Ba đề án khuyến công quốc gia điểm mới được nghiệm thu có tổng kinh phí hỗ trợ 900 triệu đồng, đều thuộc nội dung “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong chế biến hạt điều”. Các đối tượng thụ hưởng gồm: Công ty TNHH một thành viên sản xuất thương mại Tứ Linh, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng; doanh nghiệp tư nhân Ngọc Lợi, thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản; Công ty TNHH một thành viên Tuấn Phường, xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh.
Ngay sau khi ký hợp đồng, các đơn vị thụ hưởng đã nhanh chóng triển khai đề án. Theo đó, Công ty TNHH một thành viên sản xuất thương mại Tứ Linh đã đầu tư máy cắt tách vỏ cứng hạt điều, model ĐHK-2021, công suất 650-750 kg/giờ, sản xuất tại Việt Nam, máy mới 100%; doanh nghiệp tư nhân Ngọc Lợi đầu tư máy tách tạp chất rắn X-Ray MY8045-60XS trong chế biến hạt điều, model MY8045-60XS, công suất 4.000-4.500 kg/giờ, sản xuất tại Trung Quốc, máy mới 100%; Công ty TNHH một thành viên Tuấn Phường đầu tư máy tách màu trong chế biến hạt điều, model 6SXL-1200D2X4H, công suất 2 – 4 tấn/ giờ, xuất xứ Trung Quốc, máy mới 100%.
Bình Phước tiếp tục triển khai đề án khuyến công quốc gia điểm trong ngành chế biến điều |
Theo kết quả nghiệm thu, thiết bị máy móc mới được đầu tư đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về kỹ thuật trong chế tạo máy cũng như an toàn trong quá trình vận hành sản xuất. Đồng thời, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Trước khi đề án khuyến công quốc gia điểm “Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Phước phát triển chế biến hạt điều giai đoạn 2021 – 2023” được triển khai, Bình Phước cũng đã thí điểm thực hiện loại hình đề án này trong 3 năm, từ năm 2018 đến năm 2020. Kết quả, đã có 40 cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất, chế biến điều được hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại vào trong sản xuất; 2 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm điều theo công nghệ mới được xây dựng… các chỉ tiêu của đề án thí điểm đều đạt hoặc vượt so với kế hoạch đề ra.
Nguyên do Bình Phước chọn là điều là ngành để thí điểm triển khai đề án là bởi tuy là thủ phủ điều với diện tích trồng và sản lượng chiếm khoảng 50% của cả nước, tuy nhiên phần lớn doanh nghiệp, cơ sở chế biến điều trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, cơ sở kinh doanh hộ gia đình, do vậy năng lực tài chính khá hạn chế. Một số cơ sở sản xuất dù đã bỏ vốn đầu tư bổ sung nhưng trang thiết bị chưa đồng bộ; việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn gặp nhiều khó khăn do trình độ tiếp cận của người lao động còn hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ nên không tận dụng hết công suất của thiết bị. Đáng nói, các cơ sở vẫn tập trung chủ yếu ở khâu chế biến thô, rất ít doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu tạo sản phẩm cuối cùng để tiêu dùng trực tiếp, do đó lợi nhuận mang lại chưa cao. Đặc biệt, việc nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO, HACCP, GMP, đồng thời đăng ký, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa cho sản phẩm chưa được chú trọng nên chưa tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường xuất khẩu.
Đề án khuyến công quốc gia điểm thí điểm được triển khai đã phần nào khắc phục những hạn chế của ngành chế biến điều Bình Phước, cũng là động lực cho tỉnh tiếp tục triển khai đề án trong 3 năm tới. Đề án cũng nhằm tiếp tục hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn chế biến điều trên địa bàn tỉnh phát triển; thu hút mọi nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư vào phát triển ngành điều một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn và góp phần xây dựng nông thôn mới.
Đề án khuyến công quốc gia điểm “Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Phước phát triển chế biến hạt điều giai đoạn 2018 – 2020”, có tổng kinh phí thực hiện 45,705 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia 11,75 tỷ đồng, kinh phí đối ứng của đơn vị thụ hưởng 33,955 tỷ đồng. |