Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận, hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã nhiều ngày không mưa, nắng nóng, thời tiết khô hanh, thảm thực bì ở các khu vực rừng khộp, rừng trồng hầu hết đã khô kiệt, có nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.
Nhiều diện tích rừng ở Bình Thuận rơi vào tình trạng khô kiệt, nguy cơ cháy cao - Ảnh: binhthuan.gov.vn |
Cụ thể, rừng tại các địa bàn thành phố Phan Thiết và các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Đức Linh, Tánh Linh, Phú Quý và thị xã La Gi có nguy cơ cháy rừng cấp IV (cấp rất nguy hiểm). Tại các địa bàn các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam được cảnh báo cháy rừng cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm).
Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận đề nghị Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cấp huyện đến các xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm phương án phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh; đồng thời, triển khai ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ. Cùng với đó, các đơn vị tăng cường tuần tra, kiểm tra các khu vực dễ xảy ra cháy rừng để có biện pháp chủ động kiểm soát tình hình cháy rừng. Khi phát hiện có xảy ra cháy rừng, tổ chức lực lượng chữa cháy kịp thời, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn, cháy lan trên diện rộng gây thiệt hại tài nguyên rừng.
Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận cũng đề nghị các đơn vị chủ rừng và các xã có rừng tăng cường kiểm tra ứng trực phòng cháy, chữa cháy rừng tại các khu vực trọng điểm cháy, chòi canh. Lực lượng canh phòng trực phải đảm bảo thời gian quy định; dừng thực hiện biện pháp đốt giảm vật liệu cháy. Song song, các xã tuyên truyền trên loa phóng thanh của địa phương về việc nghiêm cấm người dân đốt dọn nương rẫy tại các khu vực ven rừng và khu vực trọng điểm.
Cùng với đó, đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng trực để hỗ trợ chữa cháy rừng khi xảy ra ở các địa phương và đơn vị chủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh theo lệnh điều động. Các Ban Quản lý rừng cần tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực canh phòng 24/24 giờ thường xuyên tại các khu vực trọng điểm cháy, chòi xanh và ngoài hiện trường rừng, nhất là vào giờ cao điểm; phát hiện kịp thời điểm cháy, báo động và huy động lực lượng, phương tiện dập tắt ngay...
Khu vực rừng Hàm Thuận Nam nhìn từ trên cao - Ảnh: K. Hằng |
Ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, Sở cũng vừa có văn bản chỉ đạo các địa phương, Chi cục Kiểm lâm và đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, cháy rừng và khai thác rừng trái pháp luật trong tình trạng nắng nóng còn kéo dài.
Theo ông Lê Thanh Sơn, Sở đã yêu cầu thủ trưởng các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, các Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Bình Thuận, Sông Dinh tập trung chỉ đạo củng cố lực lượng bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng của đơn vị để chủ động và hoạt động có hiệu quả công tác tuần tra, kiểm tra rừng.
Tỉnh Bình Thuận hiện có tổng diện tích rừng là 349.069 ha, gồm rừng tự nhiên 296.915 ha và rừng trồng 52.153 ha.