo các cơ quan chức năng: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, và các cơ quan trong Bộ Công Thương như: Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ... đã quan tâm, hỗ trợ trong quá trình minh định Ngày truyền thống của Báo Công Thương.
Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến học giả Nguyễn Đình Đầu - nguyên Bí thư của Bộ trưởng Bộ Kinh tế quốc gia (nay là Bộ Công Thương); gia đình GS. Đoàn Trọng Truyến - nguyên Bộ trưởng, Tổng Thư ký Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ những năm 1984 - 1987; nhà báo, nhà nghiên cứu trẻ Kiều Mai Sơn... Chính sự giúp đỡ thiệt thành, sự cẩn trọng đến khắt khe của các vị đã giúp việc xác định ngày truyền thống của Báo được công tâm và chính xác.
Cũng theo Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh, trong hơn một năm qua, Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ Công Thương đã luôn đồng hành và chỉ đạo sát sao trong việc tìm hiểu, thu thập tư liệu về lịch sử và truyền thống của Báo Công Thương qua các thời kỳ. Sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Bộ trưởng và các Lãnh đạo Bộ đã tạo động lực lớn lao cho Báo Công Thương trong quá trình tìm kiếm và xác định mốc thời gian quan trọng này.
“Báo Công Thương đã nỗ lực không ngừng nghỉ, từ việc tìm kiếm các tư liệu quý giá từ Thư viện Quốc gia, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, đến việc tổ chức Hội thảo khoa học xác định ngày truyền thống của Báo Công Thương vào ngày 8/9/2023. Sự tham gia, góp ý của các nhà báo lão thành, các chuyên gia sử học và đại diện các cơ quan quản lý có liên quan đã giúp chúng tôi đạt được sự đồng thuận cao trong việc chọn ngày 2/10/1945 là Ngày truyền thống của Báo Công Thương” - Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh chia sẻ và một lần nữa gửi lời cảm ơn chân thành đến Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng đại diện các đơn vị, cá nhân liên quan. Sự công nhận này không chỉ là niềm vinh dự lớn lao mà còn là động lực để Báo Công Thương tiếp tục phấn đấu, nâng cao chất lượng thông tin, tăng cường tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chụp ảnh cùng Lãnh đạo một số đơn vị, các đại biểu |
Thay mặt cho tập thể lãnh đạo, cán bộ phóng viên, người lao động Báo Công Thương, Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh cam kết sẽ tiếp tục lãnh đạo tập thể Báo đoàn kết, sáng tạo, hoàn thành mục tiêu Đề án đổi mới toàn diện Báo Công Thương giai đoạn 2023 – 2025, xây dựng Báo Công Thương thành cơ quan báo chí truyền thông đa phương tiện mạnh về nội dung, hiện đại về hình thức, đáp ứng kỳ vọng về một cơ quan báo chí tiên phong, đổi mới, sáng tạo của đồng chí Bộ trưởng.
Cùng đó, Báo Công Thương sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, tinh thần đoàn kết và sự sáng tạo không ngừng để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của ngành Công Thương và nền kinh tế đất nước.
Một số hình ảnh Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với các cơ quan truyền thông thuộc Bộ:
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với một số đơn vị truyền thông thuộc Bộ |
Theo Quyết định số 1599/QĐ-BCT, ngày 2/10 hàng năm là Ngày truyền thống của Báo Công Thương. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/6/2024.
|