Nhằm chủ động ứng phó với thiên tai, bão lũ, sạt lở xảy ra trong mùa mưa năm 2024, UBND các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã có chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống, ứng phó để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
Theo đó, Chủ tịch UBND huyện Đức Linh Huỳnh Văn Tỉnh cho biết, trong thời gian qua, tình hình thiên tai mưa lũ trên địa bàn huyện có nhiều diễn biến bất thường, phức tạp. Tính đến tháng 9/2024, trên địa bàn huyện đã xảy ra 9 lượt thiên tai các loại, đáng chú ý là hiện tượng lốc, sét, mưa lớn xảy ra thường xuyên, khiến 1 người bị thương, hư hỏng 31 căn nhà và 12 công trình dân dụng khác, 3 cầu giao thông bị hư hại và thiệt hại hàng trăm ha cây trồng.
Theo cảnh báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ tháng 9/2024 đến tháng 11/2024, bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng tiếp tục xuất hiện ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Các hiện tượng dông sét, lốc, mưa lớn, lũ, sạt lở đất có khả năng xuất hiện, diễn biến phức tạp.
Do đó, để chủ động công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, Chủ tịch UBND huyện Đức Linh Huỳnh Văn Tỉnh đã yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân, hộ gia đình, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cơ sở y tế, giáo dục chủ động thực hiện các biện pháp chằng chống, gia cố nhà ở, công trình, cơ quan, trụ sở, bảng hiệu, pano… nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai có thể gây ra trong thời gian tới.
Bình Thuận đang rà soát, khoanh vùng các khu vực, tuyến đường trên địa bàn tỉnh có nguy cơ sạt lở cao - (Ảnh minh họa) |
Kiểm tra, rà soát, khoanh vùng và xử lý kịp thời các khu vực, tuyến đường có nguy cơ sạt lở cao, nhất là tuyến đường Tà Pứa tại xã Mê Pu, tuyến đường Rô Mô tại xã Đa Kai; hệ thống các cầu, cống qua đường, qua kênh thủy lợi; tuyến đê bao xã Võ Xu và xã Đức Tín; các bãi tập kết rác thải; điểm tập kết, khai thác khoáng sản nhằm đảm bảo an toàn dân cư, sản xuất, giao thông đi lại của nhân dân và các hoạt động kinh tế - xã hội khác tại địa phương khi có tình huống thiên tai xảy ra.
Tổ chức kiểm tra, chủ động việc nạo vét, khơi thông dòng chảy tại các sông, suối, công trình cầu, cống, công trình thủy lợi ở các khu vực có nguy cơ ngập lụt và sạt lở đất. Rà soát và chuẩn bị sẵn sàng phương châm “4 tại chỗ”. Có phương án di dời, sơ tán dân khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở, ngập lụt sâu nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, hạn chế thiệt hại về cơ sở hạ tầng trong khu vực.
Khẩn trương thực hiện các giải pháp nhằm sớm khắc phục thiệt hại các công trình cầu, cống…cơ sở hạ tầng bị thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian vừa qua để đảm bảo giao thông đi lại cho người dân, hoạt động kinh tế xã hội của địa phương.
Còn tại huyện Tuy Phong, UBND huyện Tuy Phong cũng đã có chỉ đạo các phòng, ban, ngành liên quan và UBND các xã, thị trấn chủ động thực hiện các giải pháp để phòng, chống ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lớn gây ra do ngập lụt, sạt lở đất.
Trong đó, tập trung rà soát, kiểm tra, đánh giá lại các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan… các khu vực sườn đồi dốc, vùng trũng ven sông, suối, các tuyến đường giao thông trên địa bàn quản lý để kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn hoặc ngập lụt, lũ quét. Sẵn sàng phương án di dời, sơ tán dân khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở, ngập lụt sâu nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, hạn chế thiệt hại về cơ sở hạ tầng trong khu vực.
Phối hợp với các Sở, ngành liên quan kiểm tra công tác an toàn tại các công trường đang xây dựng, nhất là ở các khu dân cư ven sông, suối, ven biển, sườn đồi dốc. Đình chỉ việc xây dựng công trình nếu không bảo đảm an toàn hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, lấn chiếm ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bình Thuận cho biết, thời gian qua, tình hình mưa to gió lớn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận diễn biến hết sức phức tạp, gia tăng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở, sụt lún đất rất cao, nhất là tại các xã Phan Lâm, Sông Bình (huyện Bắc Bình); Phong Phú, Phú Lạc (huyện Tuy Phong).
Ngoài ra, trên địa bàn Bắc Bình, Đức Linh, Tánh Linh cũng có một số xã, thị trấn nguy cơ sạt lở cao, như: Bình An, Sông Mao, Hải Ninh, Phan Hiệp, Mê Pu, TT Võ Xu, La Dạ, La Ngâu và Măng Tố. Lũ quét, ngập úng cục bộ đã xảy ra tại khu vực ven sông suối trên lưu vực sông La Ngà, Sông Lũy, Sông Lòng Sông và một số sông suối nhỏ khác. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy là cấp 1.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh cũng cảnh báo, các công trình, nhà cửa bị ảnh hưởng do mưa lớn, đường sá ngập, các khu dân cư ven các sông suối nhỏ và vùng sườn đồi dốc đặc biệt lưu ý. Do tác động của mưa lớn có nguy cơ xảy ra ngập úng cục bộ vùng trũng thấp, ảnh hưởng hoa màu, đất sản xuất. Ngập úng ảnh hưởng quá trình di chuyển của các phương tiện giao thông.
Trước tình hình đó, trong thời gian tới, UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm tra, rà soát, cập nhật kịch bản ứng phó tình huống xảy ra bão mạnh, áp thấp nhiệt đới đổ bộ trực tiếp hoặc mưa to kéo dài nhiều ngày, kết hợp lũ lớn và xả lũ công trình thủy lợi, thủy điện, sạt lở đất, đá nghiêm trọng; nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp cơ sở để thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai; kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.